ClockThứ Ba, 14/07/2020 09:38

Lựu phun lửa hạ... lựu là thuốc hay

TTH - Lựu có tên khoa học là Punica granatum, là một loài cây cảnh quen thuộc với người Huế, có thể nó đã được người Huế nâng niu hằng trăm năm trước.

Những vị thuốc hay từ lựu

Lựu có nhiều công dụng trong điều trị bệnh tật

Hiện nay, trong nhiều nhà vườn ở Huế, lựu vẫn là cây cảnh được bảo tồn, vì nó có ngoại hình đẹp, cây thân gỗ, cành nhánh nhiều, lá nhỏ màu xanh sáng, đặc biệt hoa khá lớn có màu đỏ chói rất bắt mắt, mỗi lần hoa nở rộ như cây đang phun lửa giữa trời hè (Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông - Nguyễn Du). Chính vì vậy, trong tác phẩm “Bích câu kỳ ngộ”, tác giả đã xem lựu là một trong bốn cây biểu trưng của bốn mùa (Đua chen thu cúc xuân đào/Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông).

 Cây lựu có nguồn gốc ở Iran và miền tây dãy Hy Mã Lạp Sơn, được trồng làm cây ăn quả, cây cảnh hoặc cây làm thuốc phổ biến ở Iran, Iraq, Azerbaijan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nga và vùng Địa Trung Hải. Nó cũng được trồng phổ biến ở miền nam Trung Quốc và vùng Đông Nam Á, trong đó có nước ta. Ở Hàn Quốc và Nhật Bản, rất nhiều giống lựu khác nhau về kiểu hoa và màu hoa ngày càng phát triển phổ biến và đặc biệt được dùng rộng rãi cho việc tạo cây bonsai.

Ở nước ta, hiện nay cây lựu được trồng khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam. Nhiều nơi chọn giống lựu cao cây, sai quả và quả lớn, hạt nhiều cơm để trồng làm cây ăn quả, sản xuất hàng hóa. Một số nơi chọn giống lựu thấp cây để trồng làm cảnh. Giống thấp cây cũng có loại hoa thưa do mọc đơn lẻ, nhưng cũng có loại hoa dày đặc do mọc thành cụm.

Ở Huế, cây lựu xuất hiện đã từ lâu, chí ít cũng từ thời triều Nguyễn đóng đô ở đây, vì thế nó đã có tên trong bộ sách Đại Nam nhất thống chí. Chúng tôi không biết được một cách chính xác cây lựu ở Huế đến từ nơi đâu, chỉ biết trong tập thơ Ngũ đệ nhân vật có 2 câu nói về lựu, cho thấy lựu được đưa từ Tây Vực (Trung Quốc) về để tiến vua triều Nguyễn (Xuất tự Đồ Lâm sắc dạng thù/Thâu thành Tây Vực hiến Hoàng đô).

 Lựu không chỉ là cây trồng để ăn quả hay để làm cảnh mà nó còn là một loài cây dược liệu quý, được sử dụng trị bệnh ở rất nhiều nước trên thế giới từ trước đến nay. Ivan A. Ross đã công bố trong tác phẩm Medicinal Plants of the World, xuất bản ở New Jersey năm1999 việc sử dụng cây lựu trong nền y học truyền thống của hơn 20 nước khác nhau từ châu Mỹ, châu Âu đến châu Á. Qua đó cho thấy, các bộ phận của cây từ rễ, thân, lá, hoa đến quả đều được dùng làm thuốc và các chứng bênh thường được điều trị bằng các bộ phận của cây lựu bao gồm tiêu chảy, kiết lỵ, bỏng, viêm đường hô hấp, viêm nhiễm đường tiết niệu, tẩy giun sán kể cả sán dây, bệnh giang mai, các bệnh phụ khoa, điều hòa kinh nguyệt...

 Ở nước ta, nhiều công trình cũng nêu lên tác dụng chữa bệnh từ các bộ phận của cây lựu. Gần đây, nhiều website tiếng Việt đăng tải bài viết “Sáu tác dụng bất ngờ của quả lựu” cho thấy quả lựu có tác dụng cải thiện sức khỏe của tim, giảm huyết áp và nguy cơ đột quỵ, ngăn cản sự phát triển của tế bào ung thư tiền liệt tuyến, giết chết các vi khuẩn có hại, cải thiện khả năng cường dương và tăng tỷ trọng xương. Qua cuốn “Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, GS. Đỗ Tất Lợi cho biết vỏ rễ lựu chữa sán; vỏ rễ và vỏ thân lựu làm thuốc ngậm chữa đau răng, vỏ quả chữa tiêu chảy và kiết lỵ.

 Qua Từ điển Cây thuốc Việt Nam, TS. Võ Văn Chi cho biết vỏ quả dùng chữa trị tiêu chảy, kiết lỵ ra máu, tiểu tiện ra máu, băng huyết, bạch đới, thoát giang, đau bụng giun; vỏ thân và vỏ rễ dùng trị giun, sán dây, trị đau răng; thịt quả dùng trợ tim, giúp tiêu hóa; dịch quả tươi làm mát, hạ nhiệt; hạt giúp tiêu hóa; hoa dùng chữa viêm tai đề phòng chảy mủ. Một số tài liệu khác còn cho biết, hoa có tác dụng trị các vết thương chảy máu, chảy máu cam, viêm tai giữa, làm ấm phổi, tăng cường tiêu hoá; lá thạch lựu giã nát đắp chữa các vết thương bầm tím, tụ máu, dịch lá dùng rửa các nốt chốc đầu, các nốt đậu mùa giúp chóng lên da non; quả trị chứng quai bị, hắc lào, trĩ ra máu, khí hư; rễ sát khuẩn, chữa cam răng, cam mũi...

 Xin lưu ý cùng độc giả, vị thuốc từ cây lựu thường được dùng dưới tên “thạch lựu” nên khi sử dụng độc giả không nên nhầm với “phan thạch lựu (番石榴 – fan shi liu)”, vì phan thạch lựu là tên tiếng Hoa của cây ổi, tên khoa học là Psidium guajava.

Đỗ Xuân Cẩm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế
Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa

Ngày 1/11, hội nghị Nhi khoa toàn quốc lần thứ 25 khai mạc với chủ đề “Từ khoa học đến chính sách và thực tiễn”. Hội nghị có sự tham dự của UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh Nguyễn Thanh Bình; ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, Chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam; PGS.TS Trần Kiêm Hảo, Giám đốc sở y tế cùng hàng trăm bác sĩ, chuyên gia trong ngoài nước, nhà quản lý, hội viên Hội Nhi khoa Việt Nam…

Tăng hiệu quả chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa
Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu

Ngày 28 đến 31/10, Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp cùng tổ chức Les Lampions (Cộng hòa Pháp) triển khai khóa đào tạo hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu cho bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng Nhi sơ sinh, Hồi sức tích cực sơ sinh, Sản sơ sinh, Gây mê sản tại các cơ sở y tế trong, ngoài tỉnh.

Hồi sức nhi sơ sinh theo tiêu chuẩn châu Âu

TIN MỚI

Return to top