ClockThứ Ba, 31/08/2021 14:33

Ký ức... cá nục

TTH - Bạn gửi hình ảnh tô cơm trắng, dĩa cá nục kho có ba con cá thấm đẫm nước kho sánh đặc màu cánh dán cùng trái ớt đỏ, dòng chú thích hài hước “Ba người ba con cá nghen!”.

Tình biển, tình Huế

Mình biết gia đình bạn và cả thành phố mà bạn chọn làm quê hương thứ hai đang trong những ngày cao điểm của phòng, chống dịch bệnh, lời bạn tâm sự làm mình bùi ngùi “chưa bao giờ ăn con cá nục kho mà thấy ngon tuyệt diệu và lòng rưng rưng như những ngày qua. Đó là cá bà con Huế mình kho gửi vào Sài Gòn đó, mình vừa ăn vừa chảy nước mắt, tóc bạc trên đầu rồi mới thấm câu “cơm với cá như mạ với con!”.

Chuyện buồn mùa Covid thi thoảng xen lẫn chuyện vui rồi cuối cùng cũng quay về với “cơm mạ nấu”. Bạn kể, nhìn bạn cắn miếng ớt cay, hít hà vừa ăn cơm vừa chảy nước mắt, cả chồng và con bạn đều cười. Chồng bạn nói câu “xưa cũ” mà bạn chưa bao giờ nghe lại từ sau ngày cưới: “Cố gắng hết dịch rồi gia đình mình về thăm Huế, anh sẽ đưa em đi lại những con đường xưa mình từng đi!”. Còn thằng con trai lớn tướng cũng nói được câu mát lòng “Mẹ ơi, con mê món cá nục kho rồi, con ăn được ớt cay rồi, mẹ đừng sợ con mất gốc ngoại Huế nghe mẹ!”. Bạn nói, bữa cơm hôm ấy là bữa cơm bạn hạnh phúc thật sự, bạn nghe từ sâu thẳm lòng mình một niềm vui lặng lẽ đến, ấm áp và bền chặt không màu mè, rằng những lúc khó khăn nhất lại là những lúc tình cảm chân thật được hiển lộ một cách tự nhiên nhất, đầy quan tâm, chia sẻ và yêu thương nhất.

Bạn nhắc câu tục ngữ “cơm với cá như mạ với con” làm mình bỗng sực nhớ bao lâu rồi mình chưa nghe lại câu tục ngữ đó? Cũng khá lâu rồi, từ ngày mạ mất không còn ai vào bữa ăn thường hay nói ca dao tục ngữ để dạy dỗ con cháu như mạ. Tự nhiên bạn làm mình nhớ món cá nục của mạ. Những ngày hè xa lắm rồi, chợ Mai buổi chiều, cá từ Thuận An lên còn tươi xanh, mắt còn trong vắt, mình được đi chợ cùng mạ, mạ bày cách biết “nhìn” cá tươi. Mùa hè là mùa của nhiều loại cá biển nhưng nhiều nhất vẫn là cá nục. Mạ cũng “thị phạm” đâu là cá nục chuối, cá nục hoa hay cá nục gai. Vào tay mạ thì loại cá nục nào cũng trở thành món ăn ngon, hấp dẫn mà rẻ nữa: cá nục kho khô, cá nục hấp cuốn bánh tráng với rau sống, ăn với nước mắm chua ngọt, cá nục nấu canh với thơm và cà chua, cá nục chiên xốt cà chua nhưng có lẽ thấm dậm và gây thương nhớ cho đến bây giờ vẫn là món cá nục kho ớt xanh. Đó là loại ớt có tên gọi cũng thật ngộ “ớt sừng bò”, trái to dài, ít cay và thơm, trồng nhiều ở vùng cát Phú Đa, Diên Đại (huyện Phú Vang). Xoong cá kho của mạ, ngoài bí quyết thắng đường màu cánh dán rất đẹp thì luôn có thêm vài trái ớt xanh bẻ khúc. Khi xoong cá kho khô vừa quẹo nước thì mùi thơm đã phủ đầy căn bếp. Lạ là loại ớt sừng bò, nhìn xanh tươi cứ như là còn non vậy mà khi kho với cá thì tỏa mùi thơm lừng, mùi thơm ấy đã ngập trong lòng mình từ ngày bé cho đến tận bây giờ, kho một xoong cá phải “bẻ” vào đó hai, ba trái ớt xanh. Mình nhớ hồi ấy, cá khoai và cá nục là hai loại cá rẻ nhất chợ. Bây giờ cá khoai “vào” nhà hàng và thành đặc sản, giá cao “ngất ngưởng”, riêng cá nục vẫn “bình dân” như thuở nào. Mình kể cho bạn nghe mới đây mình về cảng Thuận An, đúng hôm tàu đánh bắt xa bờ cập cảng, cả một thuyền cá nục rạng rỡ xanh như mang cả màu của đại dương về với con người. Anh ngư dân trẻ tuổi dùng cây vợt lớn làm bằng cây sào dài vớt cá từ dưới khoang thuyền lên, những con cá nục bông, hoa văn trên thân, tròn lẳn, nhìn là biết rất béo. Trên chiếc thuyền khác đậu bên cạnh là cá nục gai, nhỏ hơn, đã được hợp đồng thu mua làm cá hộp. Một lão ngư cho biết, năm ni được mùa cá nục. Nụ cười trên khuôn mặt ông lấp lánh niềm vui dù “được mùa thì giá thấp”.

Mình và bạn thường rơi vào những kỷ niệm xưa - nay mà “thăm thẳm” sâu trong lòng như thế. Và rồi cũng là bạn nhắc mình nhớ món cá nục kho xơ mít. Mình không biết ở miền quê nào có sự kết hợp kỳ lạ vậy không nhưng đó cũng là món “đặc sản cá nục” của các bà mạ Huế. Mít chín, ăn múi xong còn xơ đem kho cá. Xơ mít tươi hay phơi khô khi kho với cá nục đều thành món ngon, lạ miệng. Đó là sự đảm đang, tài thu vén của các bà mạ Huế. Sau bao câu chuyện, bạn và mình luôn rút ra kết luận “Tụi mình thiệt còn xa mới theo kịp các bà mạ Huế ngày xưa”.

Cuộc sống là sự góp mặt của tất cả những gì to lớn và bé nhỏ, ý nghĩa cuộc sống không nằm ở hình dáng bên ngoài mà là ở phẩm chất bên trong như con cá nục nhỏ và trái ớt trong mâm cơm nhà bạn những ngày “Sài Gòn phong thành”, gợi cả một trời thương nhớ quê nhà, thương nhớ mạ và những ngày xưa thân ái.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế

Con người Huế có tính cách và lối sống đặc trưng, thể hiện qua sự kín đáo, ý tứ, trầm lặng, hoài cổ, hướng nội, nền nếp gia phong… Đó là đặc trưng của gia đình truyền thống Huế. Các gia đình Huế ngày nay vẫn giữ được sâu đậm thuần phong mỹ tục, nền nếp trong quan hệ gia đình. Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh - nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế khi bàn về gia đình truyền thống Huế trong xã hội hiện đại.

Giữ cốt cách gia đình truyền thống Huế
Chuyến trở về của cha

Năm tôi 49 tuổi, cha dẫn tôi về Huế. Cha bảo: “Rất có thể đây là chuyến thăm quê cuối cùng”. Gọi là dẫn nhưng thật ra có lúc tôi phải dìu đỡ ông. Ngoài 80, dù đầu óc vẫn còn minh mẫn nhưng các cơ quan hoạt động của người già đã đồng loạt rệu rã. Nhất là từ sau khi mẹ tôi mất, cha như yếu hẳn đi. Nỗi buồn bao giờ cũng là kẻ thù bào mòn sức lực. Cha ăn ít, nói ít, có hôm chỉ tha thẩn ngồi dưới tán cây sộp cổ thụ trước nhà. Hỏi gió máy quá cha ngồi đó làm gì, cha cười, bảo đang trò chuyện với thiên nhiên. Nhưng ông chỉ lắng nghe thôi, nào là tiếng lá rụng, tiếng chim ca, tiếng của con sóc nâu truyền cành ngó đôi mắt láo liên nhìn ông già tóc bạc nhấp chén trà lạt ướp hoa sói trong buổi sáng trời se se lạnh.

Chuyến trở về của cha
Ngõ nhỏ không tên

Cái cách hơi xuân đột nhiên từ từ len lỏi vào cuộc sống thường nhật khiến đôi người khẽ rùng mình vì lạnh. Nhưng đó là một cái lạnh khoan khoái. Người đàn ông đưa tay sờ vào mũi mình để tận hưởng cảm giác mới mẻ đầu ngón tay và nhìn ánh nắng từ từ buông xuống đoạn đường làng trước mặt, tinh nghịch nhảy lên đỉnh đầu đứa con trai nhỏ bên cạnh làm cu cậu khẽ xoa đầu mình làm anh bật cười. Cu cậu được bao nhiêu tuổi là từng ấy năm anh chưa về lại quê, bộn bề cuộc sống rồi lại vì nhiều lý do trong quá khứ, mãi đến giờ mới tranh thủ dịp Tết để đưa vợ con về thăm quê nội.

Ngõ nhỏ không tên
Return to top