ClockThứ Sáu, 17/08/2018 05:30

Khó xoay xở khi buộc "nghỉ hưu non" - Kỳ I: Người lao động bị… chê

TTH - 70% lao động nhận trợ cấp thất nghiệp có tuổi đời dưới 40. Nhiều doanh nghiệp (DN) lại không tuyển lao động trên 35 tuổi, nhất là lao động chưa qua đào tạo. Vậy là, không ít người đã phải chịu cảnh “nghỉ hưu non” đầy bức bối.

Luôn vì người lao động

Lao động trẻ dễ tìm việc làm ở ngành may mặc

Đời thợ

Hơn 10 năm làm việc ở Bình Dương, chị Nguyễn Thị Thúy, trú tại Phú Bài (thị xã Hương Thủy) về quê nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

18 tuổi, chị theo bạn bè vào nam làm công nhân may mặc. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều, nếu tăng ca tối thì từ 18 giờ đến 22 giờ đêm. Cầm cự nơi “đất khách quê người” cả chục năm, trong tình trạng "nhảy việc" liên tục chị Thúy mệt mỏi. “Càng lớn tuổi, mắt tôi bắt đầu mờ dần, tay thường xuyên run. Lương không tăng, năng suất không cao như trước, tôi được chủ DN bố trí làm vệ sinh nhà xưởng. Công việc nhàn hạ hơn nhưng thu nhập giảm quá phân nửa, khiến cuộc sống khó khăn nên tôi nộp đơn nghỉ việc”, chị Thúy trải lòng.

Những công nhân như chị Thúy trở về Huế ngày càng nhiều. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, con số lao động ngoài tỉnh nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 800 người (chiếm 40% tổng số lao động đăng ký hưởng chế độ này). Nhiều người bắt đầu đời thợ từ rất sớm, khoảng 18 đến 20 tuổi. Họ chỉ học việc từ 3 đến 4 ngày là có thể thực hiện thao tác thuần thục từng công đoạn theo yêu cầu của DN. Thế nhưng, khi DN thay thế dây chuyền bằng công nghệ hiện đại, nhiều lao động lúng túng, gặp khó khăn. Chưa kể, những thói quen như nghỉ việc để đi đám tang, đám cưới của nhiều công nhân cũng là lý do khiến DN ngao ngán.

Tuổi trung niên là thời kỳ “vàng” của người lao động (NLĐ), vậy mà, không ít người phải nghỉ “hưu non” là điều không thể buồn hơn. “Sản xuất khó khăn, DN tìm biện pháp cơ cấu lại lao động nên phải đánh giá, lựa chọn những người hội tụ các yếu tố, như có sức khỏe, trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp. Với tiêu chí đó, lao động lớn tuổi thất thế, sẽ là đối tượng bị “cân nhắc” đầu tiên. Thực trạng này khiến nhiều người đồn đoán, rằng DN “vắt chanh bỏ vỏ”. Nhiều lao động từng “đồng cam cộng khổ” với DN ngay từ ngày thành lập, nhưng đành chịu”. Ông Nguyễn Tiến Đạt, chủ một tập đoàn may mặc hàng xuất khẩu có cơ sở đóng tại Huế, bày tỏ.

 Lao động làm việc trong ngành thủy sản

Khó đủ bề

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 3.300 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái); trong đó, có trên 2.220 lao động ở độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi, tập trung ở các nghề thông dụng, như dệt may, da giày (chiếm 35,7%). Các nghề khác, như chế biến hóa chất môi trường, titan, vận tải taxi, khách sạn du lịch... do DN thu hẹp sản xuất, không có việc làm.

Chị Nguyễn Thị Lành (Hương Phong, TX. Hương Trà) đang làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh bộc bạch: “Bao nhiêu năm tôi chỉ quen với công đoạn may cổ áo trên dây chuyền nên chừ không biết nghề gì phù hợp. Lập gia đình muộn, hai đứa con đang ở độ tuổi mẫu giáo, chồng đau ốm triền miên, tôi chỉ muốn nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp để giải quyết khó khăn trước mắt”. Với số tiền 2,5 triệu đồng được trợ cấp trong vòng 4 tháng, chị phải tìm công việc khác để có “đồng ra, đồng vào” nuôi con. Tình hình này, chị sẽ phải nhận luôn tiền trợ cấp BHXH 1 lần.

NLĐ ở tuổi trung niên không có lợi thế khi xin việc làm. Các DN thường tuyển lao động ở độ tuổi từ 18 – 35 tuổi. Một số công ty kén chọn hơn khi chỉ tuyển dụng lao động dưới 30 tuổi hoặc không tuyển lao động nữ. Theo ông Đỗ Xuân Trung, cán bộ Phòng Nhân sự của Công ty du lịch T., lao động nữ dưới 30 tuổi tiếp thu nhanh, nhạy bén trong công việc và dễ đào tạo. Công ty cũng có thể nhận lao động trên 30 tuổi nhưng phải là người thực sự có trình độ, tay nghề cao”.

Khó khăn khi tìm việc làm, nhiều người đã phải chấp nhận làm đủ nghề, như bán hàng rong, giúp việc gia đình, chạy xe ôm... để có thu nhập.

Cần biết tự bảo vệ

Có không ít trường hợp NLĐ nghỉ việc mà không vi phạm hợp đồng lao động. Cũng không có DN nào sa thải lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động sai luật. Tuy nhiên, chỉ cần DN bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, mức lương thấp so với việc hưởng theo sản phẩm, lao động tự ý xin nghỉ việc. Ông Lê Văn Tùng, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế công nghiệp Thừa Thiên Huế, chia sẻ: Thỉnh thoảng, NLĐ đến nhờ tư vấn, bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ, hầu hết DN cho nghỉ việc đều đúng luật với những quy định khá đơn giản đã được “lồng” vào bản hợp đồng lao động được ký kết trước đó. Do lao động không để ý đến các điều khoản ràng buộc về giờ giấc, quy định của DN nên khi có sự cố xảy ra, NLĐ luôn chịu thiệt thòi.

Rõ ràng, chẳng may mất việc, NLĐ sẽ khó có cơ hội tìm kiếm việc làm mới, trở thành lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc sẽ không có nguồn lương hưu khi về già. Thế nên, họ cần biết tự bảo vệ mình bằng cách liên tục nâng cao tay nghề, làm việc tích cực, tuân thủ nội quy để doanh nghiệp không tìm được “cớ” sa thải khi sức khỏe và tâm huyết dành cho công việc vẫn còn.

Viết bài này, tôi nhớ đến chị Nguyễn Thị Thúy ở TX. Hương Trà, nhân vật từng gặp trong chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn. Người phụ nữ ở tuổi 30, có chồng làm thợ xây dựng, con mới vào lớp 1 nhưng đã có cái nhìn xa khi buổi ngày đi làm, buổi đêm về tranh thủ thời gian học nghề nấu ăn, để có thể xin làm việc trong nhà hàng hoặc tự mở hàng ăn sau khi chấm dứt đời thợ trong nhà máy. Đó cũng là một cách lao động tự bảo vệ. Tuy nhiên, không nhiều trường hợp biết tính toán như chị Thúy, chỉ đến khi “nước đến chân mới nhảy”.

Bài, ảnh: Huế Thu

(Xem tiếp kỳ 2:

Không muốn nhận sổ hưu)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”

Sau khi triển khai ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 3 bên, gồm: Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH), Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp xã và Tổ chức dịch vụ thu, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tăng đột biến.

Hiệu quả từ phối hợp “3 bên”
Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết

Ngày 30/11, theo thông tin từ Tỉnh đoàn, người dân Thừa Thiên Huế đang học tập và lao động tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương có thể đăng ký tham gia Chương trình "Mang Tết về nhà" năm 2025 để nhận được vé xe và máy bay miễn phí về quê đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Hỗ trợ vé xe và máy bay cho sinh viên, người lao động về quê đón Tết
Giữ người lao động ở lại lưới an sinh

Đối thoại, tuyên truyền theo nhóm nhỏ là một trong những kênh tương tác trực tiếp nhằm tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc của người lao động (NLĐ) và các đơn vị sử dụng lao động liên quan đến chính sách bảo hiểm. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh tăng cường công tác đối thoại nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

Giữ người lao động ở lại lưới an sinh

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top