ClockThứ Ba, 28/04/2020 10:01

Những người thân quen

TTH - Chiều muộn. Bàn ăn kiểu dã chiến vì mọi thứ vẫn chưa được sắm sửa. Ly chén nhựa mua ngoài chợ vì ngại mượn của hàng xóm. Có lẽ vì rứa mà tiếng cụng bia không vui như thường khi. Mà tôi cũng không biết vì thế, hay lý do còn đến từ việc khác. Hôm nay cánh thợ mộc đã xong phần việc cuối cùng.

Thực ra thì chỉ có Trình là ở lại “chiến đấu” với công trình, sau khi thợ chính rời việc với lý do về dựng nhà cho con. Một anh thợ nữa, già hơn Trình đôi chút cũng đã thu xếp đồ nghề từ bữa nào và không nói lời chia tay với chủ. Chắc anh sợ bị giữ lại. Đôi khi đùa đôi chút về việc Trình và cả chúng tôi nữa, ăn ở thế nào mà bị bỏ rơi, nhưng điều làm tôi thấy thương, là biết hai thợ lớn tuổi hơn đã dành những phần việc còn lại cho Trình…

Đống tà vẹt hơn 150 cây nớ, hắn đi mô hết? – Trình nói, khi đèn đã sáng lên trong khu vườn bé xíu – Hôm sau tết lên làm lại, ba anh em lên nhìn và ngó ớn thiệt luôn. Rứa mà chừ không còn cây mô nữa cả. Ờ vô cả mấy chiếc giường, bàn, ghế, khung gương và cả sàn nhà, lan can, cầu thang… Em nói thiệt là lúc còn bề bộn cưa bào, thấy anh chị tha về thêm mấy chục cây, không nói chi nhưng em ớn! Nhưng giờ thì chấp luôn. Thiệt, chừ không ai hiểu tà vẹt bằng anh em tụi em mô…

Tôi nhìn ngôi nhà đã thành hình, chỉ cần quét thêm ít sơn và dọn dẹp lại là tươm tất, vừa thấy nhẹ người, lại vừa thấy bâng khuâng vì phải chia tay với 3 anh thợ mộc đã trở nên gần gũi trong suốt thời gian làm nhà.

Cái câu “gặp thợ, gặp thầy” có lẽ là cái duyên của cả hai trong trường hợp này. Tôi cứ nghĩ, nếu không phải là anh Lộc, Trình và anh Hòa, phần mộc trên công trình của chúng tôi sẽ trắc trở nhiều hơn. Tà vẹt là loại gỗ chịu đựng, quá rắn rỏi và không dễ cưa, bào, đục đẽo. (À mà tôi cũng gặp may khi 1 trong 2 xưởng cưa gần nhà đã “chịu” được vật liệu này, dù phải mấy lần thay lưỡi). Giờ thì mọi thứ đã đâu vào đấy, đúng như mong muốn của vợ chồng tôi, nhất là khi ý định dùng loại gỗ thân thiện, tái sinh và cơ bản là có mức giá dễ chịu của chúng tôi được sự chấp nhận của những người thợ chịu khó, tay nghề cao và chân tình.

Biết lực của chủ nhà, nên anh Lộc và Trình nữa đã tư vấn cho chúng tôi cách làm thế nào để tốn ít nhất, gỗ (cắt thêm) nào là phù hợp nhất và cưa như thế nào để lợi gỗ nhất. Vì thế nên phần phát sinh rất ít. Suốt trong thời gian thi công vừa nề vừa gỗ, 3 thợ mộc đã mặc nhiên làm luôn việc coi ngó công trình giúp chúng tôi khi bận bịu hàng ngày.

Mai mốt xong rồi, em sẽ trở lại một ngày nữa, coi có chi cần gia cố thêm nên anh chị cứ yên tâm – Trình nói. Anh Lộc hôm nay gác việc theo công trình của con gái để có mặt ở chỗ chúng tôi thì bảo, hôm nào đổ mê nhà con tui xong, mời anh chị ghé qua cho vui hỉ. Mà chừ thì khi mô có phương việc chi, anh chị cứ gọi, anh em chúng tôi sẽ thu xếp để giúp ngay. Mình thành chỗ thân quen rồi mà…

An Nhi

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bên trong Bệnh viện dã chiến Hương Sơ

Gọi điện thoại cho vị TS.BS. Giám đốc Bệnh viện dã chiến Hương Sơ xin được tạo điều kiện tác nghiệp, ông bảo: “Chủng Delta ni tuyệt đối không được chủ quan. Bệnh viện đang có gần 80 bệnh nhân rồi. Đội ngũ ở đây đây đã tiêm 2 mũi vắc xin nhưng “quân lệnh như sơn”, phải tuân thủ tuyệt đối an toàn phòng dịch. Đành hẹn dịp khác vậy…”

Bên trong Bệnh viện dã chiến Hương Sơ
Kích hoạt Bệnh viện dã chiến Chân Mây

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã kích hoạt Bệnh viện dã chiến Chân Mây để thu dung, chăm sóc, theo dõi và điều trị các trường hợp mắc COVID-19 mức độ không có triệu chứng, mức độ nhẹ, mức độ vừa.

Kích hoạt Bệnh viện dã chiến Chân Mây
Return to top