ClockThứ Ba, 06/04/2021 14:14

Không ngại giúp người

Mùa thu vàng hoa cúc

Hôm tôi đến nhà thăm bạn, vậy mà đúng lúc bạn đang bị vợ cằn nhằn. Bạn thì ngồi nơi phòng khách, vừa chơi với đứa con nhỏ, chốc chốc lại gật đầu đáp lại vợ. Thấy tôi đến, chị liền dốc cả bầu tâm sự: “Lần nào gặp người bị tai nạn trên đường, anh đều đứng lại giúp người ta. Nhưng lần nào cũng suýt bị đánh. Vậy mà không “tởn”, lần sau thấy chuyện vẫn giúp”. Chị trách chồng, nhưng tôi nghe được trong giọng nói ấy đầy vẻ lo lắng, và cả sự buồn phiền. Chị nói lỡ như bị đánh, rồi “xảy chuyện” thì biết làm sao. Anh cười xề xề bảo, mới “suýt” chứ đã bị đánh lần nào đâu khiến chị tức xanh mặt.

Anh kể, hôm đó, lúc chạy xe ngang cánh đồng Thanh Lam thì gặp người đàn ông đang đứng giữa đường, tay điên cuồng vẫy vẫy xin xe. Người phụ nữ đang mang thai, nửa ngồi nửa nằm bên vệ đường, khuôn mặt xám ngoét, rúm ró. Chiếc xe máy thì ngã chổng chơ giữa đường vẫn còn chưa được dựng lại. Thấy mấy chiếc ô tô phía trước đều đi thẳng nên anh tấp xe vào lề đường, giúp người chồng kia đưa vợ đi bệnh viện cấp cứu. Người phụ nữ có dấu hiệu trở dạ. Nhìn người chồng mặt mày hốt hoảng ngồi bên cạnh vợ phía sau thùng xe tải chất ngổn ngang hàng hóa, anh ta cầm chặt bàn tay vợ trong tay, miệng liên tục an ủi người vợ đang nằm co ro đau đớn: “Gần tới bệnh viện rồi, em cố chút nữa thôi, cố chút nữa thôi” khiến anh cũng xót ruột theo.

Khi xe vừa đến trước cửa khoa cấp cứu, người nhà đôi vợ chồng kia được báo tin, đã xúm xít ở đó phụ với nhân viên y tế đưa sản phụ vào cấp cứu. Ai mà ngờ được, lúc anh vừa mở cửa xe bước xuống, đã thấy người nhà họ xông đến la lối: “Mày tông em tau phải không?”. Đi kèm với tiếng nói giận dữ, dữ dằn là một nắm đấm nặng trịch bay vút tới. May mà người chồng kia kịp thời phát hiện, cũng xông tới, kéo người thân lui lại, vừa la lớn: “đừng đánh, đừng đánh, là ân nhân”, anh mới thoát được cú đấm như trời giáng kia.

Rồi lần trước nữa, trên đường chạy xe đi bỏ hàng, thấy một cô gái đang dắt xe đạp đi bên lề đường, bỗng nhiên ngã xuống rồi nằm bất động, anh và bạn dừng xe lại, dìu cô đến quán nước cạnh đó. Khi anh và bạn còn đang loay hoay dìu cô gái ấy thì bỗng có ba bốn thanh niên đang ngồi uống cà phê ở quán tạp hóa phía trước lật đật chạy đến la lối. Họ khư khư bảo anh gây tai nạn cho cô gái đó, còn đòi giữ xe, giữ người và suýt nữa thì xảy ra xô xát. May mà cô gái kia tỉnh lại kịp lúc giải thích, anh với bạn mới thoát thân được. Hôm đó, trời trưa nắng rất gắt. Có lẽ cô ấy bị hạ đường huyết nên ngất xỉu. “Mấy thanh niên đó cũng chỉ muốn giúp cô kia. Họ tưởng mình gây tai nạn, sợ mình bỏ chạy nên mới xông ra giữ người”, anh cười, vẻ mặt đầy bất đắc dĩ.

Tôi hỏi anh lỡ cô gái kia không tỉnh lại kịp lúc, anh tính thế nào? Anh không hề do dự, nói luôn: thì cứ cứu người trước đã, chuyện khác tính sau. Lần nào giúp người ta, cũng suýt bị đánh, sau này giúp nữa không? tôi lại hỏi. “Giúp chớ. Bị đấm một phát không chết, chứ người ta gặp nạn nằm ở đó, mình không giúp là có người chết đó. Mình giúp người khác, cũng không muốn họ nhớ ơn, chỉ cần thấy lương tâm mình thanh thản là được rồi”. Nghe anh trả lời vậy, tự tôi cũng thấy lòng mình nhẹ hẳn. Đâu phải ai sống trên đời, cũng có suy nghĩ nhẹ nhàng như anh

Linh Chi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top