ClockThứ Năm, 11/02/2016 05:59

Không gian Tết Huế

TTH.VN - Với trưng bày “Tết Huế” ở Bảo tàng Văn hóa Huế, Tết năm nay, người dân Cố đô, nhất là các em thiếu nhi có thêm điểm du xuân ý nghĩa để tìm hiểu về phong tục Tết cổ truyền.

Đậm chất Tết

Tết này, Bảo tàng Văn hóa Huế nhộn nhịp khách tham quan khi có thêm không gian trưng bày “Tết Huế”. Từ ngoài sân, không khí ngày Tết ngập tràn với những con tò he xanh, vàng, tím, đỏ; những chiếc lung tung leng keng, những bông hoa giấy Thanh Tiên rực rỡ sắc màu. Nhiều em nhỏ được cha mẹ dẫn đến tham quan cứ xúm xít xem nghệ nhân nặn tò he, làm lung tung với cái nhìn tò mò, ngạc nhiên xen lẫn thích thú.

Xem nghệ nhân Thân Văn Huy làm hoa giấy

Hơn 40 năm gắn bó với nghề làm lung tung, mệ Trương Thị Hường (đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Huế) rất vui sướng khi lần đầu tiên được tham gia trình diễn nghề làm đồ chơi dân gian để giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Mệ tâm sự: “Nghề này tốn công lắm, nhất là công đoạn chẻ tre, vót khung. Thu nhập chẳng đáng là bao, mỗi cái chỉ bán từ 3 đến 10 nghìn đồng nên con cháu mệ không có ai theo nghề. Cũng buồn vì rồi nghề của mình sẽ mai một nhưng biết làm răng chừ. Mỗi ngày, mệ gò lưng làm rồi mang đi bán ở các trường học. Công việc lặng lẽ nên Tết ni mệ vui lắm khi nghề của mình được nhiều người biết đến, sản phẩm của mệ được nhiều người mua”.

Tham gia trình diễn cách làm hoa giấy Thanh Tiên ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nghệ nhân Thân Văn Huy chia sẻ: “Tôi rất mừng vì thế hệ trẻ đã cảm nhận được cái đẹp truyền thống, trong đó có hoa giấy Thanh Tiên. Người ta đến mua hoa rất nhiều. Đây là tín hiệu vui cho làng nghề truyền thống trên 300 năm tuổi của Thanh Tiên phát triển ngày càng mạnh hơn”.

Bên trong nhà trưng bày, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt người xem là không gian phòng khách ngày Tết được tô điểm thêm các câu đối Tết, tranh ảnh, hoa. Đây cũng là nơi được người Huế chú trọng nhiều nhất, đặc biệt là bàn thờ gia tiên luôn được trang trí thật đẹp. Phía sau là gian bếp đơn sơ với nồi bánh tét lúc nào cũng đỏ lửa. Nơi này là không gian phụ nữ Huế trổ tài nữ công gia chánh: nấu ánh tét, làm mứt bánh chuẩn bị tươm tất cho gia đình trong những ngày Tết.

Trưng bày “Tết Huế” còn tái hiện lại không gian chơi bài chòi, đổ xăm hường, chơi bài tới; giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về lễ hội dân gian, lễ nghi, tập tục đón Tết, ăn Tết, các hoạt động vui chơi, trò chơi dân gian, thú tiêu khiển của người dân Cố đô trong dịp Tết. Ở đây còn có không gian viết thư pháp tặng chữ ngày xuân. Dưới nét bút tài hoa của các ông đồ, bà đồ, những chữ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, phúc, lộc, thọ hiện ra đầy lả lướt.

Lưu giữ nét đẹp Tết xưa

Là kinh đô xưa, Huế còn lưu giữ nhiều cổ tục trong việc đón và ăn Tết. Tết Huế vừa mang đậm bản sắc của ngày Tết cổ truyền dân tộc, vừa mang dấu ấn riêng của văn hóa Huế, con người Huế. Cùng với nhịp sống hiện đại, một số nét đẹp truyền thống của văn hóa Huế dần mai một. Trưng bày “Tết Huế” là mong muốn của những người tổ chức nhằm tái hiện lại những phong tục tập quán, lễ nghi ngày Tết.

“Có những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết người lớn tuổi biết nhưng thế hệ trẻ không còn biết nhiều vì nó đang bị mai một. Thông qua trưng bày này, chúng tôi tái hiện lại nét đẹp xưa ông cha để lại, những thú chơi tao nhã của người dân Cố đô mỗi độ Tết đến Xuân về để giáo dục truyền thống, giới thiệu văn hóa Huế cho thế hệ trẻ biết được những nét đẹp của cha ông để cùng chung sức gìn giữ, bảo tồn. Thứ nữa là tạo thêm một địa điểm tổ chức các hoạt động vui Tết đón Xuân có ý nghĩa thiết thực”, bà Phạm Thị Quỳnh Giao, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế cho hay.  

Mong muốn này của những người tổ chức đã thành hiện thực khi rất đông phụ huynh dẫn con em mình đến đây tìm hiểu về Tết cổ truyền. Sau khi tham quan và được nghe giới thiệu cặn kẽ về phong tục ngày Tết, Hoài Bảo, học sinh lớp 6/6, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu cảm xúc: “Lần đầu tiên được khám phá những phong tục, lễ hội trong ngày Tết, em thấy vừa quen vừa lạ. Có những lễ hội, những tập tục của Tết xưa rất hay mà bây giờ không còn nữa, cũng ít gia đình còn quây quần bên nồi bánh tét vào những ngày giáp Tết. Nhờ không gian trưng bày này mà con hiểu hơn về Tết cổ truyền của quê hương. Đây là một triển lãm bổ ích và thú vị, con rất thích những con tò he đầy màu sắc và mong năm sau sẽ lại được đến coi không gian này”.

Nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý thích thú: “Trước Tết, tôi rất mừng khi nghe Bảo tàng Văn hóa Huế tổ chức trưng bày về Tết Huế. Hôm nay, được đi đến tận nơi, xem tận mắt, tôi thấy đây là trưng bày thành công của Bảo tàng. Tôi cảm động khi nhìn thấy những hình ảnh của Tết xưa tưởng như đã mất đi rồi. Đây là hoạt động ý nghĩa, rất cần cho học sinh đến xem để ôn lại truyền thống. Sống ở thành phố, nhiều gia đình không duy trì được trọn vẹn cái Tết đậm đà phong vị cổ truyền và con cái không được trải qua tuổi thơ ngọt ngào với những đêm đổ bánh thuẫn, nấu bánh tét, hay được chơi những trò chơi dân gian truyền thống. Sau khi tham quan, tôi nghĩ nên tổ chức cho các em học sinh ghi chép lại và làm bài luận ghi lại cảm nhận của mình về Tết xưa, từ đó, các cháu lưu giữ được nét văn hóa đẹp đẽ này”.

Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Danh mục hộp quà tặng doanh nghiệp nhập khẩu
Return to top