ClockThứ Hai, 12/06/2017 08:20

Heo... xưa

TTH - Mấy ngày ni đi mô cũng nghe thiên hạ bàn tán quanh chuyện “giải cứu” cho thịt heo làm tôi nhớ tiếng bằm rau cho heo ăn của mạ, nhớ nồi cám heo đầy khi mô cũng có sẵn trên bếp nhà, nhớ tiếng heo kêu khi đến bữa ăn mà nồi cám còn chưa chín tới.

Đã một thời không gian sống của rất nhiều gia đình ở làng quê và cả ở phố thị nữa không thể thiếu cái chuồng heo. Con heo là cả một gia tài của nhà phố cũng như nhà quê…

Làng tôi có hẳn những thửa ruộng được gọi là ruộng heo. Đó là loại ruộng thượng đẳng điền, đất màu mỡ cho năng suất rất cao nên mỗi nhà chỉ được chia từ 1 đến 2 sào. Gọi là ruộng heo bởi vì làm ruộng này, xã viên không nộp bằng thóc mà phải cân heo cho hợp tác xã. Mỗi năm hai vụ lúa là hai lần cân heo, ai nuôi heo to, số cân dư thì lại được hợp tác xã trả bằng lúa. Cứ mỗi lần đến dịp cân heo như rứa, thôn xóm rộn rã, tất bật không khác chi ngày mùa với tiếng heo kêu, tiếng người gọi nhau, rồi cảnh người gánh heo đến sân hợp tác xã. Đến khi cân heo thì cán bộ hợp tác xã với xã viên… cãi nhau chí chóe vì cái bội (lồng) đựng heo lót thêm mấy cục đá dưới lớp rơm khô, hay vì heo ăn quá no để được thêm mấy cân; rồi ông cán bộ hợp tác xã “ghét mặt” một số xã viên cứ chúi cái cần cân xuống để giảm cân cho biết tay...

Hồi đó, miếng thịt heo nó quý lắm. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi lần hợp tác xã đại hội, xã viên được chia phần thịt heo về liên hoan tại nhà. Có năm, nhà bà cô của tôi đi Sài Gòn thăm bà con,  rứa là mấy phần thịt của nhà bà cô được chia cho nhà tôi. Nhận thịt về, mạ cắt thành những cục thịt to, kho rim với nước mắm biển cho thiệt mặn treo lên chàn bếp để đến tới hơn 10 ngày sau gia đình cô tôi mới về.

Mỗi năm ở làng tôi chỉ có hai dịp thường kỳ là có thịt heo ăn khá thỏa thuê đó là Tết và Chạp họ. Đi họ ngoài phần thịt xôi dư trên mâm chia cho mỗi người; nếu còn dư một hai mâm thịt xôi chi đó thì… đấu giá, ai trúng đến mùa đong lúa trả cho họ. Có lần trong một dịp Chạp họ, sau khi đã xong mâm, xong bát có mấy người cá cược với nhau ai ăn hết một mâm thịt còn lại sẽ được 1 thúng lúa. Có người đã ăn thiệt và ăn hết mâm thịt. Nhưng no quá nên sùi bọt mép, trợn mắt. May mà có người nhanh ý bồng ra mội nước, cho nằm sấp lại chao qua chao lại cho bao nhiêu lòng, bao nhiêu thịt với xôi trào ra ngoài...

Cũng nói thêm là mỗi lần ở làng nhà nào kỵ (giỗ) to gọi là kỵ xôi; nghĩa là mổ heo, hoong xôi, làm dưa giá, chặt lá chuối xanh để dọn từ chục mâm trở lên. Hồi nhỏ nhà tôi cũng hai ba lần chi đó tổ chức kỵ xôi. Mời đông người lắm, mà theo lời của ba là “ kỵ xôi để bà con hơi xa xa chút có dịp gần nhau hơn với lại cũng là 'mời trả' người ta...”.

Tết năm ngoái có coi chương trình: “Tết là hy vọng” trên VTV kể về thời bao cấp hồi thập kỷ 1980 . Thích nhất là đạo diễn đã công phu dựng một cái chuồng heo trên một khu nhà tập thể của người Hà Nội; rồi cảnh chia thịt  và gói bánh chưng chung… Ở nông thôn thì con heo cũng là đầu cơ nghiệp. Tôi hồi nhỏ cũng thích được ba mạ sai xách nước tắm heo, những chú ủn vốn nhát nước nên dội lên người là chạy lung tung nhìn vui lắm. Con nít thôi nhưng tôi vẫn nhớ những giống heo từ heo cỏ, heo mẹo rồi sau này là Móng Cái, cọc van... Mà mới năm ngoái thôi cái tin đồn thất thiệt heo bị dịch tai xanh rứa là mâm Chạp họ ở làng phải thay bằng thịt gà, thịt vịt... thấy thiếu thiếu thế nào.

Chừ thì nghe “giải cứu” thịt heo. Thiệt khổ!

Phi Tân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cổ tích của ba”: Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ

Quyển sách nhỏ, có lẽ là một thể loại mới - tản văn cho thiếu nhi - “Cổ tích của ba” của Lê Phi Tân chào bạn đọc vào lúc thời tiết Huế chắc cũng ở mức nắng nóng nhất của mùa hè. Phượng "thắp lửa" trên cây. Trời càng nóng, sắc phượng càng rực rỡ. “Cổ tích của ba” đến vào dịp hè, dù học trò có đi học thêm đủ thứ thì vẫn có nhiều thời gian rảnh để đọc. Và như thế “Cổ tích của ba” là một món quà chào hè 2023 của Nhà Xuất bản Trẻ cũng như của tác giả.

“Cổ tích của ba” Bản hòa ca thương nhớ tuổi thơ
Chiều Đông

Chiều xuống nhanh. Mạ tôi sai: “Mấy đứa con nghỉ chơi ra đụn rơm lôi cho mạ đầy hai trác rơm hí!”.

Chiều Đông
Rau trái vườn xưa

Rau quế có thân màu tím, lá màu xanh đậm, mùi thơm cũng đậm, ngon và thơm nhất khi làm món bóp với rau muống luộc.

Rau trái vườn xưa
Lao xao đồng chiều

Ở ngã ba đầu xóm, mạ tôi và mấy o, mấy dì trong xóm đang dên lúa.

Lao xao đồng chiều
Radio nhớ thương

Hôm qua về nhà cũ chợt nhớ nhà ông Tời hàng xóm của tôi có một chiếc radio hiệu Philips của Hà Lan.

Radio nhớ thương
Return to top