Cô chủ quán vốn là vận động viên bơi lội. Lấy chồng sinh con, cô giải nghệ rồi cũng xoay với đủ nghề kiếm sống. Duyên may với nghề, cô dừng lại với xe nước ép trái cây vài năm trở lại đây, càng ngày càng đông khách.
Mỗi bận đi tập thể dục về sớm, đã thấy hai chiếc xích lô chở đầy trái cây đổ xuống hiên nhà, một lúc sau là chiếc xe máy cũng ú ụ trái cây chất đầy yên sau, rồi phía trước, hai bên đến độ thân hình có phần đồ sộ hơn 80kg của cô cũng bị trái cây che lấp chỉ còn thấy mặt. Ấy vậy mà vừa dừng chiếc xe, cô thoăn thoắt bưng bê gọn gàng, đâu ra đó, rồi nhanh chóng thay áo quần, đẩy chiếc xe bán nước ra phía trước, đặt các máy ép lên, chuẩn bị ly tách... thao tác nào cũng nhanh nhạy, chuẩn xác. Những người làm cho cô cũng vì thế mà làm việc hiệu quả, năng động hơn.
Lúc vãn khách tôi hỏi dò về nguồn nguyên liệu, cô nói dù đã có “mối” nhưng sáng nào từ 4 giờ cô cũng dậy để đến tận nơi lựa hàng. “Mình không yên tâm, sợ người ta giao hàng kém chất lượng. Cái chi chơ nước ép mà có trái bị úng, bầm là không uống được mô chị”, em nói về lý do phải đích thân chọn trái cây để luôn có nguồn hàng tươi ngon.
Tôi cũng từng thấy em loại bỏ rất nhiều loại trái cây dù chỉ bị bầm một chút, vẫn còn ăn được. Có lần chị bán cơm hến cạnh bên thấy em vứt quá nhiều trái chỉ hư hao một tí nên muốn xin về ăn, em cương quyết từ chối, rồi lựa cho chị vài quả tươi ngon kèm ly nước ép nguyên chất. Nhân viên - đa phần đều là bà con xa, gần của em ngoài được trả lương đầy đủ, mỗi ngày đều được uống nước ép loại ngon nhất.
Không như một người quen khác, làm chủ một chuỗi nhà hàng đồ ăn vặt, quán nhậu dù buôn bán rất tốt, song bà chủ đối xử rất tệ với nhân viên. Chỉ cho họ ăn những thứ ế ẩm, sắp ôi thiu... Ai muốn ăn món ngon thì trừ vào lương hàng tháng. Đến ngày nhận lương, bao giờ chị chủ cũng lấy lý do này lý do kia kéo dài thời gian trả, ít nhất là vài hôm đến một tuần. Đối với thức ăn của khách, khi thì xén bớt vài muỗng cơm chiên, lúc gắp lại miếng thịt, dù khách khó phát hiện, song những việc như thế cứ lặp lại hàng ngày lâu dần thành thói quen. Nhân viên thấy cũng không dám nhắc vì sợ ăn mắng, đuổi việc. Một người bán bún giò buổi sáng mà tôi biết cũng chỉ cho cô bé phục vụ ăn khi gần cuối nồi, còn vài lát thịt mỡ, miếng thịt vụn. Nếu muốn ăn ngon cô bé chỉ còn cách ngậm ngùi bớt lại 20 ngàn tiền công sáng hôm đó...
Thật ra, ở đâu cũng có người này người kia, cũng có người tốt kẻ xấu. Người buôn bán cũng vậy, cũng không ít người vì cái lợi trước mắt mà làm hại bao người như một số vụ thực phẩm bẩn đã bị báo chí, cơ quan chức năng phanh phui, xử phạt. Rõ ràng, những kiểu làm ăn vô đạo đức, bất chấp pháp luật như thế dù chưa bị phát hiện, song sẽ khó bền lâu. Còn những người làm ăn tử tế, buôn bán có tâm, dù chỉ là buôn bán nhỏ vẫn nhận được sự ghi nhận từ xã hội, từ sự ủng hộ của khách hàng.
Như cô gái bán nước ép trái cây, lúc mới mở hàng chỉ bán ngày vài chục ly. Bây giờ, trái cây phải tính bằng tạ và ly phải con số hằng trăm mỗi ngày. Rõ ràng, khi lựa chọn buôn bán có tâm là cô đã lựa chọn cách sống tử tế. Đó cũng chính là cách “hữu xạ tự nhiên hương” làm cho khách hàng của cô gắn bó và mở rộng. Có thể cô chưa giàu, cả gia đình chỉ trông chờ vào xe nước ép chỉ đông khách mùa hè, song tôi tin rằng với cách làm đó thì dù với nghề nào cô cũng thành công.
Hồng Tâm