ClockThứ Tư, 15/02/2023 05:56

Những quyển lưu bút của ông Đài

TTH - Không chỉ dừng lại là quyển lưu bút ghi lại cảm nhận của du khách khi đến trải nghiệm dịch vụ, mà đó còn là cơ sở để ông Đài giáo dục giá trị truyền thống gia đình cho con cháu của mình.

Du khách viết lưu bút vào quyển nhật ký thứ 3 của ông Đài

Mỗi du khách là một chia sẻ

Nhà vườn Hồ Xuân Đài (thường gọi là nhà vườn Xuân Đài) được biết đến khoảng 6-7 năm nay và hiện đang là nhà vườn thu hút nhiều du khách nhất, không chỉ ở Thủy Biều (TP. Huế) mà tất cả các nhà vườn có khai thác du lịch trong toàn tỉnh. Thời điểm hiện tại, ngày nào nhà vườn cũng rôm rả tiếng nói chuyện của du khách. Khách của nhà vườn rất đa dạng, từ khách châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, châu Á, cho đến khắp mọi miền trong cả nước.

Thời điểm du lịch còn gặp khó bởi dịch bệnh, nhà vườn Xuân Đài vẫn duy trì được nguồn khách nhất định. Đến nay, nhà vườn Xuân Đài trở thành điểm đến không thể bỏ qua của các city tour được tổ chức.

Chủ nhà vườn Hồ Xuân Đài được biết đến là người có những cách làm hay trong khai thác du lịch, dù chỉ là dân “tay ngang”, không phải chuyên về du lịch. Ông đã biết chủ động kết nối được với các doanh nghiệp du lịch để tạo nguồn khách ổn định, "biến" các thành viên trong gia đình thành chủ thể sản phẩm của du lịch nhà vườn. Chính ông và các thành viên trong nhà kiêm luôn hướng dẫn viên, nấu các món ăn dân dã, nhân viên phục vụ và đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách khi đến với nhà vườn…

Trong những cách làm có tính sáng tạo, tiên phong của ông Hồ Xuân Đài, phải kể đến quyển lưu bút dày cộm luôn được ông để ở vị trí quan trọng nhất trong gian nhà dùng để tiếp đón du khách. Mỗi đoàn khách, dù nhiều hay ít đều được ông nhờ ghi những cảm nhận, chia sẻ cảm xúc, kể cả đánh giá dịch vụ vào quyển lưu bút.

Đầu năm mới, du khách Hồ Quỳnh Phương, TP. Hồ Chí Minh đến tham quan nhà vườn Xuân Đài và chia sẻ trong lưu bút: “Sau nhiều năm trở lại thăm lại Huế. Ghé thăm nhà vườn Xuân Đài cảm thấy rất hạnh phúc, vui vẻ vì được sống lại cảm giác trở lại với nhà ông ngoại trước đây, với sân vườn rộng, nhiều cây trái trong vườn; đặc biệt là thưởng thức những món ăn rất ngon, dân dã như sống lại với tuổi thơ. Cả gia đình sẽ sớm quay lại để được sống lại với ký ức đẹp đẽ này”.

Nhóm du khách Trần Huy Lượng viết vào sổ lưu bút, đầu năm đến nhà vườn Xuân Đài (mùng 4 tết), chúng tôi cảm nhận sự trân quý của chủ ngôi nhà, sự yên bình và đẹp đẽ của nơi này. Các món ăn rất ngon và đong đầy hương vị tình yêu thương. Cảm ơn gia chủ đã đón tiếp thân tình và chu đáo.

Lần giở quyển lưu bút của ông, có rất nhiều kiểu chữ, gần như tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đã được lưu lại trong quyển lưu bút của ông Đài. Mỗi trang là những chia sẻ, cảm nhận, đánh giá và cả những lời cảm ơn của du khách khi đến và trải nghiệm được những dịch vụ do gia đình ông phục vụ.

Cách làm du lịch hay

Ông Hồ Xuân Đài cho biết, mỗi đoàn khách đến, gia đình đều mong muốn khách chia sẻ, cảm nhận thật lòng. Những chia sẻ đó là cơ sở để gia đình thay đổi một số dịch vụ mà theo du khách là chưa tốt. Hay bổ sung thêm một số dịch vụ mà khách thấy còn thiếu. Hay có những điều chỉnh khác để khi khách đến nhà vườn Xuân Đài sẽ là một trải nghiệm trọn vẹn, ý nghĩa nhất có thể.

Nhưng qua hàng ngàn chia sẻ của du khách đến với nhà vườn, thật bất ngờ khi không hề có một chia sẻ nào là chê bai, hay góp ý nào đó về thay đổi các dịch vụ của nhà vườn Xuân Đài, mà chỉ là những lời chia sẻ về sự hài lòng khi trải nghiệm dịch vụ.

Qua lời trò chuyện với ông Đài, thật bất ngờ hơn khi mục đích ông làm các quyển lưu bút là từ những chia sẻ, cảm nhận của du khách, như là lời nhắc nhở, giáo dục cho con cháu sau này về những truyền thống của gia đình. “Những gì mà gia đình đang cố gắng gìn giữ và mang những nét truyền thống đó giới thiệu đến bạn bè khắp nơi thì thế hệ sau nhìn vào đó để học hỏi và noi theo. Những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ không bị mất đi mà được gìn giữ mãi khi nào các quyển lưu bút vẫn còn tồn tại”, ông Đài chia sẻ.

Một mục đích khác có tính thực tiễn hơn nữa từ những dòng lưu bút của du khách là giúp gia đình ông Đài xác định lượng khách đến trong ngày, trong tuần, trong tháng và trong năm. Đó là số liệu thống kê chính xác nhất về lượng khách đã đến, những xu hướng mới, để cho gia đình biết được khách sẽ đến nhiều khi nào, cần những dịch vụ gì để có những thay đổi về dịch vụ cho phù hợp.

Đến nay, trong tủ kính của gia đình ông Đài đã cất giữ 2 quyển lưu bút của du khách và một quyển đang được sử dụng ở những trang cuối cùng. Mỗi quyển ước lượng khoảng 1.000 trang giấy. Có lẽ chính việc làm du lịch một cách sáng tạo mà thật nghiêm túc này đã giúp gia đình ông Đài đang “sống tốt” với việc phục vụ khách du lịch, như đúng lời ông đã bộc bạch.

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho rằng, cách làm du lịch của ông Đài là một mô hình du lịch nhà vườn cần được quảng bá, nhân rộng hơn nữa. Chính gia đình ông vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm khiến các giá trị, dịch vụ mà gia đình ông mang lại đã thỏa mãn nhu cầu, đi vào trái tim của mỗi du khách. Các điểm đến khác có thể học hỏi chứ không đi đâu xa xôi.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top