ClockThứ Năm, 14/07/2016 08:56

Làm lại cuộc đời

TTH - Vì một phút nông nổi, anh Trần Thanh Hùng, thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân (Phú Vang) đã trở thành người tật nguyền khi dùng thuốc nổ bắt cá trên phá Tam Giang. Cuộc đời tưởng chừng kết thúc ở tuổi thanh xuân, nhưng bằng nghị lực anh vươn lên sống có ích.

Khốn khó

Quê ở xã Vinh Phú, anh Hùng vượt phá Tam Giang se duyên cùng chị Trần Thị Điệp, thôn Xuân Thiên Hạ, xã Vinh Xuân vào năm 1980. Lập gia đình nhưng tiền không, nhà chẳng có nên vợ chồng đưa nhau xuống ở đò. Hàng ngày nắng như mưa, vợ chồng anh lênh đênh theo đuôi con cá trên phá Tam Giang mưu sinh. Cuộc sống bữa đói, bữa no cứ trôi theo năm tháng và thời gian đó những đứa con của anh lần lượt ra đời. Cuộc sống gắn với đầm phá chỉ mong trời yên, phá lặng để bủa vây cá tôm được nhiều. Nhưng cá nước chim trời...

Anh Hùng chuẩn bị dụng cụ thu mua tôm

Năm 1989, anh Hùng tự chế thuốc nổ để đánh bắt cá, tôm. Không ngờ khi vừa ném khỏi tay, một tiếng nổ ầm vang, trời đất như đảo lộn, người anh bê bết máu, đôi tay biến dạng. Bà con xóm giềng đã nghĩ đến chuyện “hậu sự”, nhưng còn nước còn tát khi gia đình thấy tim anh còn thoi thóp. Dạo đó, anh qua được “cửa tử” nhờ sự hết lòng của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế.

Từ lành lặn sang tật nguyền, anh trở thành gánh nặng cho vợ. Buồn bã, mặc cảm, nhiều đêm anh tìm cách để quyên sinh. “Tôi có cảm giác sống lại là nhờ vợ ngày đêm an ủi, động viên và những đứa con lúc nào cũng vui cười tròn mắt gọi bố. Nghèo khổ, nhưng những lời an ủi của vợ, những tiếng gọi của con nhỏ trong gia đình đã làm tim tôi rung niềm hạnh phúc mà không thể lìa xa”, anh Hùng trải lòng.

Thành người có ích

Sức khỏe dần được phục hồi, cũng là thời điểm anh cùng gia đình được lên sống ở khu tái định cư thôn Xuân Thiên Hạ. Hoàn cảnh thương tật, cùng với định suất dân thủy diện, anh Hùng được chính quyền sở tại cấp hai ao tôm rộng khoảng 1ha, nằm ven chân phá xã Vinh Xuân. Có chút hiểu biết về tôm cá, anh theo vợ ra hồ phụ nuôi tôm. Việc nặng chị Điệp gánh vác hết, những “hạng mục” nhẹ giao anh Hùng như, đo độ mặn của nước, cho tôm ăn và kiêm luôn việc canh giữ hồ. Có việc đi ra, đi vào làm anh vui và chị Điệp đều vui. Bà con, bạn bè trong thôn qua lại ghé thăm trao đổi chuyện tôm, chuyện cá cũng làm anh Hùng phấn khởi. Từ đó, tính hay nóng, hay lạnh cũng xóa dần, giúp anh hòa nhập.

Hình ảnh một trung niên tật nguyền cùng người vợ hiền lành chăm làm, ham việc được các thương lái trong và ngoài xã thương, “dạy” cho cách mua bán tôm, cá nhập vào các chợ. Nhạy bén nắm bắt thị trường, dần dần vợ chồng anh kết nối thu mua tôm từ các chủ hồ ở Vinh Xuân, Vinh Thanh, Vinh Phú ...lên nhập các đầu mối ở Huế. Hằng ngày, sau bữa cơm chiều vợ chồng anh chuẩn bị thùng, xô, chậu, đá lạnh đưa đến các hồ cân đong tôm đưa lên Huế. Hôm mua ít, anh phân chia cho vợ và người thân đèo bằng xe máy; hôm mua nhiều phải thuê xe tải để vận chuyển.

Không chỉ nhập tôm ở các đầu mối lớn, vợ chồng anh còn thu mua cua, cá các loại cung cấp cho các đầu mối chợ Bãi Dâu, các nhà hàng, khách sạn ở Huế, Đà Nẵng. Có nghị lực, chăm làm, từ một gia đình khó khăn từng chạy ăn từng bữa, gia đình anh Hùng đã vươn lên khá, có của ăn của để. Bình quân mỗi tháng vợ chồng anh thu nhập từ 15-20 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, anh quan tâm đầu tư việc học hành cho con cái. Hiện các con anh đều có công việc ổn định. Năm 2012, vợ chồng anh cất lên ngôi nhà khang trang bề thế.

Bước sang tuổi 56, anh Hùng không còn lo nghĩ nhiều về chuyện cơm áo gạo tiền. Bằng lòng với mái ấm gia đình hạnh phúc, bây giờ hễ trong thôn, xóm có chuyện vui buồn, anh dành thời gian đến sẻ chia. Anh cũng tích cực hưởng ứng các phong trào giữ gìn an ninh trật tự xóm thôn, làm đường nông thôn, vệ sinh môi trường. Anh luôn quan tâm đến hoàn cảnh gia đình nghèo như động viên, cho mượn vốn không tính lãi để phát triển kinh tế gia đình. Các trường hợp ốm đau đột suất, anh “bắc cầu”giới thiệu các mạnh thường quân làm nhà tình thương, tặng quà trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... ở địa phương.

Ông Trần Văn Đê, Bí thư Đảng ủy xã Vinh Xuân cho biết: Anh Trần Thanh Hùng là người tật nguyền, nhưng có ý chí vượt khó, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhiều năm qua, anh tích cực tìm hiểu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong các phong trào giữ gìn trật tự thôn xóm, xây dựng làng, xã văn hóa, được người dân nể phục, xứng đáng là tấm gương điển hình “tàn nhưng không phế”.

Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top