ClockChủ Nhật, 20/10/2024 06:44

Lịch sự nơi giảng đường

TTH - Tác phong lịch sự, chuẩn mực, không chỉ giúp tạo ra nét văn minh nơi giảng đường, mà còn góp phần tạo nên những công dân toàn diện sau này.

Nếp sống văn minh nơi giảng đường

 Sinh viên Trường đại học Kinh tế chia sẻ giải pháp để tăng tính văn minh nơi giảng đường

Những hình ảnh chưa đẹp

Tháng 9, các trường đại học chính thức quay lại với thời khóa biểu học tập. Trên các diễn đàn của sinh viên Đại học Huế xuất hiện nhiều thông báo cần nhờ người học thay một số buổi có trả phí. Mỗi buổi như thế dao động khoảng 50 nghìn đồng.

Trao đổi với một sinh viên có đăng thông tin thuê học thay thì được biết, do về quê nghỉ hè chưa trở lại trường kịp, nên sinh viên này cần nhờ bạn cùng giới học thay. Gần đây, các giảng viên điểm danh và chấm điểm chuyên cần rất nghiêm túc. Nhiều giảng viên chỉ cho phép sinh viên vắng 1 - 2 buổi, còn nếu nghỉ quá nhiều, sẽ phải học lại.

Không chỉ có giai đoạn đầu năm học mới, theo hội sinh viên của một trường đại học, thời điểm mà các sinh viên nhờ người học thay nhiều nhất là sau mỗi dịp nghỉ lễ. Thời gian nghỉ lễ thường kéo dài khoảng 5 – 7 ngày, nhiều sinh viên quyết định về nhà. Do chưa quay trở lại Huế kịp để đi học sau kỳ lễ đó nên nhu cầu học thay giai đoạn này tăng mạnh. Việc kiểm soát học thay đối với giảng viên khá khó khăn, vì người dạy ít biết rõ từng sinh viên.

Cũng phải nói thêm, mỗi lần đi học thay, chi phí được thuê khoảng 50 nghìn đồng/buổi. Dù không nhiều, song nhiều sinh viên khác sẵn sàng nhận đi học thay. Bởi theo như so sánh của một sinh viên đã từng đi học thay, đi làm thêm mỗi giờ được khoảng 10 - 12 nghìn đồng, tương đương với khi đi học thay. Song đi học thay khỏe hơn, chỉ ngồi trong lớp không phải vất vả như đi làm thêm bán cà phê chẳng hạn.

Không chỉ “nở rộ” việc học thay, những hình ảnh chưa đẹp khác của sinh viên cũng được chỉ ra. Nhiều nhất là tình trạng mặc trang phục thiếu lịch sự, tác phong chưa chuẩn mực. Một thành viên trong Đội Phản ứng nhanh, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho hay, có rất nhiều bạn nữ đi học mà như trình diễn thời trang vậy. Không chỉ trang điểm quá mức, mà ăn mặc thiếu tế nhị. Có bạn mặc váy quá ngắn, có bạn mặc áo hở vai. Nhiều lần nhắc nhở, một số bạn tỏ thái độ khó chịu và không thay đổi, vẫn duy trì việc mặc trang phục thiếu tế nhị đến giảng đường. Còn các bạn nam thường mặc quần jeans rách nhiều chỗ, đi dép hai quai, hút thuốc trong lớp học…

Xây dựng hình ảnh văn minh

ThS. Lê Chí Hùng Cường, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Huế thông tin, trước những hình ảnh thiếu văn minh còn diễn ra trong giảng đường, nhiều trường triển khai những giải pháp hay để hướng đến xây dựng môi trường học tập văn minh. Đó là tổ chức các cuộc thi về xây dựng hình mẫu sinh viên văn minh; thành lập các đội kiểm tra thực hiện nội quy tại trường về tác phong ăn mặc, đi học đúng giờ; các trường tổ chức nắm bắt dư luận trong sinh viên để kịp thời có những giải pháp phù hợp.

Tại Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, để tăng tính văn minh nơi giảng đường, Đoàn trường tổ chức cuộc thi “Hình mẫu sinh viên HCE”. Lê Anh Vũ, Bí thư Đoàn trường chia sẻ, cuộc thi được tổ chức bằng hình thức xây dựng các clip, những câu chuyện hay về văn minh nơi giảng đường. Mục tiêu mà Đoàn trường hướng đến là tuyên truyền đến sinh viên cần đến lớp đúng giờ, trang phục lịch sự, gọn gàng; chào hỏi giảng viên và bạn bè khi vào lớp; lắng nghe giảng viên giảng bài, tập trung ghi chép; tôn trọng ý kiến của người khác khi thảo luận; giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi; giữ thái độ lịch sự, không nói tục, chửi thề; giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn trong học tập…

“Khi thực hiện được các điều trên, ít nhiều các bạn sinh viên sẽ có ý thức học tập, ham học hỏi, cầu tiến hơn; có tinh thần trách nhiệm, biết quan tâm đến cộng đồng; có lòng nhân ái, biết giúp đỡ những người xung quanh”, anh Lê Anh Vũ kỳ vọng.

Hoàng Thảo Nguyên, sinh viên Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế chia sẻ, trong cuộc hành trình chinh phục tri thức, mỗi sinh viên không chỉ ham học tập mà còn hướng đến trở thành một giáo viên giỏi trong tương lai. Để đạt mục tiêu đó, chuyên cần trong học tập là điều cần thiết, bí quyết để mở ra cánh cửa của thành công sau này. Tập tính chuyên cần không chỉ giúp thành công trong học tập, mà còn rèn luyện trở thành những công dân toàn diện và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội. Với sinh viên Sư phạm, cần sự chuẩn mực, làm gương cho học sinh sau này, nên tác phong phải chỉn chu nhất có thể. Vì vậy, vào các ngày quy định, em luôn mặc áo dài. Những ngày khác, cũng mặc trang phục lịch sự.

ThS. Lê Chí Hùng Cường cho rằng, ở trong bất kỳ tình huống, hay hoàn cảnh nào, quan trọng là ý thức của mỗi sinh viên. Văn minh giảng đường phải là sự lựa chọn tự nguyện về lối sống đẹp ở từng cá nhân và hình thành trong suốt quá trình phát triển nhân cách. Mỗi ngày đến trường, những nét đẹp của sinh viên không chỉ thể hiện ở việc đi học đúng giờ, hay khoác trên mình một trang phục lịch sự, mà còn thể hiện trong từng cử chỉ, thái độ ứng xử đối với bạn bè, thầy cô. Những hình ảnh đẹp đó phải xuất phát từ lối sống đẹp của mỗi cá nhân, được tôi luyện trong môi trường giảng đường văn minh. Đây là điều sinh viên Đại học Huế đang hướng đến.

Đức Quang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hướng nghiệp cho ngành nông nghiệp

Trái ngược với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nông nghiệp ngày càng lớn thì số lượng sinh viên theo học ngành này ngày càng giảm sút.

Hướng nghiệp cho ngành nông nghiệp
Giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Ngày 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới - Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam phối hợp tổ chức phát học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2024-2025.

Giáo dục học sinh, sinh viên chấp hành pháp luật về an toàn giao thông
Duy trì truyền thống hiếu học

Ngày 15/9 tại làng văn hóa Thanh Phước (Hương Phong, Hương Trà) diễn ra Lễ tuyên dương và phát thưởng dành cho học sinh, sinh viên trong tộc Phan Hữu đạt thành tích cao trong học tập do Ban Khuyến học của tộc tổ chức.

Duy trì truyền thống hiếu học
“Xây dựng” thêm nét văn minh cho đô thị Huế

Những ai sống, làm việc ở Huế sẽ cảm nhận sự sâu lắng, tử tế, lịch thiệp ở vùng đất này. Tôi cũng vậy, dù là những việc nhỏ nhưng Huế đã chăm bẵm, làm tươm tất để văn minh hơn, như việc xây dựng những nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) sạch sẽ, hiện đại chẳng hạn.

“Xây dựng” thêm nét văn minh cho đô thị Huế
Return to top