ClockThứ Ba, 01/02/2022 06:30

Khát khao gặp hổ

TTH - Lần cuối cùng hổ xuất hiện tại chân núi Tam Dần giáp bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ (Phong Điền) đến nay ngót nghét 18 năm. Cuộc tìm kiếm dấu vết hổ, hy vọng thêm lần nữa gặp chúng đối với những người làm công tác bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD), quý hiếm vẫn là nỗi khát khao.

Một chuyến vào rừng “tìm hổ”

Ký ức hổ về làng

Trí nhớ không còn minh mẫn như thuở nào, nhưng chuyện gặp hổ cách đây gần hai mươi năm trước vẫn còn hằn sâu trong ký ức của già làng Nguyễn Văn Muốc ở bản Khe Trăn. Cứ mỗi lần vào rừng, già Muốc cũng như dân bản tha hồ ngắm các loài muông thú, thậm chí chúng còn đến tìm kiếm thức ăn, phá phách tận khu vườn nhà. Nhưng được gặp hổ với già Muốc và dân bản Khe Trăn là rất hiếm, tưởng chừng như chỉ được nhìn thấy qua ti vi, sách vở.

Cơ duyên gặp hổ của già Muốc bắt đầu từ chuyện những đàn bò nuôi hồi đó bỗng dần biến mất. Ban đầu già làng và dân bản Khe Trăn cứ ngỡ bò tìm kiếm thức ăn rồi lạc mất trong rừng. Mấy lần đám trẻ trong bản bảo thấy hổ gầm rú, kéo lê bò vào rừng sâu nhưng ông Muốc tưởng chuyện đùa. Đến lúc con bò thứ ba, cũng là con cuối cùng không về chuồng, ông Muốc mới lùng sục tìm kiếm quanh một khu rừng rộng lớn. Bất ngờ từ đằng xa, già trông thấy chừng bốn con hổ đang ngấu nghiến cạnh con bò chỉ còn trơ xương tại chân núi Tam Dần. “Lúc thấy hổ, hai chân tui như muốn khuỵu xuống, cố chạy thật nhanh nhưng không thể. Cố gắng lắm mới thoát ra khỏi rừng”, ông Muốc kể.

Chuyện hổ về làng “ăn cắp” trâu, bò hồi đó là nỗi khiếp sợ của dân bản Khe Trăn nói riêng và người dân các vùng đồi núi Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Xuân (Phong Điền) nói chung. Còn với những người làm công tác bảo tồn ĐVHD như cán bộ kiểm lâm Nguyễn Đại Anh Tuấn hồi đó (nay là Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), anh Trần Xuân Hai (nay Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền), anh Nguyễn Phong (hiện cán bộ bảo tồn thiên nhiên - Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền)… lại là niềm vui tột cùng. Với họ, niềm vui ở đây là sự ghi nhận loài hổ quý hiếm, nguy cấp trên thế giới vẫn còn tồn tại ở Thừa Thiên Huế mà không phải ở đâu cũng có thể bắt gặp.

Hổ Lâm Nhi sinh sản thêm cá thể mới

Cách thời điểm bầy hổ bốn con xuất hiện ở chân núi Tam Dần chừng 6 năm trước, dân bản Khe Trăn cũng từng phát hiện một cá thể hổ con hai năm tuổi bị mắc bẫy cáp tại chân núi huyền thoại này. Dẫu xót xa trước tình cảnh hổ trọng thương ở chân, những cán bộ bảo tồn ĐVHD vẫn vui và sáng lên tia hy vọng vì sự tồn tại loài động vật quý hiếm này. Cá thể hổ sau hơn một tháng cứu chữa, Chi cục Kiểm lâm tỉnh quyết định chuyển giao cho vườn thú Hà Nội chăm sóc, bảo tồn và đặt tên Lâm Nhi.

Ông Nguyễn Phong trao đổi, trước khi giao hổ cho vườn thú Hà Nội, những người làm công tác bảo tồn ĐVHD của tỉnh cũng trăn trở lắm. Một số ý kiến của các chuyên gia bảo tồn có lý do khi cho rằng nên thả hổ về lại khu rừng động Tam Dần, nơi con thú bị mắc bẫy để bảo tồn, duy trì bầy đàn. Vì điều kiện bảo tồn ĐVHD nói chung, loài hổ nói riêng trên địa bàn tỉnh hồi đó chưa được đầu tư bài bản, cộng thêm nạn săn bắt động vật rừng thiếu kiểm soát, chưa thể ngăn chặn nên đành chấp nhận phương án ngoài ý muốn.

Quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc tại vườn thú Hà Nội, đến ngày 20/4/2003, hổ Lâm Nhi đã sinh sản bốn hổ con. Tuy nhiên chỉ có một con còn sống, được đặt tên Hổ Mi, sau đó được nuôi lớn trưởng thành. Đến cuối năm 2006, lần thứ hai vườn thú Hà Nội chứng kiến loài Hổ Đông Dương (Hổ Mi) sinh sản bốn hổ con (hai cá thể cái, hai cá thể đực) thành công trong điều kiện chăm nuôi của con người. Theo anh Nguyễn Phong - cán bộ bảo tồn thiên nhiên - Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, hiện nay hổ Lâm Nhi, Hổ Mi và cả con, cháu của chúng vẫn sinh sôi, sống khỏe tại vườn thú Hà Nội.

Nuôi hy vọng

Sau những lần gặp hổ, hoạt động nghiên cứu, bảo tồn loài hổ tại núi Tam Dần cũng như trên địa bàn tỉnh lúc này được các chuyên gia đặt ra một cách cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong vòng 2 năm sau khi phát hiện hổ tại động Tam Dần, dự án (DA) WWF, một số chương trình, DA trong và ngoài nước hỗ trợ một DA chuyên nghiên cứu, khảo sát và tìm kiếm riêng về loài hổ trên địa bàn và không ghi nhận thêm cá thể hổ nào. Từ đó đến nay không có hoạt động chuyên nghiên cứu riêng cho các loài hổ, báo mà nghiên cứu, bảo tồn chung các loài ĐVHD.

Trong những chuyến tuần tra, bảo vệ rừng, các loài ĐVHD, anh Nguyễn Phong cùng với đồng nghiệp bao giờ cũng lưu tâm đến loài hổ, báo, luôn khao khát, dù chỉ một lần nhìn thấy chúng.

Cái tên núi Tam Dần (ba con hổ), nay là khu rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền không biết có từ bao giờ. Tuy nhiên theo các già làng bản Khe Trăn cũng như người dân Phong Xuân, Phong Sơn, Phong Mỹ thì tên gọi này xuất hiện từ những năm 1980. Anh Phong cho rằng, huyền thoại núi Tam Dần có thể bắt nguồn từ việc người dân nhiều lần nhìn thấy bầy hổ ba con, cũng có thể ngọn núi này có hình dáng ba con hổ. Sau hai mươi năm kể từ lần cuối cùng gặp hổ, người dân bản địa cũng như những người làm công tác bảo tồn ĐVHD chưa một lần nhìn thấy hổ nữa, dù chỉ là bẫy ảnh.

“Nguyên nhân hổ khó có thể còn tồn tại tại núi Tam Dần nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung một phần do những cánh rừng đã bị chia cắt từng mảnh nhỏ theo thời gian do tác động của con người. Nạn khai thác gỗ, săn bắt thú rừng, xây dựng các công trình lâm sinh, thủy điện, thủy lợi khiến rừng bị chia cắt, mất dẫn chuỗi thức ăn, đa dạng sinh học. Những loài thú “nhạy cảm” như hổ chắc chắn phải rời xa “ngôi nhà” của mình, hoặc co cụm lại tại một vùng rừng eo hẹp cho đến khi mắc bẫy của những tay săn thú”, anh Phong lý giải.

Trong muôn vàn khó khăn, thách thức, những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn ĐVHD vẫn luôn hy vọng sự tồn tại của loài hổ trong các khu rừng sâu. Có thể chúng ẩn náu, sinh tồn trong một khu rừng sâu tại khu vực núi Tam Dần, hoặc cũng có thể di cư đến những khu vực núi rừng trên địa bàn tỉnh, vùng giáp ranh mà nơi đó con người hoàn toàn không thể tiếp cận được.

Trong điều kiện về cơ sở vật chất có hạn, bẫy ảnh vẫn được xem là tối ưu, những người làm công tác bảo tồn vẫn hy vọng vào bẫy ảnh để ghi nhận loài hổ quý hiếm, nguy cấp vẫn còn tồn tại trên địa bàn. Từ hoạt động tháo gỡ bẫy thú, bẫy ảnh, các chuyên gia bảo tồn ĐVHD đã ghi nhận nhiều loài động vật quý hiếm, nguy cấp tưởng chừng như tuyệt chủng như gấu, các loài mèo rừng, các loài cầy và vẫn tiếp tục nuôi hy vọng một lúc nào đó sẽ ghi nhận hổ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đại Anh Tuấn thông tin, theo một số chuyên gia bảo tồn ĐVHD, loài hổ đang bị tuyệt chủng về mặt sinh thái, có nghĩa vẫn còn một số cá thể tồn tại trong các khu rừng. Tuy nhiên do sự chia cắt sinh cảnh, hay mất cân đối về cơ cấu bầy đàn và số lượng cá thể loài này còn sót lại rất ít nên xem như quần thể loài này không thể phát triển được nữa và đang ngày càng tiến sát đến bờ vực tuyệt chủng. Hiện nay số lượng cá thể hổ tại Việt Nam chỉ có thể dừng lại ở con số hàng chục và tồn tại trong những khu vực rừng sâu, rừng bị chia cắt mãnh liệt do các DA xây dựng đường sá, hay mạng lưới thủy điện chằng chịt.

Bài: Hoàng Triều

Ảnh: Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân Phong Điền hiến gần 27.000 m² đất

Ngày 24/12, Hội Nông dân huyện Phong Điền tổ chức hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào Nông dân năm 2024; tổng kết thực hiện Nghị quyết 29-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2024”.

Nông dân Phong Điền hiến gần 27 000 m² đất
Return to top