ClockThứ Năm, 14/07/2022 14:00

Hạnh phúc từ lắng nghe, thấu hiểu

TTH - Lắng nghe và thấu hiểu là sợi dây liên kết bền chặt cho hạnh phúc gia đình. Từ việc lắng nghe, thấu hiểu, các thành viên tìm được ở nhau sự đồng cảm sẻ chia, hóa giải những hiểu lầm, gắn kết tình cảm, tạo không khí gia đình êm ấm, hòa thuận.

Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ để xây dựng gia đình hạnh phúc

Cuối tuần, gia đình chị Trần Thị Ngọc Phương, phường Phước Vĩnh, TP. Huế thư giãn tại phòng sinh hoạt chung. Vợ chồng chị Phương cùng con trai đầu ngồi nghe cô con gái út đánh đàn.

Chị Phương trải lòng, hạnh phúc gia đình không tự nhiên mà đến, nếu các thành viên trong gia đình không biết lắng nghe và thấu hiểu. Chị kể, vợ chồng chị từng trải qua giai đoạn "chán'' hôn nhân. Công tác trong ngành xây dựng, chồng chị thường tiếp khách, nhậu khuya, có khi đi công tác dài ngày. Chị vừa đảm đương việc cơ quan, vừa chăm sóc, đưa đón con đi học, dọn dẹp nhà cửa… nên luôn trong trạng thái quá tải, căng thẳng.

Thời gian ít ỏi vợ chồng bên nhau, chị thường cằn nhằn nên tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt. Những hôm về quá khuya, chồng chị ngủ luôn phòng khách. Bức xúc dồn nén, chị Phương “chiến tranh lạnh”, sau đó đòi ly hôn. Thương các con sống trong bầu không khí ngột ngạt, vợ chồng chị đã sắp xếp thời gian ngồi lại với nhau, nói chuyện. Thay vì cằn nhằn trách móc, chị Phương trút hết bao ấm ức, mệt mỏi chị gồng gánh hàng ngày. Chồng chị vỡ lẽ những điều anh cho là bình thường như ăn cơm nhà, buổi tối quây quần bên nhau thì đối với chị là rất quan trọng nhưng anh lại lãng quên.

Nhận thấy mình chưa tròn trách nhiệm, chồng chị Phương hứa sẽ sắp xếp lại giờ giấc, quan tâm gia đình nhiều hơn. Đồng thời, anh cũng chia sẻ những khó khăn do đặc thù công việc và cũng vì muốn vun vén gia đình, mong chị bớt cằn nhằn, trách móc.

Chị Phương tâm sự: “Lắng nghe tâm tư của nhau, vợ chồng tôi đã thấu hiểu, giải tỏa bao ấm ức trong lòng. Tôi hết giận, thông cảm vì áp lực công việc của chồng, ngược lại chồng tôi đã hạn chế đi sớm về khuya, mỗi tuần tranh thủ vui chơi trò chuyện cùng con. Hai vợ chồng thống nhất thuê người giúp việc để đỡ đần việc nhà. Từ hôm đó, vợ chồng tôi thỏa thuận với mọi thành viên trong gia đình phải biết lắng nghe mọi tâm tư của nhau để thấu hiểu và chia sẻ cho nhau trong mọi hoàn cảnh. Cũng nhờ lắng nghe con tâm sự, tôi hiểu con không muốn học ngành ba mẹ định hướng nên vợ chồng tôi vui vẻ cho con chọn lựa ngành học yêu thích”, chị Phương bày tỏ.

“Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” cũng là bí quyết giúp vợ anh Nguyễn Văn Ngọc, đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH khách sạn Kinh Thành Huế, giữ hạnh phúc nhiều năm nay. Anh Ngọc chia sẻ, hai năm vừa qua do ảnh hưởng dịch, lượng khách ít nên việc làm của anh cũng bữa được bữa mất. Sau khi nghe anh tâm sự, chị Thủy, vợ anh Ngọc vừa động viên chồng vừa lên kế hoạch tiết kiệm chi tiêu, đồng thời tranh thủ diện tích đất vườn trồng thêm rau xanh. Thương ba mẹ vất vả, hai con anh Ngọc luôn chăm ngoan, học giỏi. Khó khăn về vật chất, song chính sự đồng cam cộng khổ, đã giúp gia đình anh Ngọc vượt qua giai đoạn khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Anh Ngọc tâm sự: “Để xây dựng hạnh phúc, vợ chồng cần nói cho nhau nghe những điều mình suy nghĩ và mong ước, lựa lời mà nói và chọn cách nói làm sao để người kia chấp nhận dễ dàng. Qua những góp ý, chúng tôi tự làm mới mình, hoàn thiện bản thân hơn, làm gương cho con cái. Chính sự đồng cảm này mà cả anh chị đều là điểm tựa tinh thần, giúp nhau hoàn thành tốt công việc”.

Tại buổi tọa đàm “Lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ để xây dựng gia đình hạnh phúc” do Liên đoàn Lao động tỉnh vừa tổ chức, PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế khẳng định, lắng nghe và thấu hiểu là sợi dây liên kết bền chặt cho hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, không ít gia đình đang lãng quên điều cơ bản này.

Theo PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, khi lắng nghe, các thành viên trong gia đình đều cần phải biết đặt mình vào vị trí, tình cảnh của người khác để hiểu được họ có cảm nghĩ như thế nào, hiểu được tâm tư tình cảm của nhau. Trong lắng nghe, không chỉ nghe đơn giản bằng tai mà quan trọng hơn là nghe bằng mắt, bằng cả trái tim để hiểu được những cảm xúc, nhu cầu của người kia. Điều đó có nghĩa là lắng nghe không chỉ những điều người khác nói nên lời, mà cả những gì không nói lên được, những gì bộc lộ qua ngôn ngữ không lời: ánh mắt, nét mặt, tư thế, điệu bộ…

“Với cách lắng nghe này, giúp các thành viên trong gia đình thoải mái chia sẻ những khúc mắc trong cuộc sống, mở lòng giãi bày những tâm tư trong lòng. Qua đó, cùng nhau cảm thông thấu hiểu và tháo gỡ mâu thuẫn, tìm ra những giải pháp chia sẻ để vượt qua khó khăn, giúp các thành viên trong gia đình luôn yêu thương, tôn trọng lẫn nhau”, PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân nói.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
1
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên

TIN MỚI

Return to top