ClockThứ Hai, 14/12/2020 13:07

Người khuyết tật thiếu điểm tựa an sinh

TTH - Cứ nghĩ sức khỏe giảm sút, mức thu nhập thấp nên nhiều người khuyết tật (NKT) không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trong thời điểm dịch bệnh, họ trở nên yếu thế hơn khi không được đảm bảo các quyền lợi theo luật định.

Chia sẻ cùng người khuyết tật, yếu thế sau thiên taiHội Người mù tỉnh kỷ niệm ngày Quốc tế Người khuyết tật

 Người khuyết tật học nghề để kiếm việc làm, có thu nhập ổn định

Hai vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Nghĩa và chị Lê Thị Tú Anh đều khuyết tật vận động. Vợ ở nhà buôn bán nhỏ, còn chồng là công nhân ở một xưởng thủ công mỹ nghệ. Anh Nghĩa đi làm đã bảy năm nay, nhưng chỉ có mỗi tấm thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) do Nhà nước cấp. Hỏi lý do vì sao không tham gia BHXH, anh cười trừ, bảo rằng, có nghe qua nhưng lương tiền ít mà còn đóng khoản này, khoản nọ thì tiền đâu mà trang trải cuộc sống.

Mới đây, tại Huế, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức diễn đàn đối thoại về chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NKT. Nhiều địa phương chỉ ra rằng, phần lớn người khuyết tật có điều kiện kinh tế khó khăn, bấp bênh nên Nhà nước đã có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi. Thế nhưng, việc tiếp cận các chính sách an sinh xã hội như BHXH, BHYT vẫn khó khăn đối với NKT. Chỉ có 10,8% số NKT tham gia BHXH (trong đó 8,7% số NKT tham gia BHXH bắt buộc, 2,1% tham gia BHXH tự nguyện), còn gần 90% số NKT không tham gia BHXH, 31% không tham gia BHYT.

NKT đang “làm bữa mai, ăn bữa hôm” khi thiếu thông tin tìm kiếm, lựa chọn công việc phù hợp. Kênh tìm việc chủ yếu của họ đều thông qua giới thiệu của người thân, bạn bè. NKT khó tìm công ăn việc làm, lý do chính vẫn là những rào cản về nhận thức đối với họ. Dù không ít NKT đã nỗ lực vượt lên mọi khó khăn về khiếm khuyết của bản thân, trang bị cho mình vốn kiến thức và kỹ năng nhất định, song họ vẫn phải trăn trở với câu hỏi: Ai chấp nhận tuyển dụng NKT?

 Còn nhớ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, khá nhiều người khuyết tật làm các nghề giản đơn đã phải nghỉ việc. Bỗng dưng, tôi nhớ lại câu chuyện của Đông, nhân viên ở một doanh nghiệp chế biến thực phẩm mà chạnh lòng. Nhiều lao động trong doanh nghiệp trước khi nghỉ việc đều được nhận trợ cấp thất nghiệp từ 5 đến 7 triệu đồng để cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Còn Đông làm cũng gần chục năm, nhưng đến khi doanh nghiệp gặp khó Đông lại là người nghỉ việc đầu tiên và tất nhiên không được hưởng các chế độ. Đông cười buồn, không trách chủ được, do mình, sức khỏe yếu không làm đều nên lương tiền thấp, thỏa hiệp với chủ không đóng các loại hình bảo hiểm nên chừ ra nông nỗi… Nghe đâu cũng trong doanh nghiệp của Đông, cũng có một lao động nữ là NKT không tham gia BHXH nên khi sinh con lại không được các chế độ thai sản… Cứ cái đà này nhìn xa hơn nhiều NKT chưa tham gia BHXH sẽ thiếu chỗ dựa khi ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp hoặc khi về già không có lương hưu để làm điểm tựa an sinh.

Cũng tại diễn đàn, tôi nghe lời giãi bày của nhiều doanh nghiệp, NKT đi làm không đều nên thu nhập thấp, họ chỉ có nhu cầu có thẻ BHYT để đi khám bệnh, còn BHXH, BHTN hầu như chưa biết đến. Tôi vẫn hoài nghi về lý do “hầu bao” chật hẹp khiến lao động khuyết tật đứng ngoài hệ thống an sinh xã hội. Hình như, cả doanh nghiệp và lao động khuyết tật vẫn còn mơ hồ về chính sách này. Thế nên, họ cũng cần được nâng cao nhận thức về việc có quyền được bảo đảm an sinh xã hội thông qua chính sách BHXH và BHYT như tất cả những lao động bình thường khác.

Lao động khuyết tật vẫn chủ yếu làm nghề giản đơn và trong khu vực nông nghiệp (29,4%), một lĩnh vực có thu nhập thấp và điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác... Tôi nghĩ hoàn toàn khả thi khi thu nhập dẫu thấp nhưng họ vẫn tích lũy được một khoản tiền nho nhỏ để tham gia BHXH tự nguyện, có lương hưu khi về già. Vấn đề là ngành BHXH phải có cách thức vận động, phương thức đóng  hợp lý và kể cả hướng dẫn, hỗ trợ họ làm các thủ tục cần thiết, nhất là khuyết tật nặng.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024

Tối 22/11, Sở Du lịch tổ chức chương trình khai mạc “Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe (CSSK) - Wellness Tourism Weekend” năm 2024. Đây là sự kiện trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Festival Huế 2024.

Khai mạc tuần lễ du lịch chăm sóc sức khỏe năm 2024
Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top