Sau những ngày lướt thướt mưa dầm, bầu trời mặc dù chưa cao hẳn nhưng cũng đã tạnh ráo. Nắng từ trên những tàng cây bắt đầu tràn về. Vài chú chim nhỏ bám đuôi nhau đậu xuống đám cỏ lòng tong hót chít chiu.
Sớm đầu tiên hửng nắng sau đợt mưa dài, mẹ bao giờ cũng đi chợ thật lâu. Khi trở về, trong chiếc giỏ nhựa cỡ đại, mẹ sắp ra bao nhiêu hàng quà, thịt, cá… Mẹ bảo, chỉ nốt hôm nay rảnh nên phải chuẩn bị thật nhiều đồ dự trữ. Từ ngày mai, cha bắt đầu ra đồng cày đất, mẹ ở nhà cũng lo giống má để sàng sảy, xếp đặt phần nào trồng đồng cạn, phần nào gieo ruộng sâu.
Năm nào, mùa làm đất cũng trùng với mùa cần thúc béo đàn vịt để kịp bán dịp Tết. Nên nếu người lớn vác cày bừa, phân bón, hạt giống ra đồng thì mấy đứa trẻ sẽ được phân công nhiệm vụ cầm theo những chiếc xô, lon sắt để nhặt trùn về cho vịt.
Trong số các mảnh ruộng, ruộng nhà tôi lúc nào cũng nhiều trùn nhất. Bề mặt ruộng sủi lên rất nhiều ùn đất nhỏ mà người dân địa phương hay gọi là mún trùn. Bên dưới lớp mún dày là hang hốc được họ nhà trùn chọn làm tổ ấm. Mỗi đường cày ấn sâu xuống, từng vồng đất mới lại cuộn lên, lộ ra cơ man là trùn to, trùn mén. Những đứa trẻ thi nhau nhặt lấy nhặt để cho vào xô, hũ, rồi lại thoăn thoắt chạy bám theo những đường cày kế tiếp.
Để có được những bữa no cho lũ vịt suốt ngày nhao nhao, ù ù cạc cạc đòi ăn ở nhà, từ mùa trước, ba đã dự liệu đâu vào đó. Khi thu hoạch lạc, ba sẽ dùng liềm xoẹt xoẹt, cắt lấy phần gốc rồi chất vào bao đưa về nhà, còn đâu phần cành và lá xanh rì ba đem rải lên bề mặt ruộng để lá cây hoai mục tự nhiên. Năm nào trồng khoai tía, khoai từ thì những dàn dây khoai dài loằng ngoằng cũng được ba hạ xuống, cho nằm sạp áp đất để làm nhà cho trùn như vậy.
Với ba, những mảnh ruộng tơi xốp do những chú trùn làm thợ cày chính là của để dành màu mỡ từ những người nông dân yêu ruộng nương, luôn lao động với tinh thần không bao giờ lãng phí dù chỉ một chiếc lá cây.
Những ngày nắng đông, mặt trời không gắt nhưng không khí khô hanh đã nhanh chóng hút đi những vũng nước nhỏ còn đọng lại trên mặt ruộng pha cát. Từ mảnh ruộng nào đó thật xa, xôn xao vọng đến âm thanh của một gia đình đông người đang cười đùa, trò chuyện với nhau. Hẳn câu chuyện mùa màng trong gia đình ấy cũng giống như gia đình tôi. Vì đồng gần nhà nên sau khi đem một can trùn đầy về rải đầy sân cho lũ vịt, những đứa trẻ chạy ngay trở lại ruộng để phụ mẹ nhặt cỏ, đập đất.
Mùa này, đất tơi và mềm, hiếm hoi lắm mới có vài cục đất còn nguyên tảng. Mẹ sẽ lấy chiếc đùi vồ đập thùm thụp vào cục đất vài ba nhát, đất vỡ ra, tràn vào mặt ruộng. Tôi vừa nhặt cỏ, vừa ngước mắt nhìn lên, cánh đồng, biền bãi lúc đó như đang nối quê hương rộng dài thêm ra trong màu nắng mới.
Khác với không khí làm đồng hối hả vì phải chạy đua cùng mặt trời vào dịp hè, mùa làm đất, gieo hạt những ngày trước tết thong dong hơn. Hầu như không ai tính ngày, tính buổi mà chỉ tính theo đầu việc. Trong tiết trời có nắng nhưng hơi se lạnh, mọi người thong thả xới xáo đất đai, rắc xuống những đường cày thẳng băng như đường chỉ kẻ từng hạt lạc giống đỏ hồng. Cuối ngày, toàn bộ cánh đồng được lấp đất mới, trải ra thành một mặt phẳng ngút ngàn đến nỗi không thấy được đường biên.
Chỉ một tháng nữa thôi, những mầm xanh sẽ nhú lên, tẻ làm đôi, làm ba rồi bung thành cành lá. Khoảnh khắc đó, dù không còn cùng chúng bạn đuổi theo những đường cày, nhưng vẫn sẽ nghe được đâu đó mùi thơm của những thớ đất đang vỡ ra. Đất vỡ ra nuôi lớn cỏ cây, vỡ ra để lại thêm một mùa trù mật, xanh rì.
DIỆU THÔNG