ClockChủ Nhật, 25/02/2024 07:23

Mang trên người thổ cẩm gấm hoa

TTH - Từ một nghề thủ công gắn liền với đồng bào vùng cao, dèng trở thành sản phẩm khởi nghiệp, kinh doanh của nhiều bạn trẻ. Khoác lên mình trang phục truyền thống, giờ đây người A Lưới tự hào khoe với bạn bè bốn phương bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Dệt zèng A Roàng được công nhận nghề truyền thống của tỉnhThổ cẩm xanh Aza Kooh & hành trình mới của dệt zèngCô giáo khởi nghiệp với zèngÂm thầm thời trang xanh

 Người dân A Lưới tự hào khi làm ra những sản phẩm thổ cẩm đặc sắc vừa để mặc, vừa là sản phẩm phục vụ khách du lịch

1. Lần nào tôi đến cũng gặp chị Hồ Thị Cam ở xã A Roàng, A Lưới mải mê bên khung dệt dèng. Có thâm niên trong nghề, lại là người nhanh nhẹn, khéo léo, chị Cam nhận nhiều đơn hàng trong, ngoài tỉnh, thậm chí ở nước bạn Lào. Đợt này chị có 3 đơn hàng đặt sợi và hoa văn theo yêu cầu để may váy ở xứ sở hoa Chăm Pa. Nếu làm hộ chiếu xong sớm, chị sẽ tự mình “ship” cho khách và nhận đơn hàng mới.

A Roàng - nơi chị Cam ở, là cái nôi dệt dèng của đồng bào Tà Ôi. Con gái Tà Ôi theo mẹ học nghề từ nhỏ và khá thuần thục trong việc sáng tạo hoa văn. Đây cũng là địa phương có nhiều người dệt dèng trang trí khổ lớn 3m - 6m, họa tiết phức tạp, có chữ, lục lạc. Dèng trang trí dùng như một vật phẩm linh thiêng trong thờ cúng, thể hiện lòng biết ơn các bậc thần linh. Hôm dẫn đoàn khách đến tham quan gặp lúc chị Cam đang dệt dở tấm dèng với hơn 10 hoa văn cườm khác nhau. Không hề có bản vẽ từ trước, mỗi lần cúi lưng dập khung, đôi tay người phụ nữ ngoài 40 tuổi cùng lúc luồn cườm, lên chỉ màu, định hình cho các họa tiết trên tấm vải.

Những mẫu dèng lên trang phục công sở cho nam giới 

Hoa văn trang trí trên dèng được chia theo 3 chủ đề (động, thực vật, thiên nhiên, đồ vật). Hoa văn trên dèng chính là câu chuyện về cuộc sống, niềm mong ước của người làm ra nó. Mỗi lần dệt dèng, các chị, các mẹ dùng chân và thân căng khung dệt. Mỗi tấm dèng có giá từ 500 nghìn đồng đến vài triệu đồng, bởi mất ít nhất hai tuần cho đến vài tháng mới xong một sản phẩm. Chồng con chị Cam có những chiếc áo dài hoặc áo vest làm từ dèng rất độc đáo. “Người ta xin mua lại áo vest của ông xã mình với giá tiền triệu mà ông không bán, vì mỗi lần dệt hoa văn là cảm xúc khác nhau. Ông bảo không làm lại được đâu. Còn con gái mình thi văn nghệ dưới Huế khoe rằng ai cũng hỏi áo dài con làm ở đâu lạ, đẹp thế. Con phải giải thích đây là dèng truyền thống của đồng bào Tà Ôi, người ta mới hiểu”, chị Cam khoe.

2. Ngày trước, tấm dèng từ 3m có thể đổi được trâu, bò vì tốn nhiều công sức, thời gian làm nên. Đi đâu, người A Lưới vẫn tự hào mang lên mình loại trang phục kỳ công của đồng bào mình. Không chỉ để khoe cái đẹp của nghề thủ công độc đáo, dèng còn biểu hiện sự phong phú trong đời sống văn hóa của người Tà Ôi, Pa Cô, Vân Kiều…

Nhắc đến dèng A Lưới, nhiều người nhớ ngay nghệ nhân Hồ Thị Hợp. Bà là người có công lớn trong việc phát triển, đưa dèng đến với nhiều quốc gia. Dèng đã ăn vào máu thịt người phụ nữ vùng cao này đến nỗi bà có thể nói chuyện say sưa về nghề này cả ngày không chán. Nghệ nhân Hồ Thị Hợp cùng các hợp tác xã sáng tạo ra nhiều sản phẩm thời trang ngoài áo, váy còn là khăn, túi xách, khăn trải bàn, tranh,… phục vụ du khách. Mỗi mùa đại hội hoặc lễ tết, đơn hàng đặt nhiều, các chị em dệt liên tục ngày đêm. Ông Huỳnh Công Quảng, Bí thư Huyện ủy A Lưới tự hào: “Bà Hợp giúp A Lưới quảng bá dèng bằng kinh nghiệm và kỹ năng. Đây là nhân vật “đối ngoại” bằng dèng ở nhiều quốc gia trong khi bà chẳng biết chút ngoại ngữ nào cả”.

Năm 2016, nghề dệt dèng của người Tà Ôi, huyện A Lưới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dèng không chỉ là trang phục để mặc, là tài sản quý thể hiện quyền quý, giàu sang, người vùng cao dùng dèng làm lễ vật hồi môn khi con gái đi lấy chồng. Dèng còn làm đẹp tổ ấm, trang trí nhà Rông, dâng lễ cúng Giàng hay các lễ trọng của bản làng. Vào các dịp lễ hội hoặc trước khi đi bán dèng ở nơi xa, người Tà Ôi thường tổ chức Lễ dâng dèng. Lễ này gồm các nghi thức: Chuẩn bị; Lễ dâng dèng; Mừng lễ cúng dâng dèng thành công, an lành. Với vị trí đó, dệt dèng không chỉ là nghề thủ công đơn thuần mà còn mang giá trị đa chiều: kinh tế, văn hóa và tâm linh…

3. Nghề dệt dèng ngày nay được các thế hệ người Tà Ôi lưu truyền, gìn giữ, phát triển. A Lưới có nhiều hợp tác xã dệt dèng hoạt động thường xuyên, tạo ra những sản phẩm mang giá trị văn hóa độc đáo, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho gia đình, bản làng.

Chịu tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, song dèng vẫn giữ một vị trí riêng trong đời sống đồng bào vùng cao A Lưới. Ngoài các dự án, chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề, chính quyền địa phương khuyến khích mặc áo dài và trang phục truyền thống trong nhiều hoạt động tại công sở, trường học... Sự sáng tạo và phối hợp các sản phẩm từ dèng cũng tạo nên xu hướng phục trang ở lớp trẻ. Dèng được tiếp sức và tỏa sáng ở nhiều không gian. Việc phục dựng các lễ hội truyền thống biểu diễn tại chợ phiên hàng tháng góp phần lan tỏa và đưa dèng đến gần hơn với du khách.

Không chỉ nghệ nhân Hồ Thị Hợp, một nhãn hàng thời trang khác đã góp phần nâng tầm giá trị loại thổ cẩm gấm hoa này ở nhiều quốc gia, đó là Fashion4Freedom (F4F) chuỗi cung ứng thời trang được đặt tại Huế. Doanh nghiệp này phát triển và sản xuất thời trang đi tiên phong trong bảo vệ di sản văn hóa thủ công mỹ nghệ. Trong các sản phẩm của F4F có sự phối hợp chất liệu dèng cùng kỹ thuật thêu tay, sắp đặt cườm hài hòa tạo nên những bộ trang phục sang trọng, độc đáo. Mặt hàng này được các nghệ sĩ, chính khách châu Âu lựa chọn làm kiểu thiết kế độc bản tham dự các sự kiện. Bà Lan Vy Nguyễn, người sáng lập F4F cho rằng, sản phẩm thời trang của nhà thiết kế mang đến cho dèng một danh phận mới phù hợp với khách hàng cá tính, các nhãn hàng tên tuổi xem trọng nghệ nhân và nghề thủ công. “Chúng tôi hạn chế việc cắt tấm dèng phạm vào hoa văn vì không muốn cắt đi câu chuyện mà người dệt gửi gắm vào đó. Khổ vải cũng được giữ nguyên thể hiện sự tôn trọng nghề và nghệ nhân. Khi giải thích, khách hàng đều đồng tình và thấu hiểu hơn giá trị sản phẩm mình đang mặc”.

Tại A Lưới, một số người mạnh dạn kinh doanh và tạo nên những thương hiệu cho riêng mình. Như chị Hồ Thị Thu Hà, một giáo viên lập nên một cửa hàng mang tên Hà dèng với nhiều mẫu áo quần lễ phục, quà tặng lưu niệm. Chị còn liên kết với các hộ dệt dèng làm đơn hàng và cung cấp nguyên liệu theo yêu cầu của khách. Ngoài chị Hà còn có vợ chồng chị Arel Thùy Linh ở thị trấn A Lưới làm phụ kiện làm đẹp như cột tóc, kẹp, cài, tằm, vòng… Chị Hạch Kêr ở Quảng Nhâm làm túi xách, thú bông, ba lô, ví tiền… Tấm lòng yêu dèng và đôi tay tài hoa của các bạn trẻ đã tạo nên nhiều mặt hàng lưu niệm tận dụng hoa văn, dèng thừa tiện dụng cho việc vận chuyển đi xa. Dèng tiếp tục là mạch nguồn cho sáng tạo và khởi nghiệp của thế hệ trẻ khi mới đây, một dự án từ dèng chiến thắng cuộc thi và vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh.

Mùa xuân này, khách phương xa khắp nơi vượt chặng đường dài đến với núi rừng A Lưới khám phá bản sắc văn hóa vùng cao. Trong hành trang trở về xuôi của nhiều người lấp lánh sắc màu thổ cẩm gấm hoa từ núi rừng. Dèng lại có cơ hội đến các vùng đất khác nhau để khoe sắc màu riêng có của một cộng đồng dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn.

Bài, ảnh: Linh Tuệ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dành cả cuộc đời gắn bó với zèng

Nhắc đến nghệ nhân Mai Thị Hợp (sinh năm 1963, dân tộc Tà Ôi, quê xã Lâm Đớt, huyện A Lưới), người ta thường biết đến bà như một người lưu truyền và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thông qua zèng. Và cả cuộc đời bà cũng đã gắn bó với những câu chuyện thú vị xung quanh sản phẩm thủ công độc đáo này...

Dành cả cuộc đời gắn bó với zèng
Thổ cẩm kể chuyện

Thổ cẩm mang trong mình vẻ đẹp mạnh mẽ của núi rừng. Những câu chuyện về thổ cẩm cần được kể nhiều hơn trong hành trình giữ gìn những làng nghề truyền thống Việt, nhất là những làng nghề dệt.

Thổ cẩm kể chuyện
Return to top