Mới hôm qua, tôi có dịp ghé thăm Trường đại học Khoa học Huế. Vội vã vì công việc, tôi cứ cắm cúi đi cho đến khi sững người lại vì nghe loáng thoáng trong gió mùi thơm thơm, ngòn ngọt đã từng quen thuộc cả một thời tuổi thơ. Trên đầu tôi, tán cây mù u cổ thụ rải từng cánh hoa chao theo làn gió, rơi thành khoảng trắng lốm đốm, li ti trên nền xi măng. Những cánh hoa ấy còn đậu cả vào tóc, vào vai, vào ba lô của những cô cậu sinh viên đang rộn ràng đến lớp.
Làng tôi lúc trước mù u nhiều lắm. Mỗi khi tới mùa, những cánh hoa mù u dày như hoa bưởi rơi lả tả khắp nơi. Lùm rú nhiều mù u đã đành, đến cả những khe nước trong làng cũng lửng lơ bao nhiêu là hoa trắng.
Nhờ có mù u và biết bao nhiêu loại cây cỏ khác, các loài cá tôm nơi khe nước có nơi trú ẩn, dòng nước cũng trong hơn nhờ được thanh lọc. Cùng với bóng cây mát rười rượi, tôi và biết bao lũ trẻ ở làng đã được lớn lên trong không gian xanh mát và hương thơm ngào ngạt của mù u, của những loài cây cỏ.
Còn nhớ khi chỉ là cô bé con 8 tuổi, tôi cùng những đứa trẻ nít ở làng đã phát hiện ra một chiếc bộng cá ngay dưới gốc của tán mù u, tán cây lá vối mọc ngay bờ khe.
Để hiểu về bộng cá thì phải kể đến nguồn gốc ra đời của những chiếc bộng. Làng tôi ao hồ dày đặc và có hệ thống khe xuyên suốt từ đầu đến cuối làng. Mùa hè, nước từ khe vẫn xâm xấp và luân chuyển dòng nước trong vắt đến từng nương vườn trong làng, tưới tẩm cho vườn chuối, vườn quýt, vườn cau ổi. Tới mùa đông, khe nước lại càng phát huy công năng khi trở thành dòng chảy thoát lũ, tránh ngập úng cho nhà cửa, vườn tược.
Theo dòng chảy ấy, cá tôm bao đời vẫn sinh sôi, nảy nở rất nhanh. Lũ trẻ nít ở làng chúng tôi vẫn thường câu cá trê, cá tràu, thia cờ, thia sặc từ những bờ khe này. Và cũng theo quy luật sinh tồn khắc nghiệt của tự nhiên, lũ cá tôm cũng tự tìm cho mình những nơi trú ẩn an toàn, từ đó, bộng cá đã ra đời.
Bộng cá là nơi trú ẩn của các loài cá từ cá rô, cá tràu đến cá trê. Thay vì lửng lơ theo dòng nước, chúng tìm thấy những khoảng không gian trống trong các hốc cây chìm bên hông của khe. Lâu dần, bộng cá đầy lên, đông nghẹt cá, chúng quẫy đuôi, chen chúc nhau trong không gian hẹp, tạo thành một hang ngầm dưới um tùm rễ cây, có khi sâu vào thành khe đến cả mét. Bởi thế, bộng cá chẳng có nhiều, và tìm được bộng cá cũng tương đương với gặp nhiều may mắn bởi chỉ cần thò tay khoắng là có thể bắt được cả xô cá to với hàng đủ loại cá khác nhau.
Lũ trẻ nít chúng tôi hò hét inh ỏi khi phát hiện ra bộng cá này. Nhưng vì toàn nhỏ con, tay bé và ngắn, những con rô, cá tràu đều lủi rất nhanh khỏi năm ngón tay bé tí. Thi thoảng, chúng còn giương vây, rạch những đường cắt sắc lẻm, rớm máu, làm cho tôi và lũ nhóc sợ xanh mặt.
Bởi thế khi ba tôi đi làm về, tôi đã nhảy cẫng lên vì mừng rỡ, hớn hở méc ba về cái bộng cá. Tưởng sẽ nhanh chóng thu được nhiều cá to, thế mà ba tôi cũng phải rất vất vả mới bắt hết được những con cá trê, cá rô, cá tràu béo múp.
Đã lâu lắm rồi từ cái thời bộng cá xuất hiện ở bờ khe làng tôi. Bởi thế khi về làng, tôi vẫn thường hoài niệm và thầm cảm ơn vì tuổi thơ của mình đã được trải qua rất nhiều kỷ niệm rộn ràng và háo hức ở làng. Bộng cá đã vào dĩ vãng, nhưng may mắn làm sao, vì làng tôi vẫn còn những tán cây mù u, dù thấp còi, nhỏ bé nhưng ít ra, chúng đã có thể vững chãi nghiêng mình soi bóng bên bờ khe nước róc rách chảy. Để biết đâu đấy, chỉ vài năm nữa thôi, chẳng những bóng cây, chúng còn có thể thả những cánh hoa trắng ngà, xinh xắn xuống dòng nước.