Ngày hội đọc sách của Trường THCS Trần Phú
Trong một buổi họp phụ huynh của khối 7 trường N. cô giáo chủ nhiệm bày tỏ, phụ huynh rất quan tâm đến việc học của các em. Lớp có 45 em, thì có đến 22 em đạt thành tích học sinh giỏi, chỉ có 2 em học sinh trung bình, thậm chí nhiều em có điểm tổng kết rất cao. Mọi người hoan hỉ vì thành tích học tập của con em. Điều mà cô giáo có thâm niên 20 năm đứng lớp lo lắng, lớp học quá trầm, các em không muốn phát biểu. Mỗi khi cô giáo gọi lên bảng, hầu như em nào cũng trả lời rất tốt, nắm rất chắc kiến thức. Lo hơn, các em ít chơi chung với nhau, giờ ra chơi, không tụm năm, tụm ba chuyện trò mà cứ cúi đầu làm bài tập. Có em bị bạn bè trêu đùa, đã lao vào cắn bạn... Nhiều em khác bỏ đi vì sợ liên lụy. Giọng trầm buồn, cô giáo chủ nhiệm cho rằng, kỹ năng tự tin, giao tiếp, giải quyết vấn đề, thích nghi… của học trò không ổn.
Câu chuyện của cô đưa ra không mới, phụ huynh lường trước tình hình, nhưng, nhiều người cảm thấy bất lực khi con cứ sống khép kín. Chị Nguyễn Thị V., phụ huynh có con đang học THCS, trải lòng: Tôi muốn đăng ký cho con học các lớp kỹ năng sống nhưng thấy có nhiều cơ sở, nhưng tôi phân vân khi không biết họ theo chuẩn nào. Ngành giáo dục nên có quy chuẩn, ít nhất về nội dung, kỹ năng nào nên đưa vào nhà trường và kỹ hơn là thẩm định từng bộ sách về kỹ năng sống để phụ huynh bớt lo lắng”.
Thiếu kỹ năng sống khiến giới trẻ lúng túng trong cách giải quyết vấn đề. Không ít em rơi vào trạng thái khủng hoảng tâm lý và bạo lực học đường, học sinh lăng mạ nhau... xuất phát từ đó. Một số học sinh ở các trường THCS trên địa bàn cho rằng, giáo viên thường vận dụng, lồng ghép vào các tiết học, như khuyến khích các em học theo nhóm, biết cách phát biểu, biết cách cùng nhau làm việc… để buổi học sinh động.
Theo ông Nguyễn Văn Thu, giảng viên Bộ môn Tâm lý Trường cao đẳng Sư phạm Huế, đó không phải là kỹ năng sống. Dạy kỹ năng sống là giảng dạy cụ thể, làm thử, bình luận, hướng dẫn và có lời khuyên. Phương pháp giáo dục kỹ năng sống đặc trưng là thực hành và trải nghiệm. Giáo dục kỹ năng sống không phải là dạy và nhớ mà làm được.
Trở ngại của nhiều trường là thiếu cơ sở vật chất. Không đơn thuần chỉ phòng học, bàn ghế mà đặc biệt là tư liệu, học liệu, băng hình, tình huống, công việc có liên quan đến nội dung kỹ năng sống. Mỗi bài học được chuyển đến học sinh là những tình huống gần gũi, trực quan sinh động. Có vậy, các em mới nắm bắt được bản chất vấn đề và ghi nhớ một cách tự nhiên, điều đó có tác động mạnh đến việc kích thích sự thay đổi trong hành vi. Những tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống được đưa vào các hoạt động trên lớp một cách vui nhộn sẽ khiến trẻ nhớ lâu và ứng dụng một cách tự nhiên khi rơi vào trường hợp tương tự.
Trong quá trình dạy kỹ năng sống trong nhà trường, quan trọng là các phương pháp, nội dung và khái niệm của các nhà trường. Không phải đưa ra quy tắc là khi có việc này xảy ra thì phải làm như thế kia… mà phải biến thành những bài tập, trò chơi, tình huống để trẻ tự rút ra, tại sao mình phải làm như vậy… Giá trị sống và kỹ năng sống luôn luôn phải đi kèm với nhau. “Thực tiễn giáo dục kỹ năng sống phải đưa ra xã hội, nhưng nhà trường không thể kéo tất cả các em học sinh ra xã hội được mà phải mô hình hóa, mô phỏng, hoặc thông qua các bài học hướng dẫn thu nhỏ, tập cho các em bước đầu làm quen và thực hành kỹ năng sống". Cô giáo Lê Thị Hồng Giang - Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Nghi phân tích.
Vấn đề mà nhiều giáo viên than phiền, nhiều phụ huynh xem hoạt động ngoài giờ không quan trọng nên không cho con tham gia. Họ cho rằng, mất thời gian và muốn các con dành thời gian đó cho việc học. Trong khi, kỹ năng sống của các em còn phụ thuộc rất lớn vào gia đình. Nếu bố mẹ không gương mẫu thì học sinh không tiến bộ được. Kỹ năng sống phải xuất phát từ gia đình, từ cá nhân chính con người rèn luyện. Tất cả các kỹ năng cùng học sẽ giúp các em học tập tốt hơn, thậm chí là kỹ năng học được khi vui chơi, lao động. Tạo nên kỹ năng phải có quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai mà có được.
Bài, ảnh: Huế Thu