Điều đầu tiên ông Đệ “khoe” khi gặp tôi không phải thành quả trong sản xuất chăn nuôi, mà chính là nhờ sản xuất chăn nuôi ông đã vận động được người con trai trưởng Lê Công Đức (đã có cuộc sống ổn định ở miền Bắc, nơi anh được sinh ra và lớn lên) để về làm giàu trên quê cha đất tổ. Ông vừa tếu táo, vừa tự hào: “Bao nhiêu năm trong chiến tranh tôi làm nhiệm vụ thu dung, chẳng lẽ hòa bình lại không thuyết phục được con cháu tìm về với cội nguồn”.
Ông Lê Đình Đệ với đàn gà của mình
Tham gia vào đội du kích địa phương từ năm 20 tuổi, một năm sau (1965) Lê Đình Đệ chính thức nhập ngũ và được bổ sung về Tiểu đoàn Đặc công quân khu Trị Thiên Huế đóng ở Phong Điền. Hai năm sau, trong lần tham gia chống càn, ông bị một mảnh bom xuyên từ phía trên mắt phải đến gáy. Ông tỉnh dậy sau 3 ngày mê man mới biết mình đang được đồng đội chăm sóc trong hầm bí mật. Vết thương quá nặng, điều kiện y tế trong chiến tranh thiếu thốn, dù ông đã được chuyển lên điều trị tại Trạm xá phía Bắc của quân khu nhưng tình hình không khá hơn. Cuối năm 1967, ông được giao liên cáng ra Bắc điều trị tại Đoàn 580 ở Duy Tiên, Hà Nam. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán, mảnh bom nằm cạnh dây thần kinh trung ương, nếu mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên ông đành sống cùng mảnh bom trong đầu với sức khỏe ngày càng đi xuống.
Để quên nỗi đau trong cơ thể, chiến sĩ Lê Đình Đệ hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và dồn sức lực làm tốt nhiệm vụ. Vết thương ổn định, anh nhận công tác tại Đoàn 808 thuộc Tổng Cục hậu cần làm nhiệm vụ thu dung. Trong một buổi văn nghệ kết tình quân dân với xã Đan Phượng (Hà Nội), người con gái xứ Bắc Nguyễn Thị Hiền đã đem lòng yêu anh thương binh có nhiều nghị lực ấy. Năm 1972, họ kết hôn sau 3 năm tìm hiểu. Hòa bình, bà cùng các con theo chồng về quê công tác. Nhưng chỉ được 3 năm thì vết thương tái phát, ông hoàn toàn mất khả năng nhận thức. Gia đình lại bồng bế nhau ra Bắc để điều trị cho ông tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Y học giai đoạn đó tiến bộ hơn nhiều so với thời chiến, sau một năm điều trị ông khỏi bệnh, nhưng bệnh viện quyết định giữ anh ở lại theo dõi điều trị nếu bệnh tái phát.
Đã một lần chấp nhận sống chung với mảnh đạn; sống nơi đất khách cũng vì vết thương, người con của Phú Vang - Lê Đình Đệ không ngày nào nguôi nghĩ về quê hương. Đến năm 2001, nhận thấy vết thương khá ổn định, các con cũng trưởng thành, ông quyết định cùng vợ trở về quê dù tuổi đã trung niên. Sau nhiều lần nghiên cứu, với điều kiện sức khỏe của bản thân và diện tích đất đai sẵn có của gia đình, ông Đệ bàn với vợ đầu tư nuôi gà. Ban đầu, họ đầu tư mua 500 gà giống. Vừa học hỏi qua sách vở, vừa nhờ các con nghiên cứu từ công nghệ thông tin để nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh… không lâu sau, gia đình ông Đệ có 2 trại gà nuôi theo mô hình gối đầu. Mỗi trại luôn có 3 lứa gà thay nhau cho thu hoạch; khoảng 1.500 con/lứa. Mỗi lứa gà thịt nuôi 4 tháng, bình quân mỗi năm, gia đình ông Đệ thu lãi được gần 200 triệu đồng. Ông cho biết: “Hồi mới nuôi, tôi cũng sợ rủi ro lắm, nào dịch bệnh, nào sợ không đủ sức. Nhưng càng làm càng thấy thú vị hơn là mệt mỏi. Bí quyết để ít xảy ra rủi ro chỉ đơn giản làm đúng các quy trình theo hướng dẫn của sách báo”.
Vẫn cảm xúc như lúc mới gặp, ông Đệ tâm sự trước khi chia tay tôi: “Ngày hai vợ chồng trở về quê, tôi buồn nhưng không dám nói vì các con đã ổn định ngoài Bắc. Nhờ thành công mô hình nuôi gà, tôi đã thuyết phục được con cả. Năm 2010, được đón gia đình con về với quê hương tôi thật không tả sao cho hết niềm vui lúc đó”. Anh Đức cười bẽn lẽn trước tâm sự của ba rồi thổ lộ: “Mơ ước của tôi là sớm cùng ba chuyển từ mô hình gia trại, sang trang trại để phát triển kinh tế. Mọi điều kiện đều tốt, chỉ còn thiếu quỹ đất”.
Năm 2014, ông Lê Đình Đệ được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tặng Bằng khen là người có công tiêu biểu khắc phục khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất. |
Bài, ảnh: PHƯỚC HƯƠNG