ClockThứ Ba, 12/11/2024 14:04

Lương một đường, nộp bảo hiểm một nẻo, lao động lãnh đủ

TTH - Không ít doanh nghiệp giao kết mức lương trong hợp đồng lao động thấp hơn lương thực tế khiến lao động hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau và lương hưu thấp.

Sửa Luật Bảo hiểm y tế để đáp ứng yêu cầu thực tiễnPhát triển thanh toán bảo hiểm không dùng tiền mặt

 Tuyên truyền về chính sách BHXH cho người lao động. Ảnh: Thi Dung

Mới đây, anh N. M.D, 28 tuổi, nhân viên lập trình khá “sốc” khi biết mình nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ít ỏi. Anh kể, mức lương của anh là 20 triệu đồng/tháng. Anh thực sự không để ý đến việc hàng tháng doanh nghiệp trừ các khoản đóng như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và BHTN.

 Làm việc được ba năm, DN lấy lý do thu hẹp sản xuất, cho anh nghỉ việc. Đến lúc làm thủ tục BHTN, anh mới tá hỏa khi mức lương hằng tháng mà lâu nay công ty làm căn cứ đóng BHTN cho anh chỉ có 5,3  triệu đồng. Theo quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Do đó, anh chỉ nhận mức trợ cấp thất nghiệp tầm 3 triệu đồng/tháng. "Tôi nhận lương hàng tháng cao, mà đóng BHXH, BHTN mức thấp thì quá thiệt thòi. Chưa kể, sau này lương hưu của tôi cũng sẽ ít ỏi", anh D. nêu ý kiến.

Trường hợp như D. diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp. Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ bao gồm: Lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Thế nhưng khi xây dựng thang bảng lương, các doanh nghiệp đã tách lương của người lao động thành nhiều khoản, gồm: Mức lương cơ bản, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác và khi đóng BHXH thì lại chỉ căn cứ trên mức lương cơ bản để giảm chi phí. Một phần doanh nghiệp cố tình lách luật, nhưng cũng do sức ép việc làm, chưa hiểu biết đầy đủ về chính sách xã hội nên lao động chấp nhận thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để nộp ít lại các khoản tiền BHXH. Thế nên, trong hợp đồng lao động, các khoản phụ cấp và tiền thưởng được doanh nghiệp ghi chung chung "theo thỏa thuận" hay "tùy theo tình hình của công ty".

Nguyên tắc của BHXH, BHTN là có đóng - có hưởng. Nếu doanh nghiệp đóng đúng theo mức lương thực tế trả cho lao động thì mức hưởng chế độ cũng cao tương ứng. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp tùy tiện xé nhỏ tiền lương khiến lao động thiệt thòi khi giải quyết các chế độ, đau ốm, thất nghiệp, hưu trí... Hành vi này được xem là vi phạm pháp luật. Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng. Theo số liệu từ BHXH tỉnh, 10 tháng đầu năm 2024, BHXH Thừa Thiên Huế đã kiến nghị truy thu BHXH, BHTN, BHYT đối với 185 người lao động có mức lương tham gia thấp hơn mức lương quy định, với tổng số tiền 296.917.941 đồng.

Đại diện BHXH tỉnh cho biết, việc một số doanh nghiệp đóng BHXH không đúng với mức lương theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, như hưởng các chế độ liên quan nên chính lao động phải giám sát việc đóng BHXH trên hệ thống VssID. Thực tế, lao động luôn muốn đóng BHXH ở mức thấp nhất, song khi xảy ra tranh chấp, họ lại muốn hưởng quyền lợi ở mức lương thực nhận. Tuy nhiên, người lao động cần phải nắm rõ quy định đóng BHXH thế nào sẽ được hưởng các quyền lợi BHXH và các khoản bồi thường khi xảy ra tranh chấp tương xứng, không có chuyện đóng thấp, hưởng cao.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top