ClockThứ Tư, 24/04/2019 14:25

Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ

TTH - Hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh từ khi còn bé là yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng.

Học sinh hào hứng tham gia Ngày hội Văn hóa đọcThư viện thân thiện khơi dậy văn hóa đọc

 Với nhiều bạn trẻ, đọc sách trở thành niềm yêu thích

Tạo thói quen từ bé

Ghé “Tủ sách bé yêu” trên đường Trần Phú, tôi mới biết nhiều phụ huynh cho con tiếp cận sách từ khi còn rất nhỏ, chỉ mới vài tháng tuổi.

Thị trường sách dành cho trẻ khá phong phú, từ nhận biết màu sắc, giới thiệu đồ vật, thế giới xung quanh đến chuyện kể, toán tư duy… phù hợp theo lứa tuổi. Giá sách khá đắt do được in bằng bìa cứng, hình ảnh bắt mắt nhưng các bậc phụ huynh rất chịu khó… chi tiền, hầu như người nào cũng mua từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng một lượt.

Lật cuốn sách thế giới của bé, chị Thu Trang (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) chia sẻ: “Sau khi sinh con, tôi cho bé nhà tôi tiếp xúc với sách từ rất sớm, lúc còn chưa biết nói. Nhiều người cứ bảo tôi rỗi hơi, nhưng nhờ vậy mà bây giờ bé học lớp 3 và rất thích đọc sách. Tôi thường mua sách tặng con những dịp đặc biệt hay khi con hoàn thành tốt một công việc gì đó nên mỗi lần được tặng sách cháu đều rất thích thú và trân trọng”.

Một cô giáo ở Trường mầm non Hoa Mai (TP. Huế) chia sẻ trên facebook cá nhân hình ảnh dễ thương của một học sinh cô dạy ở lớp lớn ngồi đọc truyện, đọc thơ cho cả lớp nghe. Cậu bé cứ đọc một câu, bên dưới các bạn cũng ê a đọc theo. Bảo Hưng, tên cậu bé, mới 5 tuổi, nhưng rất thích đọc sách. Minh Hồng, mẹ cậu bé, cho biết: “Có lẽ vì bé tiếp cận với sách từ khi vài tháng tuổi nên bé thích đọc dù khá hiếu động. Mỗi dịp cuối tuần, tôi vẫn thường cho con đi nhà sách và bé tự lựa chọn cuốn sách mình thích”.

Điều vui là ngày càng có nhiều phụ huynh quan tâm đến việc hình thành cho con thói quen đọc sách. Ở Thư viện Tổng hợp tỉnh, nhiều bé mới 3-4 tuổi được cha mẹ đưa đến làm thẻ thư viện. Mỗi khi rảnh rỗi, họ lại đưa con đến đây để tiếp cận với sách ngay từ khi còn nhỏ. Bà Nguyễn Thị Thanh Thu, Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thư viện Tổng hợp tỉnh cho hay, được cấp thẻ, các cháu rất thích thú, háo hức. Dù các cháu chưa biết đọc, đến đây mượn sách chỉ giở xem tranh, tô màu nhưng đó chính là cách tạo cho các cháu thói quen đọc sách. Từ khi thư viện có phòng đọc thiếu nhi khang trang, các em học sinh đến đây cũng nhiều hơn.

Niềm đam mê và thói quen đọc sách của mỗi người cần được bắt đầu từ bé trong gia đình. Ban đầu, khuyến khích trẻ bằng cách coi đọc sách như một trò chơi, rồi duy trì như một thói quen sinh hoạt hàng ngày để trẻ tìm thấy những điều lý thú trong sách. Lớn lên, trẻ sẽ có thói quen để sách ở đầu giường hay trong cặp. Nhưng, để khơi gợi cảm hứng đọc sách cho con, các bậc phụ huynh phải để trẻ thấy bố mẹ thường xuyên đọc sách, chứ không thể ép con đọc sách mà người lớn suốt ngày chăm chú vào điện thoại hay tivi.

Lan tỏa

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Thu, những năm gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến với sách. Có lẽ nhờ những hoạt động quảng bá về sách ngày càng nhiều nên các em nhận thấy được giá trị của sách. Lứa tuổi tiểu học thích truyện tranh là chủ yếu; lứa tuổi THCS và THPT thích đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, hạt giống tâm hồn, sách kỹ năng, khoa học; lớn hơn lại thích sách văn học, tiểu thuyết…

Để lan tỏa niềm yêu thích đọc sách với học sinh, góp phần phát triển văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu sách, thi thuyết trình sách, giới thiệu sách lưu động tại các trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Một số trường tiểu học, như Trường tiểu học Vĩnh Ninh, Lý Thường Kiệt tổ chức các buổi ngoại khóa đưa học sinh đến thư viện đọc sách, xem phim 3D.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 dành cho các em học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông trên toàn quốc, nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi thanh thiếu nhi, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ. Sau hơn 1 tháng phát động, trên 100 trường học trên địa bàn tỉnh tham gia với 7.365 bài dự thi. Những bài xuất sắc nhất đã được Ban Tổ chức gửi tham dự vòng chung kết tại Hà Nội.

Ở lứa tuổi sinh viên, CLB Văn thơ Trẻ thuộc Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế tạo được không gian cho sách văn học khi tổ chức các buổi “Giới thiệu sách mới, chia sẻ sách hay” định kỳ hàng tháng. Nhân Ngày sách Việt Nam năm nay, CLB tổ chức ngày hội trao đổi sách nhằm tạo ra không gian kết nối những người yêu sách. Trong ngày hội này, người tham gia không chỉ gửi trao cuốn sách mình yêu thích mà còn chia sẻ những cảm nhận rất riêng đến một người tri âm ngẫu nhiên.

Lương Thị Thảo Vi, Chủ nhiệm CLB bộc bạch: “Trước sức mạnh của mạng internet, của ebook, sách vẫn giữ một góc riêng đầy thi vị cho người đọc với mùi thơm của giấy, tiếng loạt soạt của trang sách. Chúng tôi mong sau ngày hội trao đổi sách, những người tham gia sẽ duy trì duyên may chúng tôi đã kết nối để tiếp tục chia sẻ hành trình đọc cho nhau”.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách cũ

Tôi không phải là một người yêu sách cũ cho đến một ngày, khi bất chợt gặp một cuốn sách lướt qua mắt, trên dòng thời gian của một trang facebook cá nhân.

Sách cũ
Hợp tác xã của giám đốc trẻ

Thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và chế biến nông sản Quảng Phú (huyện Quảng Điền) của anh Ngô Minh Hiếu (sinh năm 1997) đang từng ngày vươn xa, với mạng lưới phân phối sản phẩm trên 52 tỉnh, thành, giải quyết việc làm cho nhiều bạn trẻ trên địa bàn.

Hợp tác xã của giám đốc trẻ
Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ

Đó là chủ đề của buổi workshop diễn ra vào chiều 7/12 tại 23 - 25 Lê Lợi (TP.Huế) với sự chia sẻ của giảng viên Nguyễn Chí Ngàn - Bộ môn Nhân học, Khảo cổ học, Văn hóa Du lịch, Khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế. Hoạt động do Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức.

Xây dựng thói quen đọc sách cùng người trẻ
Hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao

Thừa Thiên Huế đang hướng tới xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.

Hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao
Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

Những thay đổi nhỏ từ lối sống hằng ngày như đi chợ bằng giỏ, đựng thực phẩm trong hộp, dùng túi đựng, ống hút, ly uống nước... bằng giấy, hội viên phụ nữ TP. Huế đang góp phần giảm rác thải nhựa, túi ni lông ra môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh, góp phần chung tay vì một Huế - đô thị giảm nhựa.

Thay đổi thói quen để bảo vệ môi trường

TIN MỚI

Return to top