Năm nay dịch thì dài, tết lại đến sớm hơn. Những mong ngóng tết không biết có đến nhanh với nhiều người không, nhưng suy nghĩ về những lần đoàn viên sẽ vì tiếng tích tắc trên đồng hồ mà rạo rực. Rồi cũng cùng lúc, vì dịch mà bao lo lắng, suy nghĩ cũng sẽ ùa về, thật gọn ghẽ như cách 365 ngày vụt qua ngay trước mắt.
Lớn cả rồi, những mong ngóng về tết của người trưởng thành sẽ được xây dựng từ thành quả của tháng ngày đã trở thành cũ vừa trôi qua. Ai làm được nhiều, thì cũng hồ hởi vì tết dữ lắm. Với người không như ý, tết có khi lại trở thành nỗi lo. Ngặt nỗi, năm nay, nỗi lo chắc phải nhân lên. Nhiều đến nỗi phải chia ra cho nhiều người thì mới vơi vớt được. Vì đây ắt là vấn đề nhạy cảm, nên tôi ngại, chẳng dám nói nhiều. Nhưng nhớ lại những cái tết chưa có dịch, tôi vẫn thấy người ta động viên nhau “vẫn có nơi để về là tốt lắm rồi”. Ấy mà đến mùa tết của năm nay, cũng đã phải mấy lần nghe người thân của mình bảo: “Lắm khi tết này mình cũng chẳng về nhà được”. Câu nói ngắn, từ những hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều ngỡ như phải dùng dằng lắm mới thoát ra được. Nó ở đó, cứ chơi vơi, chơi vơi...
Bánh tết
Tôi chắc phải là đứa may mắn lắm vì chưa phải “chẳng thể về nhà” bao giờ và vì bất kỳ lý do gì. Những người thân thiết cũng vừa hay có thể bên nhau cả những lúc bình thường và những hôm quan trọng. Thành ra để hiểu, chỉ có thể là khi tự mình cảm cả nỗi buồn của người chia sẻ và người ở nhà khi được báo “Ba mạ đừng đợi con nghe…”.
Năm nay “kỳ” quá, nên người ta có nhiều hơn những lý do để lơ mơ, hay chắc chắn về chuyện ăn tết xa nhà. Như mẩu chuyện của thằng bạn đã rời Huế gần chục năm để sang Nga, nay trở về làm việc ở “xứ đàng trong”. Bạn đã ngóng mãi đến cái tết đầu tiên ở quê hương sau bao ngày xa cách chẳng hạn. Tôi nhớ rõ về những kế hoạch đủ màu trong kỳ nghỉ dài đầu năm của bạn, cũng nhớ mình và cả nhóm đã rúc rích cười, bàn về các cuộc họp lớp của “một lứa bên trời” khi phần lớn mọi người đều đã nhận được hai mũi vaccine, thêm các hạn chế đi lại đang dần được nới lỏng. Nhưng trong một vài cuộc trò chuyện sau 18h mỗi tối, khi bản tin của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh công bố số ca nhiễm đột ngột tăng, rồi lại giảm và lại tăng liên tục, lo ngại về các hạn chế lại phải siết chặt, hay phải cách ly dài ngày khi quỹ thời gian nghỉ lại có hạn, những cuộc vui chưa tới nương theo đó mà rơi vào dấu ngỏ…
Cái dấu ngỏ nớ của Tài giờ lại chuyển thành dấu chấm chắc nịch của Trang, khi bạn ngập ngừng thông báo rằng “Tết năm nay ráng chơi với đứa khác, mình ở lại làm thêm ở Eon Mall Tân Phú, lương gấp 3, bù lại mấy tháng nghỉ dịch vừa rồi N. ạ”. Tôi biết mạch truyện sẽ không vì con số mà bớt phần trầm ngâm, nên đã nhanh nhảu tự chọn việc mừng cho cơ hội việc làm, thêm thu nhập của bạn. Thì cũng còn cách nào khác đâu, bởi phần hụt hẫng của mình có đáng là gì so với cái nhớ nhà của Trang, hay cái “ừ con” nghe ỉu xìu của ba mạ nó khi tết này, nhà Trang sẽ thiếu một người sên mứt gừng cho mạ, thiếu người phụ giúp ba lau dọn trang thờ và cùng nhau xum vầy bên mâm cúng 30 tết như mọi năm về trước.
Năm nay kỳ lạ quá, nên không chỉ Tài, Trang, mà cả Hằng, Hạnh… cũng đang buộc mình phải ăn tết xa quê vì nhiều lý do.
Những lúc như vậy, khi cái tết gần kề, tôi chỉ thấy mọi người tập trung vào các trang báo mạng cập nhật tin tức nhiều hơn, thay vì chìm đắm vào các lựa chọn mua sắm cho ngày đầu năm mới. Hẳn là bởi mua sắm chỉ là lựa chọn, còn đoàn viên là mưu cầu nên vậy. Tết của một năm sau trận bùng dịch to, tôi thấy Tài vẫn chằm hăm mong nghĩ về ngày nó được hít hà mùi ruốc hành của Huế, bết bát mồ hôi bên lò đốt giấy đỏ rực hiếm thấy ở nước ngoài. Cái Hạnh ở Nhật cũng chỉ kỳ vọng chính phủ mở cửa trở lại để tranh thủ về ít hôm bên người thương và ba mạ. Chuyện của cái Trang, tôi không dám hỏi, chỉ ước nó cũng như chị bé gần nhà, thay đổi ý định vào phút cuối rồi xách ba lô lên vai trở về.
Nhật Bản rộng, Sài Gòn tấp nập đông người sẽ không vì có thêm vài đứa con xa xứ lưu lại mà vui hơn hay Huế cũng như các thành phố khác sẽ vì những người không có tết mà thênh thang đến lạ. Khi dịch bắt đầu qua, tôi chắc, tết của Huế và của mọi nơi khác, mọi người chỉ mong muốn được đoàn viên. Sớm hơn!
Bài: Lê Phương Hạnh Nhi
Ảnh: Khánh Nhật