Hiện, các bác sĩ đang cố gắng điều trị, duy trì sức khỏe và sự sống cho em, nhưng phải thực hiện một cuộc đại phẫu thuật, nếu không sự nguy hiểm đến tính mạng cứ treo lơ lửng bất cứ lúc nào. Ngặt nỗi, bố mẹ em làm ruộng, làm thuê. Bố em cũng bị bệnh hiểm nghèo mấy năm nay, nên nhà nghèo lắm. Nếu không có sự giúp đỡ, em sẽ không có cơ hội… Chỉ là người dưng, nhưng chị cứ “nặng lòng” với số phận kém may mắn của cô bé. Vừa được ra viện, chị tìm đến đây để nhờ...
Tại phòng bệnh của bệnh viện, cô bé nằm trên chiếc giường kê phía trong. Cùng mang căn bệnh nặng, những bệnh nhân khác nhau về độ tuổi, giới tính, nhưng gương mặt ai nấy đều đau đớn mệt mỏi, cơ thể gầy yếu xác xơ. Có cảm tưởng, bận gồng mình lên để chống chọi, cầm cự với đau đớn đang dày vò, chẳng ai còn hơi sức đâu để tâm đến người bên cạnh. Vậy mà khi biết chúng tôi tìm đến lấy thông tin, viết bài về hoàn cảnh của cô bé, để kêu gọi sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những tấm lòng nhân ái, mắt của các cô, chú, anh, chị bệnh nhân trong phòng chợt ánh lên mừng rỡ.
Bệnh nhân nữ đang nằm giường bệnh đối diện giường cô bé, gượng ngồi dậy để chừa ra một khoảng trống, nhiệt tình mời chúng tôi ngồi xuống, không quên gửi gắm: “Giúp cho bé với. Được chừng mô tốt chừng đó. Cố gắng nhé!...” Những bệnh nhân khác, người nở nụ cười, người gật gật đầu đồng tình với sự gửi gắm của chị bệnh nhân. Có nghĩa, đó cũng là tấm lòng của họ.
Mẹ của cô bé rơm rớm nước mắt cảm động. Chị kể, từ hôm con gái chị vào viện đến giờ, gia đình có những lúc không có tiền đóng các khoản chi phí. Các cô, chú, anh, chị trong phòng bệnh đây và cả các phòng bên cạnh nữa, dù không ruột rà, dù cũng rất khó khăn, nhưng vẫn bỏ tiền gom góp để giúp đỡ. Những tấm lòng đó là liều thuốc quý để con gái chị chống chọi lại bệnh tật hiểm nghèo.
Lòng rưng rưng, tôi thầm cảm ơn những con người dù cơ thể đang bệnh tật, nhưng lại mang trái tim đầy yêu thương, nhân hậu, ấm áp, biết nghĩ, biết trăn trở nặng lòng với nỗi đau của người khác. Đó là những ngọn lửa thắp lên niềm hy vọng vào những điều tốt đẹp, diệu kỳ...
Quỳnh Anh