Chị Lê Thị Thu Hương (bìa trái) tư vấn và giới thiệu các chính sách BHXH tự nguyện cho người dân thị trấn Sịa
Là công chức văn hóa - xã hội thị trấn Sịa, chị Lê Thị Thu Hương kiêm thêm vai trò nhân viên ĐLT UBND thị trấn Sịa. Nhằm đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến gần với người dân lao động trên địa bàn, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, chị phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, tư vấn trực tiếp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền qua các trang mạng xã hội, tích cực tuyên truyền qua trang zalo, facebook cá nhân, đăng tải những bài viết, hình ảnh, câu chuyện nhằm lan tỏa sâu rộng các thông điệp, ý nghĩa nhân văn, sâu sắc của chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến người dân.
Theo chị Hương, đời sống của người dân địa phương khá khó khăn do công việc không ổn định, chủ yếu làm nghề tự do, như buôn bán, thợ hồ, thợ may… nên gặp khó trong việc tích cóp tiền tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, với tinh thần “mỗi nhân viên ĐLT là một tuyên truyền viên”, đội ngũ nhân viên ĐLT phải phát huy vai trò và trách nhiệm của bản thân, phải có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, độc đáo để mang lại hiệu quả trong vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Ngoài kêu gọi, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện để sau này hưởng lương hưu, giảm áp lực cho gia đình và xã hội, lãnh đạo cũng như các nhân viên ĐLT ở thị trấn Sịa còn vận động các cán bộ hội, đoàn thể trong cơ quan đóng BHXH tự nguyện cho bố mẹ, vợ hoặc chồng từ các khoản tiền phụ cấp hằng tháng. “Qua nắm danh sách các cán bộ hội, đoàn thể và cựu chiến binh có khoản phụ cấp hằng tháng, mình đã gặp và vận động họ tham gia đóng BHXH tự nguyện cho người thân để sau này được hưởng các chính sách BHXH. Lúc đầu, nhiều người chưa đồng thuận vì chưa hiểu rõ lợi ích, dần dần cũng hiểu và tích cực tham gia, đồng thời còn kêu gọi bạn bè, người thân tham gia”, chị Hương giải thích.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa, ông Lê Văn Hiền cho rằng, xác định công tác truyền thông là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời là công tác an sinh xã hội tại địa phương nên đơn vị không ngừng đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức truyền thông nhằm thu hút ngày càng nhiều người tham gia BHXH tự nguyện. Để người dân lắng nghe và thấu hiểu, hoạt động truyền thông đã bám sát nội dung các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH tự nguyện; đưa các thông tin về chính sách BHXH tự nguyện đến với các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn.
Theo ông Hiền, phụ nữ được xem là “ví tiền” của gia đình nên trong các buổi tuyên truyền, các buổi sinh hoạt ở hội phụ nữ hay các câu lạc bộ, địa phương luôn lồng ghép tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện để chị em nắm bắt, lựa chọn tham gia đóng cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Khi tham gia họp ở các tổ dân phố, khu dân cư thì cũng tranh thủ giới thiệu về loại hình BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để người dân tin tưởng và tự nguyện tham gia.
Bài, ảnh: Ngọc Khánh