Người khiếm thị hành nghề tại cơ sở Niềm Tin
Hơn chục năm trước, người Huế khá lạ lẫm khi xuất hiện massage do người mù đảm nhận. Theo cách hiểu của nhiều người, massage thường có nhiều biến tướng nên suốt thời gian dài cơ sở vắng hoe. Nhân viên ngồi chơi, nợ ngân hàng chồng chất, doanh thu chỉ đủ trả tiền điện. Cũng không ít người chán nản “giải nghệ”, quay lại làm tăm, tre, chổi đót. Người khác kiên trì về tận nhà khách hàng để massage nhưng trừ tiền xe thồ còn lại chẳng là bao.
Bằng cách tiếp thị không giống ai, massage người mù miễn phí đã mời gọi mọi người đến thử nghiệm. Sự cần mẫn, chu đáo của họ khiến khách hàng hài lòng. Người tìm đến cơ sở ngày càng đông, nhất là thời điểm giao mùa. Nếu như những năm trước, doanh thu từ nghề massage đạt 250 triệu đồng/năm thì giờ đây, con số đó tăng gấp 10 lần. Mức thu nhập của người khiếm thị cao hẳn, người tay nghề cao, chịu khó được khách hàng tín nhiệm có việc làm quanh năm, thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng.
Những người lao động, người già cũng là khách hàng thường xuyên của cơ sở. Một số người bị bệnh tai biến mạch máu não thường mua vé tháng để cơ sở cử người về tận nhà xoa bóp, bấm huyệt. Nhiều khách sạn ký hợp đồng dài hạn nên người mù có việc quanh năm. Họ đến làm việc nhiều nơi ở các tour du lịch của Huế, Hà Nội và phục vụ cả người nước ngoài. Anh Nguyễn Đức Nhật, nhân viên cơ sở massage Niềm Tin cho hay: “Tôi được cử về nhà hàng Thủy Biều phục vụ khách du lịch. Bất đồng ngôn ngữ, ngoại hình khách to, cao, cần dùng nhiều sức lực để massage cũng là rào cản. Tôi phải cố gắng làm hết mình rồi tập nói những câu đơn giản bằng tiếng Anh để hỏi họ cần làm nhẹ tay hay dùng sức nhiều hơn.
Hơn 300 người khiếm thị được đào tạo nghề massage. Nhiều người khăn gói từ các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai… đến Huế học. Có người học cơ bản, người ở lại học nâng cao, người khác lại học quy trình mở cơ sở massage để mưu sinh. Khóa học chưa kết thúc, nhiều khu du lịch ở các tỉnh đăng ký tuyển lao động. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người khiếm thị ở Nha Trang là một trong những người đầu tư chuỗi cơ sở massge khá tốt. Sau thời gian học nghề, “ăn dầm, ở dề” để điều tra nhu cầu, sở thích của khách hàng, anh quyết định mở dịch vụ massge tại Nha Trang. Với sự cần mẫn, chịu khó, thương hiệu massage của người khiếm thị được nhiều người biết đến. Hơn 40 người khiếm thị được giải quyết việc làm và doanh thu lên đến 200 triệu đồng/tháng.
Có rất nhiều người Huế đem nghề massage lập nghiệp ở xứ người. Chị Kim Anh, nhân viên cơ sở Niềm Tin, cho hay: Vợ chồng tôi đều là người khiếm thị, có nghề massage nên mới có đồng ra, đồng vào. Khi học hết được các ngón nghề, vợ chồng tôi quyết định vào Đà Nẵng để mở cơ sở riêng. Chúng tôi tích cóp, vay mượn tầm 100 triệu đồng đầu tư mở cơ sở. Khách đến đông, hai vợ chồng có việc làm thường xuyên nên một tháng thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.
Đề cập đến việc giữ thương hiệu massage của người mù trong vòng 15 năm, ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh chia sẻ: Hội xây dựng quy trình kỹ thuật của một ca dịch vụ massge. Chúng tôi phát triển năng lực quản lý, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, phòng chống quấy rối tình dục trong hành nghề nên tạo ra đội ngũ nhân viên, kỹ thuật có thái độ phục vụ phải tận tình, chu đáo, lành mạnh. Đồng thời, cử cán bộ đi học những lớp đào tạo do giảng viên nước ngoài đảm nhận. Bản thân các em cũng tự nghiên cứu, nâng cao tay nghề về phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Cơ sở, trang thiết bị máy móc được đầu tư khá tốt.
“Thượng đế” cũng có người tốt, kẻ xấu. Có người giả vờ say buông lời chọc ghẹo, rồi “ra giá”. Tuy nhiên, nhiều nhân viên nữ trẻ tuổi nhưng rất nghiêm túc. Mỗi em đều có một cách để đối phó nhưng vẫn không làm mất lòng khách. May mắn, số khách hàng thiếu đứng đắn ấy không nhiều.
Huế Thu