ClockThứ Bảy, 10/08/2019 12:39

Người Lào & nhịp sống khoan thai

 

 

 

Bên ngoài trời khi phi cơ đáp xuống phi trường quốc tế Luang Prabang nắng 38 độ, chẳng thua gì miền Trung Việt Nam cùng thời điểm. Dù đã từng đến đây nhiều năm về trước, nhưng Luang Prabang vẫn có điều gì đó cuốn hút chúng tôi đến mê hoặc. Một thành phố nổi tiếng với chùa chiền, kiến trúc cổ nằm dọc theo dòng sông Mê Kông chở theo nguồn phù sa, tôm cá xuôi dòng về đất mẹ Việt Nam.

Một góc Luang Prabang nhìn từ trên cao
Bất cứ nơi đâu, bạn cũng có thể bắt gặp câu chào cửa miệng: “Sabaydee!” (Xin chào!) vô cùng thân thiện của những người Lào.
 

Trung tâm Luang Prabang hiện ra trước mắt chúng tôi sau chừng 10 phút trải nghiệm trên chiếc xe tuk tuk (một loại xe chở khách phổ biến ở Lào) với những cung đường dốc thoải, vừa đủ hai làn xe. Không đèn tín hiệu giao thông, hiếm khi nghe tiếng còi xe, chỉ có nụ cười thân thiện như tín hiệu rẽ lối, nhường đường của giới tài xế với nhau trên đường phố. Luang Prabang có nhịp sống khá chậm rãi, đến nỗi khi nhắc đến nhịp sống của thành phố bên dòng sông Mê Kông này ai cũng nghĩ đến câu: “Muốn nhanh thì phải từ từ”.

 

Du khách trả nghiệm Luang Prabang trên những chiếc xe tuk tuk
 
Không hối hả, người dân nơi này dù làm gì họ cũng quan niệm phải thật khoan thai để tận hưởng cuộc sống, cớ gì phải vội vàng. Sau nhiều năm quay trở lại, điểm đầu tiên mà chúng tôi tìm đến vẫn là tuyến đường nằm ngay trung tâm mang tên vị Quốc vương Lào Sisavangvong. Không phải vì con đường này có Bảo tàng Hoàng cung Quốc gia Lào, mà điều làm chúng tôi ấn tượng là những mái nhà hai tầng nằm san sát nhau tạo nên một không gian kiến trúc cổ kính. “Nó vẫn vậy thôi. Chả có gì thay đổi. Chúng tôi vẫn đang giữ nó từng ngày, như chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân mình” – anh Vang Thiêng – chủ một căn nhà cổ kính, nơi tôi từng có dịp tá túc vui mừng chào đón sự trở lại của người quen và nói với giọng tự hào khi được hỏi về những ngôi nhà ở đây.
 

Không gian khu phố cổ trên đường Sisavangvong với kiểu kiến trúc truyền thống hòa quyện với kiến trúc Pháp

Cũng như phố cổ Hội An, những tuyến phố cổ nằm ngay trung tâm Luang Prabang dù khác nhau về phong cách nhưng là điểm đến ấn tượng với du khách, đặc biệt là với những ai yêu thích kiến trúc. Càng về chiều, du khách đổ về đây nhiều hơn, họ rảo bộ, ngắm nhìn, chụp ảnh, và thi thoảng trầm trồ với vẻ đẹp không thể lẫn vào đâu được. Rất đông du khách quốc tế lưu trú ở cái thành phố nhỏ bé này, tha hồ khám phá không gian ẩm thực, luồn lách vào những khu mua sắm với đủ kiểu. Vì tính cách hiền hòa đã “ăn” vào con người Lào từ ngàn xưa, thành ra việc bán buôn ở đây cũng rất dễ chịu, bao giờ nụ cười vẫn thường trực trên môi như một lời tri ân với khách ghé qua.

Trời khuya, Luang Prabang đón từng ngọn gió của vùng núi non xua đi cái nóng của ban ngày. Và khi sáng sớm, những cơn mưa rào tưới mát cho thành phố tạo nên không gian mờ ảo được bao bọc bởi những dãy núi xung quanh.

 

Có một điều ấn tượng khác khi đến với kinh đô cũ của Vương quốc Triệu Voi, đó chính là sự tồn tại dày đặc của những ngôi chùa. Chùa ở đây được xây dựng một cách giản dị như chính tính cách của con người bản xứ. Nhìn khắp nơi từ trung tâm thành phố, trên đỉnh núi, hay bên triền sông… đâu đâu cũng thấy chùa. Không phải ai cũng có nhiều thời gian để khám phá hết những ngôi chùa ở đây. Với những thông tin đã được sàng lọc trước đó, chúng tôi cố thu xếp để viếng thăm một vài ngôi chùa nằm trong lịch trình định sẵn.

Luang Prabang nổi tiếng với các ngôi chùa có kiến trúc đẹp

 

Đi tu phổ biến ở Lào nói chung và Luang Prabang nói riêng

Chùa chiền ở đây mỗi ngày đón hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, lễ Phật. Từ ngôi chùa này có thể dạo bước sang các chùa khác một cách dễ dàng, với cự ly rất gần. Du khách có thể thấy được sự trang nghiêm với các đài tháp được xây vươn lên trời từ xa và ấn tượng màu tường được sơn son thếp vàng, mái ngói được lợp uốn lượn mềm mại. Trên mỗi bức tường, được trang trí các họa tiết tinh xảo, kể về những câu chuyện của nhà Phật bằng nghệ thuật ghép mảnh.

Đi cùng với không gian nhà chùa là hình ảnh của các nhà sư. Đi tu là một việc phổ biến ở Lào nói chung và Luang Prabang nói riêng. Có người sẽ trở thành nhà sư gắn đời mình nơi cửa thiền, nhưng cũng có người chỉ đi tu trong một thời gian nhất định, sau đó trở về lại cuộc sống đời thường. Bất cứ nơi đâu trên đường phố Luang Prabang mọi người cũng có thể bắt gặp các nhà sư. Cũng như cuộc sống của người dân, bạn có thể bắt gặp hình ảnh các nhà sư, tu sĩ trẻ tuổi quét chùa, tưới cây, trò chuyện...

 

Vì là vùng đất Cố đô yên bình, Luang Prabang được rất nhiều người ở các nước trên thế giới tìm về đây để sinh sống, lập nghiệp. Người Việt chiếm phần đông. Thi thoảng, giữa đám đông phố phường, hay những ngóc ngách của một xóm nhỏ nào đó, tiếng đối thoại của những người Việt rôm rả khiến chúng tôi ngỡ như mình đang ở ngay trên quê hương. Mưu sinh bằng rất nhiều nghề, nhưng người Việt mà chúng tôi gặp ở đây chủ yếu làm kinh doanh. Họ buôn bán đủ thứ hàng hóa như ở Việt Nam.

Chị Nguyễn Thu Mỹ, quê gốc Nghệ An, qua vùng đất này hơn 10 năm với nghề bán đồ mỹ nghệ vui vẻ bắt chuyện khi biết chúng tôi là người từ quê hương sang. Chị kể việc buôn bán ở đây vô cùng thuận lợi, ăn nên làm ra nên có ý định sẽ gắn cuộc đời mình cùng gia đình lại nơi này. Việc bán buôn ở đây của người Việt cũng “tuân theo” tính cách người Lào đó là chậm rãi, khoan thai. “Cái gì cũng vậy, phải nhẹ nhàng, từ từ thôi. Không vội được đâu. Nếu không tập theo quán tính đó sẽ rất khó sinh sống” – chị Mỹ lý giải.

Dòng Mê Kông êm đềm chảy qua trung tâm Luang Prabang

Đúng như vậy. Những ngày tìm vào quán ăn đã khiến chúng tôi vỡ lẽ. Dừng chân một quán ăn trưa bên sông Mê Kông, ngồi chờ rất lâu vẫn không thấy người phục vụ đến. Vì quá nóng lòng, khi chúng tôi vào gọi thì người phụ nữ tuổi trung niên đáp nhẹ: “Ngồi yên đó, cứ từ từ thôi”. Từ từ ở đây phải đến... 30 phút mới có thức ăn đưa ra tận bàn. Ngay cả khi ăn xong, kêu tính tiền, người chủ quán ấy vẫn phong thái thong dong, mất đến 10 phút mới chịu đến bàn thanh toán. Vậy mà nhìn quanh quán, khách rất đông, như rằng họ đã quá am tường lối sống của con người nơi chốn này: không gì phải vội. Mọi thứ cứ như thế, để rồi dần hình thành nên lối sống tối giản. Chậm nhưng hạnh phúc.

Hoàng hôn chiều từ từ lặn xuống núi bên kia dòng Mê Kông. Còn nhiều thứ ngỡ ngàng đang chờ lữ khách. Tạm biệt vùng đất lành với lối sống điệu nghệ, khoan thai...

Luang Prabang là Cố đô của Lan Xang - đất nước triệu voi - được thành lập bởi vua Fa Ngum năm 1353 và cũng là Cố đô của Lào từ 1353 – 1563, nơi ở của các vua Lào đến năm 1975. Quá trình phát triển có sự pha trộn giữa kiến trúc nông thôn và thành thị trong nhiều thế kỷ, trong đó có ảnh hưởng bởi kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc vào thế kỷ 19 và thế kỷ 20.

Hiện nay, Luang Prabang vẫn là trung tâm Phật giáo của Lào với rất nhiều đền chùa quan trọng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1995. Ngày nay, Luang Prabang trở thành một điểm đến hấp dẫn, ấn tượng nằm trong “bản đồ” của du khách quốc tế.

Chùa chiền là điểm đến gần như không thể bỏ qua với nhiều du khách khi đến với Cố đô của Lào

Nội dung: PHAN THÀNH - Ảnh: NHẬT MINH

Thiết kế: QUANG THIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng

Sau gần 5 năm triển khai và tạo hiệu ứng tích cực từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” trên địa bàn chợ Đông Ba, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba vinh dự là đơn vị điển hình tiêu biểu được thành phố tuyên dương trong phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” giai đoạn 2020 - 2024.

Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng
Sắt son nghĩa tình biên giới Việt - Lào

Trong khuôn khổ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2024), lực lượng quân đội, biên phòng Thừa Thiên Huế và các tỉnh Salavan, Sekong (Lào) đã có nhiều hoạt động ý nghĩa tại huyện biên giới A Lưới.

Sắt son nghĩa tình biên giới Việt - Lào
Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển

Chiều 28/11, tại tỉnh Xê Kông, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Xê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào tổ chức Hội đàm lần thứ XVIII năm 2024 với Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) 3 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển
49 học viên đến từ Lào được cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị

Ngày 15/11, Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh tổ chức lễ bế giảng và cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị cho 49 học viên Lào đến từ các tỉnh: Salavan, Sê Kông, Champasak, Savannakhet. Tham dự có ông Souphanh Hadaoheuang, Tổng Lãnh sự Lào tại Đà Nẵng; Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.

49 học viên đến từ Lào được cấp chứng chỉ Trung cấp lý luận chính trị

TIN MỚI

Return to top