ClockThứ Tư, 16/03/2016 15:24

Những phụ nữ trên gác chắn

TTH - Công việc gác chắn đường sắt tưởng chừng rất đơn giản, nhưng lại vô cùng áp lực và khó khăn, đòi hỏi phải có sự cẩn trọng và linh hoạt để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ngờ xảy ra. Nhưng những “đóa hồng” trên gác chắn đường sắt vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.

Chị Huệ kéo chắn, giơ cờ để đón tàu

Không ít nhọc nhằn

Đang ăn dở bát cơm thì chuông điện thoại reo, sau khi nghe điện, chị Cao Thị Huệ (46 tuổi), nhân viên Công ty cổ phần quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đang làm nhiệm vụ tại gác chắn Âu Lạc (đường ngang Km 691 + 450) vội cầm cờ, còi để đón tàu. Có tín hiệu báo tàu tới, chị nhanh chóng kéo chắn để đảm bảo an toàn cho người đi đường và đoàn tàu được lưu thông thuận lợi.

Gần 12 năm gắn bó với công việc, từng làm việc ở nhiều gác chắn khác nhau, gặp muôn vàn tình huống trớ trêu, nhưng chị Huệ vẫn khó quên sự việc xảy ra khi chị vừa mới về nhận nhiệm vụ ở gác chắn Âu Lạc. “Hôm đó, mình làm ca tối, tầm 20h là kéo chắn đón tàu SE7 từ Hà Nội vào. Đang kéo chắn, một người đàn ông trung niên nồng nặc mùi bia rượu phi xe thẳng vào giữa đường ray. Mình yêu cầu người đó lùi xe lại để đảm bảo an toàn thì ngay lập tức phải nhận những lời lẽ thô tục. Biết là người không tỉnh táo, mình chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng cũng chẳng có tác dụng. Sau khi được sự trợ giúp của nhiều người đi đường mới đưa được người đàn ông ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đoàn tàu đi qua an toàn, tưởng mọi việc thế là xong. Nào ngờ, đến 1h khuya, mình đang ngồi ghi lịch trình tàu chạy thì có người ném đá vào trạm gác. Khi lực lượng dân phòng tới can thiệp mình mới được “giải nguy”. Hóa ra người đàn ông say rượu lúc tối quay lại... trả thù vì mình không cho vượt chắn. Thế đó, mình làm vì an toàn của họ mà họ xem mình như kẻ thù. Trực buổi tối tại chắn, việc nhân viên nữ bị các đối tượng say rượu hoặc các thành phần bất hảo quấy rối trêu chọc là không hiếm. Nhưng đó là đặc thù nghề nghiệp mà chúng tôi buộc phải quen và chấp nhận”, chị Huệ kể.

Công việc chính của những người gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Ngoài ra, người trực gác chắn có thêm nhiệm vụ như dọn cỏ, rác, bảo dưỡng đường ray và giàn chắn, đồng thời bảo trì đường sắt trong phạm vi 50m hai bên chắn. Nghe qua, tưởng chừng như công việc rất đơn giản, nhưng nhân viên gác chắn đường tàu phải chịu áp lực về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề. Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng, cứ làm 12 tiếng thì được nghỉ 24 tiếng. Mỗi tháng làm 10 ngày và 10 đêm, khi đã lên ban thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ.

Trung bình, mỗi ban các chị đón 15 chuyến tàu qua. Công việc càng thêm phần nhọc nhằn khi vào các dịp lễ, Tết tàu tăng chuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách. Vất vả, hiểm nguy là thế nhưng họ vẫn rất lạc quan, làm việc bằng tất cả nhiệt huyết, trách nhiệm và tình yêu đối với công việc mình đã lựa chọn.

Tàu qua an toàn là quên hết mệt nhọc

Khi phố lên đèn, mọi người trở về quây quần bên mâm cơm cùng gia đình thì cũng là lúc các chị bắt đầu ca làm việc buổi tối. Ca tối bắt đầu từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Vừa đón một đoàn tàu qua an toàn, chị Lê Thị Hoài và Phạm Thị Thu Phương, làm việc ở gác chắn Kim Long (đường ngang Km 687 + 150) thấy lòng nhẹ nhõm. Chị Hoài cho biết: “Đây là khu vực đông dân cư, lượng phương tiện lưu thông qua đoạn đường này rất lớn. Mỗi khi tàu sắp tới, chúng tôi kéo rào chắn nhưng nhiều người vẫn cố tình chui qua. Không những thế, khi tàu qua, kéo rào chắn vào hai bên đường là họ ùa nhau chạy xe. Bởi thế, lúc nào cũng phải căng mình, tập trung hết sức với nhiệm vụ”. Chưa xong câu chuyện, hai chị lại tất bật lấy còi, cờ để đón đoàn tàu kế tiếp. Giữa đông đúc xe cộ đang di chuyển, chị Phương phải vất vả lắm mới kéo được chắn. Một thanh niên cố tình vượt lên trước, suýt nữa tông vào chị. Khi tàu đã qua, chị Phương chia sẻ: “Những trường hợp như vừa rồi là không hiếm gặp, ai cũng muốn đi nhanh hơn một vài giây mà không quan tâm đến những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân và những người xung quanh”.

Vì phải làm việc 12 tiếng liên tục trong ngày, nhất là những ca làm đêm, thời gian các chị dành cho chồng con bị hạn chế. “Mỗi nghề đều có một đặc thù riêng. Con hai tuổi là phải đi trực đêm rồi, nếu không được chồng; gia đình hai bên nội, ngoại hiểu và thông cảm, giúp mình chăm sóc con nhỏ thì khó mà làm tốt công việc được”, chị Hoài tâm sự.

Dù nắng gắt, hay những đêm mưa phùn lạnh buốt, những nữ gác chắn đường tàu vẫn âm thầm, lặng lẽ với công việc của mình. Mong muốn lớn nhất của các chị đơn giản chỉ là mọi người có ý thức hơn, nghiêm túc chấp hành luật giao thông, đừng cố tình vượt chắn… để các chị hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo an toàn đường sắt. Với các chị, mỗi khi đoàn tàu đi qua an toàn là quên đi hết mọi mệt nhọc, áp lực trong công việc.

Chị Trần Thị Xuân Thúy, Trưởng ban Nữ công Công ty cổ phần quản lý đường sắt Bình Trị Thiên cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 31 nữ công nhân đảm nhận nhiệm vụ gác chắn đường ngang. Trong đó, nhiều trạm gác do các chị em quản lý. Không những các chị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình mà còn tích cực tham gia các phng trào của công ty, xứng đáng với danh hiệu “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế
Return to top