ClockThứ Năm, 14/05/2020 06:15

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

TTH - Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý42 lần hiến máu tình nguyện

Chị Phan Thị Hương chăm sóc vườn ổi

Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực gấp nhiều lần người khác, ngoài công việc chuyên môn, chị Hương đã “nuôi” mảnh vườn quanh năm rau trái sinh sôi, trong 4 năm thu về hơn 400 triệu đồng.

Chị Phan Thị Hương là giáo viên môn thể dục, hiện đang công tác tại Trường THCS - THPT Hồng Vân (huyện A Lưới). Ông Đoàn Chí Quýnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, chị Hương luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, năm nào cũng đạt lao động tiên tiến; rất năng nổ trong hoạt động đoàn, hoạt động công đoàn. “Trong cuộc sống, Hương cũng rất nỗ lực, được đồng nghiệp, bạn bè khâm phục”- ông Quỳnh nói.

Cách đây 4 năm, gia đình Hương gặp chuyện không vui. Kể từ đó, người phụ nữ ấy phải một mình nuôi các con còn nhỏ, với rất nhiều khó khăn, thiếu hụt. Quyết tâm phải vươn lên trong mọi hoàn cảnh, Hương quyết định sau khi thực hiện tốt công việc chuyên môn và hoạt động phong trào ở trường, thời gian còn lại sẽ trồng rau, trái sạch, phát triển kinh tế. Toàn bộ nhà đất chỉ vỏn vẹn 300m2, nhưng Hương rất may mắn khi được một đồng nghiệp tốt bụng, cho mượn mảnh đất đang bỏ không cạnh đó, để sản xuất. Người họ hàng ủng hộ quyết tâm của Hương, cũng cho chị mượn 1.000 m2 đất vườn, để canh tác.

Không phụ tấm lòng của những người đã cảm thông, hỗ trợ, chia sẻ với mình, Hương đổ mồ hôi lên từng tấc đất. Chị trồng 100 cây ổi, với cách chăm sóc để vườn ổi cho thu hoạch quanh năm. “Cứ 2-3 ngày em cắt ổi bán, bình quân từ 10-20 kg/1 lần thu hoạch. Thời điểm trái rộ 1 lần thu hoạch tầm 50kg. Thời điểm cắt cành để chăm, dưỡng sức khỏe cho cây, chuẩn bị cho vụ mới thì mỗi lần thu hoạch tầm 5kg. Khách hàng là đồng nghiệp, bạn bè, người quen, biết rõ và tin tưởng chất lượng, nên luôn ủng hộ. Nhiều gia đình trên địa bàn đặt hàng khi chuẩn bị có đám cưới hay đám tiệc”- chị Hương bày tỏ.

Trái ổi vừa bứt xuống từ vườn rất giòn, thơm, ngọt. Tôi mới hiểu vì sao ổi vườn nhà Hương lúc nào hái xong, vừa đăng lên facebook là mọi người đã đặt hàng. Cười hiền, Hương bảo để có được kết quả như vậy, chị phải bỏ ra bao nhiêu công sức, đổ xuống bao nhiêu mồ hôi. Nơi đây thời tiết khắc nghiệt, trồng cây gì cũng khó. Mùa khô ổi ngon, nhưng muốn cây ra trái, cho trái tốt tươi là phải tưới thường xuyên. Bắc vòi lấy nước từ suối, tưới từ sáng đến trưa mới xong vườn ổi. Vậy nên một ngày của Hương bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc vào tầm 11 giờ khuya. Thấy con gái một mình quần quật, mẹ ruột của chị từ quê ở miền Bắc vào phụ giúp.

Trên diện tích đang canh tác, mùa nào thức nấy, Hương trồng mãng cầu, bí đỏ, bắp cải, cà chua, củ cải, sắn dây… Hương cho biết, chị mới thu hoạch 1 tạ sắn dây, đang lọc và phơi thành bột, nhưng khách hàng đã “đặt gạch” rồi. 1 tạ củ cải mới thu hoạch cũng bán hết chỉ trong 1 ngày. Bất cứ rau củ nào trong vườn của Hương cũng đều được khách hàng tín nhiệm. Chị không cần phải đưa ra chợ, chỉ đăng sản phẩm lên facebook là có ngay đơn hàng.

“Nông sản do chị Hương sản xuất đảm bảo, tươi, ngon nên rất nhiều đồng nghiệp là cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục huyện và người quen, bạn bè thường xuyên đặt mua khi có hàng”- chị Nguyễn Thị Tứ công tác tại Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện A Lưới nói.

Một cửa hàng bán nông sản sạch ở TP. Huế, sau khi lên A Lưới khảo sát, tìm nguồn hàng đáp ứng tiêu chuẩn, cũng đặt vấn đề sẽ mua rau, quả do chị sản xuất. Tuy nhiên, hiện chị chỉ đủ để cung cấp cho thị trường A Lưới. “Năm nay em đang trồng thí điểm dưa bở. Cây đã lên tầm 10 cm. Em cũng trồng măng tây, cung cấp giống cây, hy vọng loại rau cao cấp rất ngon và bổ dưỡng này được nhân rộng trên địa bàn”- Hương bộc bạch.

Người phụ nữ chăm chỉ và nỗ lực này, vào ngày thứ bảy của mỗi tuần, còn tranh thủ làm đậu phụ bán. 30 kg đậu hạt sau khi ra thành phẩm lại “hết vèo” trong buổi sáng.

Dạo quanh một vòng trên diện tích mà Hương đang canh tác, tấm tắc vì rau trái xanh tươi không bỏ sót tấc đất nào, tôi càng khâm phục khi Hương bộc bạch, đối với công việc chuyên môn, năm nay chị đăng ký danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cơ sở, để phấn đấu tốt hơn.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Rung chuông vàng” nâng cao hiểu biết pháp luật cho học sinh

Ngày 7/11, Đồn Biên phòng Nhâm phối hợp Trường THCS Trần Hưng Đạo (A Lưới) tổ chức hội thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu pháp luật cho học sinh nhà trường, cha mẹ các em và thành viên tổ tự quản đường biên mốc quốc giới trên địa bàn.

“Rung chuông vàng” nâng cao hiểu biết pháp luật cho học sinh
“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

TIN MỚI

Return to top