ClockThứ Hai, 28/01/2019 06:33

Mùa xuân kết nối yêu thương

TTH.VN - Giáp tết, Huế vẫn mưa. Những cây mai trước sân nhà đã trẩy lá chỉ còn trơ cành nhìn trơ khấc như cành khô nhưng tôi biết bên trong là sự ẩn nhẫn của một dòng nhựa sống để chờ nắng lên là bung hoa báo xuân về.

Những phần quà đến người nghèo dịp tết giúp cho mùa xuân của người nghèo thêm ấm áp. Ảnh: Phan Thành

Những chuyến hàng tặng quà tết cho người nghèo ngày càng nhiều  bất chấp những ngày qua, thời tiết Huế mưa dầm và lạnh buốt. Điện thoại của bạn từ xa gọi về nghe cả một trời thương “Gửi số tài khoản của “nàng” để tui góp thêm ủng hộ tặng bạn mù nghe. Lớp mình tổ chức tặng quà tết cho bạn mù ý nghĩa quá!”.

Cũng xin cảm ơn lớp trưởng - bây giờ đã làm ông ngoại - đã nghĩ ra một việc làm vừa gắn kết bạn bè vừa có ý nghĩa vô cùng. Chia tay mái trường THPT năm 1982, đến nay cũng đã tròn 37 năm, những buổi gặp mặt, chuyện trò rồi đi ăn chi đó hay đi uống cà phê hoài cũng đâm nhạt, nên đề xuất của lớp trưởng được mọi người hưởng ứng nhiệt tình. Và hai mùa xuân rồi, lớp đã đến với những người mù huyện Phú Vang. Đó đây còn bao nhiêu chuyến tặng quà thầm lặng như thế. Gọi điện thoại thăm bà cô ở Vỹ Dạ, giọng cô đầy trách nhiệm “U cha, mấy ngày ni cô bận lắm, đi suốt thôi, đi tặng quà cho bạn nghèo ăn Tết!”.

Cận Tết,  Huế vẫn mưa. Những cây mai trước sân nhà đã trẩy lá chỉ còn trơ cành nhìn trơ khấc như cành khô nhưng tôi biết bên trong là sự ẩn nhẫn của một dòng nhựa sống để chờ nắng lên là bung hoa báo xuân về.

Con người sống bao nhiêu tuổi thì gọi là già hay trở thành người mẫn tiệp. Con số chỉ tuổi tác gợi lên một “bầu trời” kinh nghiệm trong cuộc sống nhưng tình yêu thương thì khác, có bao nhiêu người không đợi phải “qua một lần mất mát mới thương người đơn độc” mà đôi khi tình yêu thương, lòng trắc ẩn đã được ươm mầm và nuôi dưỡng từ những câu chuyện kể trong gia đình. Tôi nghĩ đến điều này khi chứng kiến đợt tặng quà từ thiện “để bà con nghèo ăn tết” của gia đình một đôi vợ chồng nhà giáo đã nghỉ hưu ở thành phố Huế.

Cô giáo kể rằng cô học được bài học thương yêu người nghèo, giúp đỡ họ từ truyền thống gia đình mình. Rằng chiều 30 tết trong lễ cúng mời ông bà về ăn tết, trong khói hương nghi ngút cả gia đình quây quần bên ba mạ cô để nghe kể chuyện ngày xưa. Đó là chuyện tết đến bà nội để dành bánh mứt tặng bà con nghèo trong xóm, chuyện ông ngoại hết lòng lo cho dân nghèo, khi cáo quan về hưu dân làng đúc tượng bằng gốm thờ ở Vỹ Dạ, chuyện ba cô khi làm tri phủ huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình trong nạn đói năm 1945 đã đêm đêm cùng hai chú lính lệ ra ngồi ở vệ đường chờ các xe chở gạo từ miền Nam ra miền Bắc bán để xin mỗi xe một bao gạo cứu đói cho dân, rồi mạ cô và những người trong phủ đã dậy sớm mỗi ngày nấu cháo cứu dân. Chính bài học về tình người ấy đã theo cô suốt cuộc đời. Tôi nghe lòng mình ấm lại khi ngoài trời mưa Huế vẫn giăng giăng và giọng cô nhẹ nhàng “Vì thế tôi luôn dặn lòng sẽ cố gắng giúp đỡ người nghèo khi có thể. Mỗi độ tết về là có sự đóng góp của bạn bè và gia đình tôi thường tổ chức tặng quà cho người già cả, tàn tật và mù lòa với mong muốn đem lại cho họ một chút niềm vui trong những ngày giáp tết”. Ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng nhà giáo nghỉ hưu đã trở thành địa chỉ ấm áp trong những ngày giáp tết ở Huế từ trong nhiều năm qua với việc làm thiện nguyện này.

Ai có trồng hoa mới hiểu nỗi vất vả của nghề này. Trồng chơi chăm đã tốn bao nhiêu công sức mà trồng hoa để bán Tết càng cực gấp nhiều lần. Trời mưa, trời nắng gì lòng người cũng phập phồng. Hoa không nở, hoa nở sớm hay sâu nhiều cũng lo mất ăn mất ngủ. Không biết sao năm ấy tháng Chạp mà thời tiết Huế nóng bức, hoa cúc nở bung vàng rực, có một gia đình trẻ mới lập nghiệp ở Phú Vang nhìn hoa nở sớm mà ngồi khóc ròng rã, cả vườn hoa đến 28, 29 tết rồi mà chẳng bán được bao nhiêu, một thầy chùa làng động lòng từ tâm, kêu gọi mọi người “giải cứu” cho vườn cúc nở sớm của anh ấy. Thế là cuộc giải cứu thành công. Tết năm ấy, đi quanh làng chơi, nhà nào cũng ngập tràn sắc vàng hoa cúc. Một câu chuyện cổ tích với cái kết có hậu!

Cuộc sống như dòng chảy, càng về cuối năm càng gấp gáp, ai cũng mong đón mùa xuân mới trong sự ấm no, đoàn viên sum họp. Với những người nghèo, nhịp chảy càng vội vã hơn. Cầm trên tay tập tài liệu một cuộc họp ở tỉnh, dòng chữ “Không để người nghèo tụt lại đằng sau” của người đứng đầu tỉnh làm tôi bâng khuâng, ấm lòng. Bạn tôi đã từng triết lý giản đơn “Nhà nước có việc làm lớn của nhà nước, mình nhỏ có việc làm nhỏ của mình. Giúp người nghèo đừng chỉ nghĩ về vật chất mà còn có cái to tát hơn là giúp họ tự tin, biết rằng mọi người luôn đồng hành cùng mình để từ đó có nghị lực vươn lên thoát nghèo”, thế cho nên bạn đã nghe tặng tất chưa, ấm lắm! 50 đôi tất bạn gửi tặng người mù, đó là tình cảm, lời động viên thầm lặng, dẫu rằng sự no ấm trong cuộc mưu sinh của bạn cũng không dễ dàng gì mà có được.

Mùa xuân, đâu chỉ có hoa lá mới làm nên điều kỳ diệu, như một sớm mai ra vườn, nghe hương mộc thơm ngát trong sương, cây mai già khẳng khiu bỗng bừng lên mấy chùm hoa sắc vàng tươi tắn hay trước balcon, những bông hồng như hẹn cùng nhau nở bung, tỏa hương thơm nhẹ nhàng, mà mùa xuân còn làm nên điều kỳ diệu là kết nối mọi tấm lòng, kết nối yêu thương.

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chung tay vì người nghèo.

Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn TX. Hương Trà đã góp phần tích cực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Chung tay vì người nghèo
Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên
Nhiều cách làm để “Không ai bị bỏ lại phía sau”

Huy động đa dạng nguồn lực và tập trung hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ khó khăn theo phương châm “trao cần câu hơn xâu cá”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 ghi nhận những chuyển biến tích cực.

Nhiều cách làm để “Không ai bị bỏ lại phía sau”
Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo

Phát huy lợi thế kinh tế vườn và phát triển chăn nuôi, thời gian qua chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Thủy Biều (TP. Huế) đã huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cây, con giống cũng như bổ sung các tiêu chí thiếu hụt nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo

A Lưới từ lâu đã gắn liền với hình ảnh đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chăm chỉ làm ăn, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để tránh bão lũ, bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về tín dụng, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho người nghèo
Return to top