Nhóm phượt dừng chân ở khu vực gần thác A Nôr
“Thiên đường” khám phá
6 giờ sáng, chuyến phượt A Lưới 3 ngày 2 đêm do một nhóm phượt ở Huế tổ chức bắt đầu chuyển bánh. 20 thành viên có kinh nghiệm phượt, đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trang bị đầy đủ xe máy vượt địa hình nên hành trình trải nghiệm 3 cung đường đèo Kim Quy, Tà Lương và A Co trở nên dễ dàng.
Dừng chân ở thị trấn A Lưới, nhóm kết nối Hồ Văn Oanh là “thổ địa” dẫn đường, sau đó di chuyển đến thác A Nôr (xã Hồng Kim), nghỉ ngơi, quẫy nước rồi nướng cá suối để “lót dạ”. Ngọc Minh, thành viên đến từ Phú Yên, vừa ăn vừa tấm tắc: “A Lưới có món cá ngon nhất từ trước đến nay mình được thưởng thức (!)”. Trước lời khen của nữ “phượt thủ”, Hồ Văn Oanh lắc đầu, cười: “A Lưới là thiên đường khám phá, không chỉ món ăn mà còn có thắng cảnh đẹp, nghề truyền thống dệt Zèng; dân ca, dân nhạc, dân vũ của các đồng bào. Nếu muốn tìm hiểu hết, chắc phải đổi hộ khẩu lên đây sống dài ngày”.
Thiên đường khám phá như cách Hồ Văn Oanh nói thực sự chinh phục trái tim những bạn trẻ đi phượt. Chỉ trong một hành trình ngắn ngày, thành viên đoàn choáng ngợp trước những địa điểm đẹp của mảnh đất miền tây Thừa Thiên Huế, như: suối A Lin (xã Hồng Trung), đèo Pê Ke (xã Hồng Thủy), các con sông uốn lượn bao quanh thung lũng A Lưới như A Sáp, Tà Rình… hay những địa danh gắn liền với lịch sử: cụm địa đạo Động So – A Túc (xã Hồng Bắc), địa đạo A Đon (xã Hồng Quảng), đồi A Bia (xã Hồng Bắc)… Mỗi địa điểm gắn liền với những câu chuyện hấp dẫn. Như lúc ở đồi A Bia, Văn Oanh say sưa: “Đây là nơi mà Mỹ từng chọn làm địa điểm tập kết quân mưu đồ đẩy cơ quan Bộ Chỉ huy và bộ đội ta ra sát biên giới Việt – Lào, phá vỡ hành lang vận chuyển chiến lược của ta nhưng thất bại nặng nề”. Lời giới thiệu của Văn Oanh đem lại nhiều cảm xúc cho các thành viên phượt, bởi địa điểm họ đến ngoài giá trị đẹp về thiên nhiên còn là mảnh đất lịch sử với nhiều kiến thức cần được bổ sung.
Đêm đến, cả đoàn về nhà một người dân ở xã Hồng Trung thưởng thức rượu cần và nhiều món ăn đặc biệt, như sâu tre được lấy trong thân cây tre đem về chế biến, ướp tẩm nhiều loại gia vị rồi chiên trên chảo dầu, hay lá sắn được xay nhuyễn rồi xào; ngay món thịt cũng không nướng trực tiếp trên lửa mà chỉ xông khói. Nguyễn Thành Tâm, thành viên nhóm phượt, tiếc nuối: “Đáng buồn là chỉ đi 3 ngày 2 đêm bởi nơi đây đúng là thiên đường để khám phá. Mình đi 5 lần rồi mà vẫn thấy còn nhiều thứ lạ và hấp dẫn”.
Nên tận dụng phát triển du lịch
Hiện A Lưới trở thành điểm đến trong lựa chọn của nhiều nhóm phượt. Những tháng cao điểm mùa hè, dịp cuối tuần có thể thút hút 3 – 5 đoàn phượt lên A Lưới, trong đó có cả những nhóm phượt ngoại tỉnh. Đắc Tĩnh, thành viên nhóm phượt ở Đà Nẵng, chia sẻ: “A Lưới có nhiều điểm để khám phá về văn hóa, cảnh quan. Địa hình thuận lợi có thể trải nghiệm mang tính mạo hiểm, vì thế đây là lựa chọn số 1 khi đi phượt ở Huế. Nếu đi dài ngày có thể kết hợp phượt Quảng Trị hoặc Quảng Nam trong chuỗi hành trình”.
Lượng người đi phượt có nhu cầu trải nghiệm đời sống văn hóa, ẩm thực ở A Lưới tăng là điều kiện tốt để A Lưới làm du lịch. Nguyễn Công Danh, người có nhiều chuyến phượt xuyên Việt cho biết, trước đây khi nhắc đến A Lưới, có người còn ngờ ngợ là vùng đất có những khu rừng “chết” do chất độc hóa học trong chiến tranh, nếu đến thì chỉ ghé qua. Nhưng hiện tại, khung cảnh tuyệt đẹp, ẩm thực độc đáo, văn hóa, lễ hội của các dân tộc anh em, như: Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi… chính là yếu tố làm người mê “xê dịch” không muốn rời. “Không phải ăn rừng, ngủ bụi mới gọi là phượt. Chúng tôi mong muốn được khám phá, trải nghiệm cùng người dân. Giới trẻ sẵn sàng bỏ kinh phí để trải nghiệm ẩm thực và những nét văn hóa độc đáo. Tôi nghĩ A Lưới có thể tận dụng nguồn khách là những người đi phượt”, Công Danh nói.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho biết, đặc trưng của dân phượt thích trải nghiệm và mạo hiểm nên ngoài những sản phẩm du lịch hiện có, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đang nghiên cứu tạo các sản phẩm du lịch mạo hiểm, đơn cử như mở rộng khai thác, có hướng đầu tư ở tầng trên đỉnh thác A Nôr hoặc trải nghiệm ở khu vực suối thác, núi rừng. Ngoài ra, dựa trên những tour du lịch cộng đồng đang được triển khai lâu nay, sẽ nghiên cứu thêm các tour trải nghiệm thích hợp với giới trẻ. “Tinh thần của chúng tôi là nghiên cứu nhằm đáp ứng nhu cầu của khách, tận dụng các nguồn khách để phát triển du lịch địa phương và cải thiện sinh kế cho người dân”, bà Thêm nói.
Một trong những điểm còn hạn chế được nhiều bạn trẻ chỉ ra khi đi phượt A Lưới là thông tin quảng bá về vùng đất này còn ít. Vì vậy, ngoài tính đến những sản phẩm du lịch tương lai, A Lưới cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Song song trang web du lịch A Lưới, địa phương cũng nên tăng cường quảng bá trên mạng xã hội để tăng tốc độ lan truyền thông tin.
Những người có kinh nghiệm chia sẻ, A Lưới đang có quá nhiều tiềm năng để làm du lịch. Cộng đồng phượt là những người có mối quan hệ bạn bè khắp nơi, có khả năng “chở” những thông tin về một vùng đất vượt được khoảng cách địa lý, vì vậy nên xem họ nguồn khách đặc biệt để phát triển du lịch và cũng là kênh truyền thông hiệu quả.
Bài, ảnh: Hữu Phúc