Một số người đi thể dục dừng chân chụp ảnh bên cổng hoa
Căn nhà số 300 trên đường Lý Nam Đế thu hút nhiều ánh nhìn của người qua đường. Không chỉ hàng rào trắng điểm hoa mà chiếc cổng phủ đầy sử quân tử đỏ xen hồng khiến nhiều người xuýt xoa.
Theo ông Võ Sĩ Hào, chủ nhân ngôi nhà 300 Lý Nam Đế thì chiếc cổng cũ xi măng được giữ lại từ thời ông bà. Ông vốn mê những chiếc cổng hoa mọc đầy và thích ca khúc “Đưa em tìm động hoa vàng”. Hai vợ chồng ông chọn sử quân tử vì loài hoa này có hương thơm và bung nở rực rỡ, nhất là vào mùa hè. Cái cảm giác sớm mai mở cánh cổng, thấy cành sử quân tử đổ xuống vai, hương thơm vấn vít thật khó tả. Rồi ông ngân nga mấy câu thơ của anh em trong nhà họa về chiếc cổng: “Hoa chờ ai đến/Mà chắn ngang đường/Khi nụ còn xanh/Đến khi rực đỏ”.
Chị Nguyễn Thị Mai, người thân ông Hào phụ trách chăm lo cho khu vườn và chiếc cổng phủ hoa sử quân tử hào hứng khi có người ghé thăm. Bản thân chị rất thích ngắm hoa, chụp hình khoe với bạn bè về chiếc cổng sắc đỏ hồng ấn tượng. Chị cũng nhiệt tình và tự hào đón nhiều vị khách lạ đến “check-in” trước nhà. Chị Hạnh Hương, một người đạp xe đạp cho hay, chị cùng nhóm bạn thi thoảng lên tuyến đường này ăn sáng, uống cà phê và ghé thăm ngôi nhà có chiếc cổng vừa đẹp, vừa thơm này. Hoa phủ xuống như cổng vòm, có khi muốn vào nhà phải khom lưng. “Lên ảnh ai cũng mê. Nhìn cứ như vườn cổ tích. Bạn bè mình cũng hay ghé đến đây chơi”!
Chiếc cổng như cổ tích của ngôi nhà 300 Lý Nam Đế
Ngoài ý nghĩa phong thủy, nhiều người chú trọng đến tính thẩm mỹ, bản sắc riêng của cánh cổng để thiết trí thêm cỏ cây, hoa văn, chất liệu… Nói không ngoa, cánh cổng là hình ảnh đại diện của ngôi nhà và thể hiện tâm tính chủ nhân.
Chiếc cổng nhà chị Hồ Thị Linh ở TX. Hương Trà hai bên hàng rào điểm tô hoa hồng Huế, riêng vòm cổng tựa như chiếc vương miện màu cam khổng lồ sáng cả khoảng trời. Mê lâm phượng vỹ, chị kiếm hạt cây này trong một lần đi công tác vùng núi về gieo trồng. Năm 2019, hoa ra lứa đầu tiên, tết đến, bạn bè quan khách đều trầm trồ ra cổng chụp ảnh. Chị Linh cho hay, chị thích không gian xanh nên muốn tô điểm cổng nhà bằng hoa lâm phượng vỹ. Loài cây leo này cho hoa đẹp, rực rỡ, lâu tàn. Hết bông, lá lại phủ xanh vòm cổng. “Thông điệp mình muốn gửi qua cánh cổng này là sức sống mãnh liệt, thích nghi với hoàn cảnh. Lúc nào cũng nhắc nhở mình vươn lên và vượt qua”, chị Linh nhấn mạnh.
KTS. Nguyễn Lê Long, Văn phòng kiến trúc MOC Architech (TP. Huế) cho rằng, cổng nhà phải đạt yếu tố thẩm mỹ. Bản thân anh thích một cái cổng mộc mạc và có giàn hoa phía trên tạo cảm giác hài hòa với thiên nhiên. Điều này giúp gia chủ cảm giác luôn được chào đón mỗi khi trở về mái ấm thân thuộc. “Cổng nhà giúp người đi vào cảm nhận khác nhau. Cổng quá kín khiến người ta có cảm giác e dè; cổng và hàng rào thoáng sẽ tạo cảm giác chủ nhà hướng ngoại, thích giao thiệp. Đương nhiên, hình thức cũng phải phù hợp với kiến trúc của ngôi nhà; đường nét, vật liệu, thẩm mỹ phải tương đồng”, anh Long nói thêm.
Cánh cổng ngôi nhà cũng là cách thể hiện một phần tính cách của gia chủ. Mỗi người có cách nhìn khác nhau. Với khu vực nhà vườn Huế, cánh cổng chè tàu đơn giản, xanh mát. Một trong số ít chủ nhân giữ cổng nhà kiểu ấy kể với tôi rằng, ông muốn nhớ về hình ảnh mẹ ông mỗi lần quảy gánh về nhà, đi qua cánh cổng xanh mộc mạc, dừng chân lau mồ hôi và gọi lũ con ra đón… Chợt nhớ trong câu chuyện nếp nhà với một Việt kiều Thụy Sỹ, chị rưng rưng khi nhớ về mái nhà của cha mẹ ở đường Chi Lăng. “Mấy mươi năm trở lại quê hương, cảm xúc bùng lên khi nhìn cánh cổng nhà, vẫn màu hoa giấy ấy, vẫn dáng cây rủ lên che mát lối vào. Anh trai bảo anh giữ cho o cảm giác thân quen khi trở về. Nước mắt tôi lúc ấy tự nhiên lăn dài trên má”, chị kể giọng ngập tràn xúc cảm.
Không chỉ là “lời chào” đến từ chủ nhà, biết đâu khi tiến vào bên trong, từ cánh cổng sẽ mở ra nhiều câu chuyện khác khiến khách và chủ càng hiểu và chia sẻ được với nhau nhiều hơn.
Bài: LINH TUỆ -
Ảnh: L.TUỆ - GIA ĐÌNH CUNG CẤP