ClockThứ Ba, 07/09/2021 14:36

Khoảng trống giáo dục giới tính trong trường học

TTH - Thiếu hụt nghiêm trọng kiến thức về sức khỏe sinh sản, chưa hiểu rõ cơ thể của bản thân là thực trạng đáng báo động trong học sinh hiện nay và đặt ra những yêu cầu cấp bách khi các em chịu tác động từ nhiều yếu tố xung quanh.

Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên

Truyền thông về giới tính cho sinh viên (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chưa tách bạch thành một môn học

​Lứa tuổi vị thành niên từ 10 - 19 tuổi. Ở giai đoạn này, các em rất thích khám phá năng lực bản thân, mở rộng thêm nhiều mối quan hệ mới. Số liệu đáng lo ngại, hiện giới trẻ ngày càng có suy nghĩ và quan niệm cởi mở hơn trong cả tình yêu và tình dục. Số liệu từ Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam cho biết, mỗi năm cả nước có gần 300 nghìn ca nạo phá thai mà chủ yếu rơi vào độ tuổi 15-19. Trong đó, có 20-30% là phụ nữ chưa kết hôn, 60-70% mới chỉ là học sinh, sinh viên.

Còn nhớ cách đây 4 năm, tình trạng học sinh, sinh viên Huế “ăn cơm trước kẻng” gia tăng và hiện tại vẫn âm ỉ. Bởi, thực tế ngày nay các em dậy thì sớm; lại thiếu thông tin và kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Một phụ huynh có con học lớp 10 than thở, con có người yêu, chúng dính nhau như sam cả ngày, nhưng chị không thể mở lời nói với con về sức khỏe sinh sản. Cứ thế, sống trong nỗi lo âu mỗi khi con về muộn. Thỉnh thoảng, chị lại hỏi dò con, ở trường có dạy về giới tính, về sức khỏe sinh sản không thì con bé cười lảng tránh.

Tôi vẫn nghĩ đầu mối quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính trẻ vị thành niên là cha mẹ và nhà trường. Tuy nhiên, phụ huynh và giáo viên không dễ dàng gì đề cập vấn đề này với các em. Ở một số trường bậc trung học phổ thông, trong chương trình ngoại khóa đã “mon men” đưa giáo dục sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính nhưng bằng những hình thức nhỏ lẻ, chưa phát huy được tác dụng.

Nhiều giáo viên cho rằng, chương trình này vẫn đang lồng ghép ở các môn học như: địa lý, sinh học, giáo dục công dân... Cái chính là nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khỏe” hay “sinh học”. Nội dung mang tính giới thiệu, phân tích sơ bộ hơn là giáo dục cả về mặt tâm lý lẫn kỹ năng cho học sinh.

Nhu cầu về việc tuyên truyền, phổ biến sức khỏe sinh sản rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mạng internet luôn có tác động hai chiều đến nhận thức của các em, trong đó, thông tin tiêu cực vẫn còn khá nhiều. Một cô giáo có thâm niên 20 năm đứng lớp trải lòng, có năm cô làm chủ nhiệm, khi nhận thông tin một học sinh nữ mang thai cô rất bàng hoàng, bởi cô bé vốn ngoan hiền, học giỏi. Lúc ấy, trong cơn giận dữ phụ huynh đến “mắng” nhà trường vì không trang bị cho con kiến thức về tình dục. Nhưng họ lại quên mất vai trò của mình trong việc đồng hành cùng với con.

Hiểu mơ hồ về sức khỏe sinh sản

Có dịp tham gia một buổi sinh hoạt hè mới thấy, nhiều học sinh khối THPT hiểu rất rành rọt về các loại thuốc tránh thai. Nhưng hỏi ra mới biết, các em sử dụng vì mục đích làm... đẹp da. Thực trạng này khiến nhiều người giật mình, khi nhà trường và cha mẹ đều “khép cửa”, trong khi internet lại “rộng cửa” những thông tin về giới tính. Và, các em không dễ tìm được thông tin phù hợp nếu không có sự định hướng, giúp đỡ của nhà trường, gia đình và xã hội.

Quay trở lại vai trò tư vấn về sức khỏe sinh sản trong trường học, thực tế thì nhiều trường THPT đã có phòng tư vấn riêng để hỗ trợ trực tiếp khi các em muốn giãi bày tâm sự. Theo nhiều giáo viên, các em thường đến một mình, đem theo nỗi âu lo của tuổi mới lớn về sức khỏe sinh sản vị thành niên... Mỗi em đến với phòng tư vấn là một câu chuyện, băn khoăn, ngây ngô và cả nước mắt khi cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Cô Trần Thị Kim Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cũng là tổ trưởng tổ tư vấn tâm lý của nhà trường, cho biết: Các em có thể gọi điện, nhắn tin với tôi bất cứ lúc nào. Những cuộc kết nối lúc 12 giờ đêm hoặc đã bắt đầu qua ngày mới bao giờ cũng làm cho chúng tôi lo âu. Thời điểm này các em thường không vượt qua nổi áp lực của bản thân, các em có nhu cầu giãi bày những tâm sự giấu kín. Lắng nghe, chia sẻ là cách mà chúng tôi làm được cho học trò của mình trong lúc các em đơn độc”.

Không có biên chế riêng cho cán bộ làm tư vấn học đường, các trường phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm dạy ở một số môn như giáo dục công dân, lịch sử, địa lý… Phần lớn các trường chưa có phòng tham vấn tâm lý một cách chuyên nghiệp mà chủ yếu tận dụng phòng y tế, phòng công tác Đoàn - Đội. Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng có cách làm hay khi bồi dưỡng cán bô,̣ giáo viên chuyên ngành tâm lý học đường đáp ứng nhu cầu tại chỗ ở các trường học, cũng như mời các chuyên gia tâm lý thường xuyên về các trường để tư vấn cho học sinh, chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp, kỹ năng cho giáo viên.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Niềm vui từ ngôi trường vượt khó

Năm học mới 2024 - 2025, Trường mầm non Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) lại đón nhận nhiều tin vui khi được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Niềm vui từ ngôi trường vượt khó
Trao 209 suất học bổng Vallet cho học sinh, sinh viên xuất sắc

Sáng 31/8, tại Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế), Tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” tổ chức trao học bổng Vallet cho các học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập tại Thừa Thiên Huế. Đến dự có ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trao 209 suất học bổng Vallet cho học sinh, sinh viên xuất sắc
Vun đắp tình yêu di sản Huế cho học sinh

Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế tiếp tục đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản Huế và trải nghiệm các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Vun đắp tình yêu di sản Huế cho học sinh

TIN MỚI

Return to top