ClockThứ Bảy, 20/06/2020 15:21

Nguy cơ đuối nước trẻ em khi tắm biển, sông đầm

TTH.VN - Sự chủ quan, lơ là trong quản lý của các bậc phụ huynh dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em trong lúc tắm sông, đầm phá, tắm biển và chơi cạnh hồ nước sâu.

Phụ huynh cần luôn theo kèm các em khi tắm biển

Mất an toàn

Trong lúc mải mê vui chơi với bạn bè, anh Nguyễn Nhuận ở thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong (TX. Hương Trà) để con bơi sông một mình, suýt bị đuối nước vào chiều 19/6. Rất may một người dân ở gần đó đã phát hiện kịp thời, nhanh chóng đưa vào bờ hô hấp nhân tạo. Cháu đã được cứu sống ngay sau đó.

Mùa hè oi bức cũng là lúc trẻ em ở các vùng sông nước như xã Hương Phong, Hương Vinh… thường ra bờ sông Hương, đầm phá để tắm, vui chơi. Hầu hết tại các khu vực sông, đầm phá này đều không có biển cảnh báo, quy định được phép hay không được phép tắm. Trẻ em đến đến đây cứ thản nhiên, vô tư tắm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Chị Trần Thị Trang ở thôn Vân Quật Đông lo lắng, nhiều người mải lo công việc làm ăn, đồng áng nên thiếu sự quan tâm để con cái tự ra sông, đầm phá tắm, vui chơi cùng bạn bè. Hầu hết các em đều còn nhỏ, chưa trang bị các kỹ năng bơi lội, bảo vệ an toàn trong lúc tắm. Trên địa bàn đã từng xảy ra một vài vụ đuối nước trẻ em thương tâm.

Ông Trần Viết Én, Chủ tịch UBND xã Hương Phong cảnh báo, các vùng sông, đầm phá trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với trẻ em khi tắm. Hằng năm, nhất là vào mùa hè, chính quyền địa phương đều tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với người dân trong việc quản lý, chăm sóc con em.

Vì tính chất công việc, nhiều phụ huynh thiếu sự quán xuyến, quản lý thường xuyên con em. Chính quyền địa phương cũng đã yêu cầu người dân ngoài quan tâm hơn, cần phải giáo dục, nhắc nhở, răn đe các em không tắm sông, biển, đầm phá một mình. Địa phương phối hợp với các trường học trên địa bàn có biện pháp quản lý, bảo vệ học sinh, tránh tình trạng sau giờ học, các em tự đi bơi, tắm sông, biển khi không có người lớn theo kèm.

Nhiều năm qua, thông qua các tổ chức, dự án, chính quyền địa phương và các trường học tổ chức các lớp bơi lội cho các em học sinh trên địa bàn. Bên cạnh phần lớn học sinh được trang bị kỹ năng bơi lội, xử lý các tình huống nguy hiểm, mất an toàn khi tắm sông, biển, đầm phá thì vẫn còn một bộ phận trẻ em chưa được tiếp cận các kỹ năng này.

Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thừa nhận, công tác quản lý trẻ em trên địa bàn vẫn còn bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tắm sông, đầm phá vào mùa hè. Nhiều người dân còn chủ quan, lơ là, thường để các em tự tắm sông, không có người lớn theo kèm, bảo vệ. Một số vụ đuối nước thương tâm đã từng xảy ra trên địa bàn.

Phụ huynh cần thường xuyên quan tâm, giám sát con cái

Ao hồ tiềm ẩn nguy cơ mất toàn toàn đối với trẻ em

Ông Phan Đăng Bảo cho rằng, không có biện pháp nào khác ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức các hộ dân cần chú tâm đến con cái. Các hộ phải tự giáo dục con cái có ý thức bảo vệ chính mình, không nên tự tắm sông, tắm biển khi không có phụ huynh bên cạnh. Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo, cắm biển báo tại một số nơi trên vùng đầm phá, các ao hồ có nguy cơ mất an toàn khi tắm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, thời gian qua, các địa phương, trường học trên địa bàn huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức và mức độ an toàn khi tham gia tắm biển, bơi lội tại các bãi biển, sông, hồ, đầm phá và các tình huống xử lý cứu nạn, cứu đuối và sơ cấp cứu khi xảy ra tai nạn cho học sinh.

Các ban ngành tuyên truyền, vận động các hộ gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa bão; phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh, trẻ em, người dân. Các địa phương triển khai cắm cờ, thả phao, cắm các biển báo, cảnh báo các khu vực nguy hiểm tại các bãi biển, sông, ao, hồ, đầm phá... tại những nơi người dân thường đến vui chơi, bơi lội.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có Công văn số 4640 /UBND-GD, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Các cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên ở các tiết học cuối, trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo học sinh không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Các em không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng.

Các trường học chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tại địa phương hướng dẫn các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian các em nghỉ hè. Các ban ngành kiểm tra, hướng dẫn công tác cứu nạn, cứu đuối, xử lý nghiêm các đơn vị quản lý, kinh doanh dịch vụ tại các bãi biển, sông, suối, hồ chứa chưa đảm bảo các thủ tục pháp lý; chưa có các thiết bị cảnh báo, biển báo, chưa bố trí lực lượng cứu hộ cứu đuối đảm bảo yêu cầu theo quy định…

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nguy cơ mất an toàn tại các "điểm đen" giao thông

Gần đây, hệ thống giao thông ở Phong Điền không ngừng được đầu tư, nâng cấp, kết nối thông suốt. Tuy nhiên, hiện tại các ngã ba, ngã tư ở các quốc lộ (QL), tỉnh lộ (TL)… qua địa bàn Phong Điền có nguy cơ thành “điểm đen”, mất an toàn giao thông (ATGT).

Nguy cơ mất an toàn tại các điểm đen giao thông
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top