ClockThứ Sáu, 25/09/2020 15:22

Hỗ trợ lao động nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản

TTH - Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược dân số Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với công nhân là lao động nữ trong các khu công nghiệp vẫn còn những hạn chế.

Chăm sóc sức khỏe chủ độngVì sức khỏe sinh sản của giới trẻ

ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm nói chuyện tại diễn đàn truyền thông về sức khỏe sinh sản cho người lao động

Công ty của chị Trương Thị L. đóng tại khu công nghiệp Phú Bài. Nhiều năm làm việc tại đây, hằng năm chị L. và các đồng nghiệp đều được công ty tạo điều kiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm theo chế độ thỏa ước lao động. Những bộ phận làm việc độc hại, được khám thêm các bệnh liên quan đến nghề nghiệp. Nhiều năm nay, việc khám bệnh định kỳ của công ty chị L. làm việc là Bệnh viện Trung ương Huế nên chị và các đồng nghiệp cũng rất yên tâm.

Thực tế tại các khu công nghiệp cho thấy, nhiều công ty, doanh nghiệp tuy duy trì tốt chương trình khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động làm việc ở những bộ phận đặc thù, nhưng riêng về sức khỏe sinh sản cho lao động nữ thì vẫn chưa. Công ty nơi chị L. làm việc cũng chưa có chế độ riêng này cho lao động nữ. Trong khi đó, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữ lại đang là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược dân số Việt Nam.

Theo điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) trong nhiều năm, qua hồ sơ khám sức khỏe của công nhân cho thấy, một số bệnh lao động nữ mắc phải thường liên quan điều kiện lao động, nhất là các bệnh do ngồi nhiều và bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Khác với lao động nam, lao động nữ tại các khu công nghiệp phần lớn là người dưới 35 tuổi, đang trong độ tuổi sinh đẻ. Họ chủ yếu đến từ các vùng nông thôn, lại thêm điều kiện làm việc vất vả, đa phần làm theo ca – kíp kéo dài nên nhiều người không mấy chú ý đến sức khoẻ của mình. Ngoài giờ làm việc, chị em công nhân thường nghỉ ngơi để lấy sức làm việc. Thậm chí, ngay cả khi sức khỏe có vấn đề, nhiều người cũng trì hoãn việc tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Điều đó cho thấy, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lao động nữa tại các doanh nghiệp, công ty cần được quan tâm một cách phù hợp hơn.

Thực hiện công tác phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh, vừa qua Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn truyền thông công tác dân số trong tình hình mới cho cho cán bộ, công nhân. Tại Khu công nghiệp Phú Bài, thông qua hoạt động truyền thông, Chi cục Dân số - KHHGĐ cung cấp cho một bộ phận nữ công nhân, lao động những kiến thức, kỹ năng và dịch vụ về chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên, các biện pháp tránh thai, tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bình đẳng giới trong thực hiện KHHGĐ, chú trọng vào các nội dung sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số… Đây cũng là những điểm mới trong công tác truyền thông về dân số và phát triển của năm nay, hướng đến những mục tiêu bền vững để nâng cao chất lượng dân số.

Người lao động tham gia hoạt động truyền thông về sức khỏe sinh sản

Trong một hoạt động khác, Chi cục DS-KHHGĐ và Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp tổ chức diễn đàn “Công nhân-người lao động với SKSS/KHHGĐ và phòng chống dịch COVID-19” cho cán bộ, công nhân tại Công ty TNHH một thành viên khu du lịch sinh thái VEDANA huyện Phú Lộc. Tại đây, các cán bộ, công nhân, người lao động được cung cấp thông tin, kỹ năng và những dịch vụ về chăm sóc SKSS vị thành niên/thanh niên, như: các biện pháp tránh thai, tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, bình đẳng giới trong thực hiện KHHGĐ, các nội dung sàng lọc trước sinh, sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh…

Hiểu rõ những khó khăn về hiện trạng sức khỏe của các lao động nữa qua thực tế của các hoạt động phối hợp, ThS.BSCKII Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ, nhấn mạnh: Do đặc thù cộng việc, nên sức khỏe của nhiều lao động nữ dễ mệt mỏi và nguy cơ phát sinh nhiều vấn đề bệnh lý. Để hỗ trợ các lao động nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bản thân tốt hơn, chúng tôi đề nghị các đơn vị lưu ý đến một số bệnh nghề nghiệp liên quan, như: hội chứng đau hông, lưng, bả vai; thoái hóa đốt sống cổ do ngồi làm việc nhiều giờ, cũng như các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, tiết niệu.

Bài: ĐỒNG VĂN

Ảnh: CCDS-KHHGĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế (Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế) thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024 như sau:

Thông báo tuyển dụng lao động đợt 2 năm 2024
Thông tin doanh nghiệp:
Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín

Đồng Phục Tiến Bảo là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bảo hộ lao động tại Việt Nam, Tiến Bảo tự hào là đối tác tin cậy của hàng ngàn doanh nghiệp, tập đoàn lớn các khách hàng của chúng tôi như: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Cao Su Miền Nam, Tập đoàn Đèo Cả…

Đồng Phục Tiến Bảo - Thương hiệu bảo hộ lao động chất lượng uy tín
Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài: Cung chưa đến cầu

Với tổng kinh phí 23,5 tỷ đồng được tỉnh phân bổ cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2024, đến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này trên địa bàn chưa tới 40%. Trong khi thực tế, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài đang rất cần và mong muốn được tiếp cận nguồn vốn này.

Vốn vay cho lao động đi làm việc ở nước ngoài Cung chưa đến cầu

TIN MỚI

Return to top