Trao bò giống cho người nghèo ở các huyện miền núi
Xã Thượng Long có 220 hộ nghèo (chiếm 34,98%); trong đó, có 166 hộ nghèo do thu nhập thấp, 54 hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản và số còn lại là thiếu hụt về nhà ở, nước sạch và nhà vệ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói, nhưng chủ yếu vẫn là thiếu đất, thiếu vốn sản xuất. Người dân chưa biết cách làm ăn, kiến thức khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi hạn chế. Nhiều hộ nghèo vẫn theo tập quán canh tác cũ nên dù cật lực làm việc mà vẫn không đủ ăn. Bà Đoàn Thị Vung, ở thôn 6, cho biết: “Tôi có 5 người con, đứa nào cũng lấy chồng, lấy vợ sớm, lại không có nghề nghiệp ổn định. Chúng chỉ quanh quẩn làm nông, cạo mủ cao su nên cuộc sống khá bấp bênh. Tôi có vay vốn để nuôi heo, nhưng heo chết chừ chẳng có tiền mà trả cho Nhà nước”.
Tại hội nghị triển khai các hoạt động giúp đỡ xã Thượng Long, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông chỉ ra những nguyên nhân khiến người dân khó thoát nghèo. Một bộ phận người nghèo thiếu ý chí vươn lên, còn ỷ lại, chưa biết tích lũy. Họ không muốn khám bệnh vì sợ nằm viện tốt kém, nhưng hễ có đám cười thì kiểu gì cũng kiếm ra tiền để đi cho bằng được. Người nghèo cần phải thay đổi thói quen chi tiêu, đừng theo kiểu làm được bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu, thậm chí là tiêu thâm hụt số tiền làm ra. Bà con phải biết tiết kiệm, đầu tư vào kế hoạch sinh lợi, chỉ có như thế mới có cơ hội thoát nghèo được
Thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ biết cách làm ăn, từng bước cải thiện đời sống hướng đến thoát nghèo bền vững cũng chính là mục tiêu mà nhóm trợ giúp xã Thượng Long, gồm 3 cơ quan: Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Trường cao đẳng nghề 23 Bộ Quốc phòng cũng như 8 cơ quan của huyện Nam Đông được phân công hướng tới. Chương trình chính thức được khởi động với phương châm “Mô hình giảm nghèo do cấp xã làm chủ theo cơ chế trao quyền trọn gói” và theo hướng “chỉ cấp cần câu, không cho con cá” như trước đây. Các hoạt động trợ giúp được triển khai quyết liệt, cụ thể, không hình thức, không dàn trải. Ông Trần Văn Trĩ, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, cho hay: “Người dân phải thật sự chủ động và tự nguyện tham gia, lựa chọn, quyết định để có thể xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu của chính họ. Sản phẩm sản xuất ra phải mang tính chất hàng hóa nhiều hơn là mục đích tự cung, tự cấp, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với thị trường”.
Nhóm trợ giúp đã có phương án cụ thể, hỗ trợ 15 hộ nghèo vay vốn (10 triệu đồng/hộ nghèo) để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nâng cao thu nhập. Họ sẽ hoàn trả vốn trong vòng từ 2 đến 3 năm, sau đó, luân chuyển cho hộ nghèo khác có nhu cầu. Tuy nhiên, ưu tiên cho những hộ có chuồng trại nếu chăn nuôi; có đất sản xuất nếu hộ đó trồng trọt. 9 hộ nghèo nằm trong tiêu chí thiếu hụt nhà vệ sinh sẽ được hỗ trợ 70%, hộ nghèo đóng góp 30%. Các đơn vị vận động nhiều nguồn lực hỗ trợ “vốn khởi nghiệp” cho 5 lao động đang thiếu vốn kinh doanh.
Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, nhấn mạnh: “Các ngành sẽ tạo mọi điều kiện để tiếp sức cho người nghèo xã Thượng Long thoát nghèo bền vững. Chúng tôi sẽ tập huấn cách thức, phương thức tiết kiệm, chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày để người dân tích lũy vốn đầu tư vào các hoạt động sinh kế, cải thiện đời sống. Người nghèo được hướng dẫn cách thức chăn nuôi, sản xuất cụ thể theo phương pháp cầm tay chỉ việc. Người lao động có nhu cầu học nghề sẽ được tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm phù hợp. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền, quán triệt để người nghèo ý thức tự vươn lên, xóa bỏ thói quen lười biếng, thích hưởng thụ...
Từ những mô hình cụ thể, năm 2017 các ngành, địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 5%, tương ứng có từ 18 - 31 hộ thoát nghèo; trong đó, ưu tiên các hộ nghèo còn thiếu một số tiêu chí, có khả năng lao động và nhanh chóng thoát nghèo theo hướng bền vững trong thời gian ngắn hạn. Cuối năm 2020, các ngành, địa phương phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo tại xã Thượng Long giảm xuống còn dưới 20%.
Bài, ảnh: Huế Thu