9h đêm, điện thoại reo. 11h đêm, điện thoại reo. 2h sáng, điện thoại vẫn đổ chuông. Người con gái lấy chồng nơi xa liên tục gọi về trong những đêm dự đoán bão lũ sẽ tới để hỏi xem gió thế nào, mưa thế nào, nước dâng đến đâu. Biết nhà mình hoàn cảnh, mẹ già, anh trai và chị dâu bị tật ở chân đi lại khó khăn, nên mỗi mùa mưa bão là mỗi mùa đứng ngồi không yên nơi biền biệt xứ. Lỡ phận sang ngang nơi phương Nam nắng gió, nên nhờ tới sóng điện thoại để làm cầu nối cho sự an tâm. May mà thời nay hiện đại, chỉ trong tích tắc là biết được tình hình.
Tôi vẫn nhớ, hồi chị gái đi làm ăn xa, mọi thông tin trao đổi đều qua thư từ. Bưu điện chậm hơn với những gì thời sự đang xảy ra. Trước mùa mưa bão tới cả tháng, chị đã gửi thư dặn dò nào kê cao lúa, nào chằng chống lại nhà, nào bỏ đất vào bao giữ mái, nào trữ sẵn gạo, củi... Biết là có dặn cũng bằng thừa, nhưng không dặn thì không thể an tâm. Bởi tháng năm đang ở nhà, những chuyện trên không qua khỏi tay chị. Kể cả bây giờ, khi nhà cửa đã kiên cố hơn, kinh tế vững vàng hơn thì nỗi lo cho mỗi mùa mưa bão cứ về mồn một trong tâm trí. Điện cho tôi mà giọng chị cứ ào ào như dòng nước đang đổ qua phần ống cống bên nhà.
Bão lũ miền Trung thì cứ đều đặn, triền miên. Năm nào cũng xuất hiện, năm nào cũng thật khó lường. Thiệt hại từ tính mạng, tài sản đến những tổn thất tinh thần không thể đếm hết. Người ta cứ nói nhau về cái khó nơi quê, một mùa thì nắng “nẻ trốốc”, một mùa mưa thì dầm dề, còn bão lũ thì không khi nào chịu tha. Cái xứ khó làm ăn nên người đi tha hương ngày một nhiều. Những thế hệ lớn lên cứ nối tiếp ý nghĩ cho một nơi tốt tươi nào đó, rồi đến khi neo đậu thành công xứ người thì đường về quê đã quá xa xôi.
Họ thường nhớ quê nhất vào mùa mưa bão này chứ không hẳn là mùa tết, mùa Trung thu. Bởi nếu có họ bây giờ, phần lo lắng, phần áy náy bớt đi được nhường nào. Chỉ cần xắn tay áo phụ ba gia cố nhà cửa, bưng mấy bao lúa lên cao hay phụ mạ lùa đàn vịt vào chuồng, xào mớ rau cho bữa tối lụt lên là đủ an yên trong lòng biết mấy. Ước thì ước vậy nhưng rồi chỉ còn là niềm thương nhớ gửi về, lời động viên gửi tới và lòng cầu mong cho tai qua nạn khỏi, cho bình an lại về trên quê hương. Cơn lũ trong lòng họ cũng cuồn cuộn không kém gì dòng nước đang dâng lên ở mảnh vườn, ngôi nhà nơi miền Trung yêu dấu.
Tôi thấy rất nhiều dòng trạng thái trên mạng xã hội của những người con xa quê. Thấy thương nhưng không làm gì được. Thấy không an tâm mà chưa biết cách nào để con nước thôi lờn vờn, trêu ngươi mấy ngày qua. Thấy xốn xang trong lòng mà không thể nào về dù chỉ để quét bớt lớp bùn non.
Và tôi cũng thấy, những người con phương xa đó đã liên kết với nhau để cùng làm nên một làn sóng kêu gọi sự ủng hộ về nơi “chôn nhau cắt rốn” với những người thân, xóm làng, bè bạn. Thùng mì tôm, gói muối, chai dầu… họ gửi đến trong những ngày thiên tai khốc liệt như một lời động viên ấm lòng hơn tất thảy. Và trên hết, họ làm để nhấn chìm cơn lũ dữ dâng lên trong chính mỗi người khi mùa mưa bão về. Và những người nơi phương xa nhận ra rằng, họ không thể nằm ngoài bão lũ.
Yên Thường