ClockThứ Sáu, 07/09/2018 12:45

Nghĩ khác về trường nghề

TTH - Khi sức hút đối với đại học giảm nhiệt, các trường nghề lại đang có thế mạnh “đầu ra” tốt, xã hội dần thay đổi cách nghĩ về học nghề.

Trường cao đẳng đào tạo... sơ cấp nghềTrường nghề hối hả tuyển sinh, ĐH vùng vất vả tuyển bổ sung

Trang thiết bị dạy học được cải tiến sát với thực tiễn là cách để các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo

Cách nghĩ khác

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm nay, Hoàng Trọng Hoành, học sinh Trường THPT Phú Bài lựa chọn thi chỉ để xét tốt nghiệp. Lường sức học, Hoành không chọn con đường vào đại học mà học nghề rồi đăng ký đi xuất khẩu lao động. “Năm học cuối cấp, từ sự tư vấn, hướng nghiệp của các thầy cô, em nhận ra rằng, đại học không phải là cánh cửa duy nhất mà còn rất nhiều sự lựa chọn khác phù hợp với năng lực của mình. Vì vậy, em lựa chọn thi tốt nghiệp sau đó nộp hồ sơ vào một trường nghề của tỉnh”, Hoành chia sẻ.

Lâu nay, tâm lý của nhiều phụ huynh đều hướng con mình vào đại học bằng mọi cách. Đây từng được xem là con đường duy nhất đưa các em đến thành công mà không quan tâm đến năng lực cũng như đầu ra, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Hậu quả là, hàng trăm ngàn lao động có bằng đại học thất nghiệp, khi “thầy” đông hơn “thợ”. Tâm lý trọng bằng đại học hơn học nghề khiến công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp khó khăn trong những năm trước đây.

Trước thực tế hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp, nhiều người đã thay đổi cách nghĩ. Chị Đoàn Thị Túy Tùng, phụ huynh của em Trọng Hoành, bộc bạch: “Trước đây, tôi bằng mọi cách đầu tư cho con vào đại học. Nhưng, cô con gái đầu tốt nghiệp Trường đại học Khoa học – Đại học Huế ra trường mấy năm nay vẫn chưa xin được việc làm nên tôi đã nghĩ khác. Bây giờ, học nghề ra xin việc dễ hơn, miễn con có tay nghề vững vàng, công việc ổn định thì tôi ủng hộ”.

Ông Nguyễn Văn Thoản, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, nhận thức của xã hội về giáo dục nghề thay đổi khi số sinh viên học đại học ra trường không có việc làm ngày càng tăng. Nhu cầu cần lao động trình độ cao của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không nhiều, đa số cần lao động sơ cấp, trung cấp.

Trường nghề hút thí sinh

Mấy năm nay, tuyển sinh hệ trung cấp của Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế luôn ổn định. Năm học này, trường tuyển sinh được 250 em hệ trung cấp. Theo ông Trần Nam Lực, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Thừa Thiên Huế, dù cơ hội vào học phổ thông dễ dàng hơn nhưng trường nghề vẫn tuyển được do số học sinh có học lực trung bình đã thay đổi cách nghĩ, chọn học trung cấp nghề để ra trường có việc làm ngay. Nếu trước đây, nhà trường chỉ tuyển được số học sinh bị các trường phổ thông “từ chối” thì bây giờ đã cạnh tranh được.

Năm học 2017 là năm đầu tiên Trường cao đẳng Công nghiệp Huế tổ chức thực hiện chương trình song song THPT 3 năm + trung cấp (Hệ trung cấp +). Trong năm học 2018, hệ trung cấp+ tiếp tục nhận được sự đón nhận của xã hội, nhiều học sinh đã đăng ký trực tiếp vào trường ngay sau khi học xong lớp 9. Phần lớn học sinh cho rằng, bản thân có đam mê kỹ thuật, các em sẽ đỡ mất thời gian để làm quen với nghề nếu như học hệ trung cấp+ tại Trường cao đẳng Công nghiệp Huế. Chỉ sau 3 năm học tương đương với học THPT thông thường, các em sẽ học tiếp cao đẳng chỉ với 2 năm.

Ông Đào Anh Quang, Phó phòng Đào tạo - Công tác sinh viên, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế cho hay: “Trong năm học này, nhà trường đã tuyển được 860 em, trong đó 320 em học hệ trung cấp+. Nhà trường vẫn giữ được quy mô tuyển sinh hệ cao đẳng ở mức đạt, được các cấp quản lý đánh giá cao. Với trên dưới 1.000 sinh viên nhập học mỗi năm, đầu ra từ nhà trường là một trong những nguồn nhân lực tốt cho thị trường việc làm không những trong tỉnh, miền Trung mà còn cho cả nước”.

Ông Trần Nam Lực cho hay, để thu hút thí sinh, ngoài việc khẳng định thương hiệu qua chất lượng đào tạo, ngay từ đầu năm, nhà trường đã phối hợp với các trường THCS tư vấn, hướng nghiệp để các em có định hướng nghề nghiệp cho tương lai, thậm chí về tận nhà để tư vấn cho học sinh, phụ huynh. Nhà trường cũng liên kết với các doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho các em đúng chuyên môn, lương ổn định sau khi ra trường.

Trường cao đẳng Công nghiệp Huế còn mở rộng mối quan hệ doanh nghiệp nhằm đưa doanh nghiệp đến gần hơn với quá trình đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường phát triển đối tác với nhiều doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài thông qua các dự án như KOSEN, IPP... Với việc chú trọng vào đầu ra là việc làm tốt, lương cao, quá trình đào tạo của nhà trường ngày càng đi vào thực chất, đây là điểm chính giúp cho uy tín của nhà trường ngày càng nâng cao.

Theo Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, sẽ tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Đây là cơ hội tốt cho các trường nghề.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuyển sinh Đại học 2024: 551.479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1

Tối 27/8, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung có 551.479 thí sinh xác nhận học/673.586 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,87%. Như vậy, có 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.

Tuyển sinh Đại học 2024 551 479 thí sinh xác nhận nhập học đợt 1
Vươn tầm Đại học Quốc gia

Vị trí, vai trò và tầm ảnh hưởng của Đại học Huế đang từng ngày được khẳng định, vươn tầm quốc gia.

Vươn tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top