Tư vấn, giúp các trường hợp tham gia điều trị Methadone tại Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất
Giúp người bệnh “cắt” cơn nghiện
Năm 2014, cơ sở điều trị Methadone chính thức thành lập tại Trung tâm PC HIV/AIDS (nay thuộc Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất) để góp phần thay thế cắt cơn nghiện cho những người muốn từ bỏ cái chết trắng. Qua gần 5 năm hoạt động, cơ sở này đang có hơn 260 bệnh nhân đến điều trị. Cũng với chừng đó thời gian, các y bác sĩ nơi đây luôn sẻ chia, đồng hành với họ.
Bác sĩ Lê Văn Vinh làm việc ở đây giờ đã nghỉ hưu chia sẻ, người sử dụng ma túy thì không thể tránh khỏi những lúc bị loạn thần. Rồi hung hăng gây rối... Chuyện đó là bình thường vì đơn giản đó là biểu hiện của bệnh lý mà trên liệu trình chữa trị hầu như ai cũng gặp phải. Quan trọng là bác sĩ phải hiểu, cảm thông giúp họ thoát ra khỏi sự "kiềm tỏa" của ma túy.
Thông thường, một người lần đầu đến điều trị Methadone tại Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất đều được các y, bác sĩ tư vấn về căn bệnh. Trước hết là khái quát cho họ hiểu rõ được vấn đề liên quan đến bệnh, như ma túy ảnh hưởng đến những bộ phận nào trên cơ thể, phản ứng ra sao, có thể gây hại những gì… Tiếp đến là quy trình chữa trị ra sao, liều lượng thuốc mỗi lần uống rồi kỹ năng hòa nhập cộng đồng... Chính việc làm của các y, bác sĩ nơi đây đã giúp hàng trăm trường hợp điều trị cai nghiện ma túy thành công.
Cảm động nhất là câu chuyện của HVĐ ở phường Hương Sơ (TP Huế). Đ. đã có gia đình, nhưng không có nghề ổn định. Kế sinh nhai hàng ngày nhờ vào những cuốc xe ôm. Không hiểu sao anh Đ. lại vướng vào ma túy. Khi nghe có cơ sở Methadone, Đ. tìm đến điều trị. Chỉ hơn 2 tháng sau, Đ. nhanh nhẹn, hoạt bát và yêu đời. Khác với trước, hễ chạy xe được đồng nào là xén hết để chích, bây giờ mang về cho vợ trang trải cuộc sống gia đình. Hiện tại, Đ. đã bỏ hẳn được ma túy.
Trường hợp khác là anh PVC, xã Hương Vinh, TX. Hương Trà, một bệnh nhân nghiện ma túy gần 10 năm nhưng đã 1 năm tham gia điều trị Methadone tại khoa. Anh C. chia sẻ với các y, bác sĩ ở đây rằng, nghiện ma túy làm anh “đốt” đi nhiều tiền bạc. Bị vợ con, gia đình ruồng bỏ, xã hội xem thường. Anh C. nhiều lần cố gắng cai nhưng không thành, cứ tưởng cuộc đời đi vào ngõ cụt. Khi tham gia chương trình Methadone, được cán bộ y, bác sĩ tận tình hướng dẫn tuân thủ điều trị, nhờ đó mà anh đã giảm dần “thèm, nhớ” và hiện không sử dụng ma túy nữa.
Xóa bỏ kỳ thị
Trò chuyện với bác sĩ Châu Văn Thức, Trưởng Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất, ông chia sẻ, các y bác sĩ ở đây mong muốn cộng đồng có thể xóa bỏ mọi khoảng cách đối với người đang cai nghiện ma túy. “Muốn giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng thì đừng kỳ thị. Hãy mở rộng mọi cánh cửa cho những người đang từng ngày nỗ lực vượt qua cám dỗ của "làn khói trắng"- bác sĩ Châu Văn Thức mong mỏi.
Một y sĩ làm việc ở đây nói rằng, ban đầu khi mới phân công vào công việc tiếp cận, tư vấn cho người nghiện cũng không khỏi lo lắng, sợ hãi. Sau khi đã tiếp xúc với nhiều trường hợp vì ma túy mà tan nát cả gia đình, thấy được sự thành tâm của họ, mong muốn được làm lại từ đầu thì sự sợ hãi biến mất, thay vào đó là những cảm thông, thấu hiểu. "Như duyên và nghiệp. Bây giờ hễ thấy một thành viên từng nghiện ma túy tìm đến phòng với gương mặt rạng rỡ, nói cười vui vẻ, bản thân mình cũng vui lây. Vì thành quả đó có công sức mình đóng góp trong đó", y sĩ này tâm sự.
Cuối năm 2014, cơ sở điều trị thay thế các dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Phòng khám Chuyên khoa và Điều trị nghiện chất, CDC tỉnh luôn thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn, tăng cường hoạt động tư vấn cho từng bệnh nhân. Điều đáng ghi nhận là, đội ngũ, y, bác sĩ nơi đây đã nỗ lực trong việc tiếp cận chăm sóc, điều trị và kết nối, vận động gia đình có người nghiện ma túy tích cực tham gia chương trình. Không chỉ thực hiện chuyên môn, họ còn là người bạn luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần để động viên, giúp đỡ người bệnh tìm kiếm việc làm, hạn chế thời gian nhàn rỗi... để tham gia cai nghiện đạt hiệu quả cao.
Bài, ảnh: Minh Văn