Người giúp việc trong nước cũng cần được học giáo dục định hướng như đi xuất khẩu lao động
Kiếm tiền triệu nếu chịu khó
Chị Nguyễn Thị Gái ở phường Phước Vĩnh (TP. Huế) đi chợ nấu ăn cho một gia đình ở đường Phan Bội Châu. Buổi chiều, chị dọn dẹp nhà cửa cho một gia đình khác, tối có người cần thuê làm việc nhà tầm hai tiếng chị cũng không từ chối. Tất bật cả ngày, chị có khoản thu nhập trên 300.000 đồng. Chị Gái chia sẻ: “Công việc không quá phức tạp và có thể linh động thời gian để tranh thủ về nấu cơm, đưa đón con đi học. Muốn có công việc ổn định, lâu dài, tôi phải chịu khó, không nề hà việc nặng nhọc và gia chủ thích nhất là tính thật thà”.
Giá cả cho dịch vụ này cũng phải chăng, dao động từ 100.000 – 300.000 đồng cho 1 ngày, tùy theo khối lượng công việc. Nếu làm cả tháng thì ít nhất thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Chị Thu Hà (trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế) chia sẻ: “Khi con bắt đầu đi học, tôi tìm đến Trung tâm Dịch vụ và giới thiệu việc làm để tìm người giúp việc. Lao động được trung tâm quản lý, đầy đủ hồ sơ, có nhân thân tốt, đảm bảo người giúp việc có thể thực hiện đúng những cam kết trong hợp đồng”.
Ông Phan Văn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp thông tin thị trường lao động thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho hay: “Nhu cầu làm nghề giúp việc gia đình rất nhiều, nhưng chúng tôi ưu tiên lao động có sức khỏe, hiểu biết, kỹ năng cơ bản về công việc để sàng lọc lại, lựa chọn những người phù hợp nhất với công việc. Đa số lao động qua đào tạo đáp ứng được yêu cầu công việc tốt, song tâm lý sẵn sàng “nhảy việc” vẫn chưa được khắc phục. Năm nay, có trên 200 người đăng ký làm giúp việc gia đình tại trung tâm nhưng chỉ có hơn phân nửa đủ điều kiện ký hợp đồng. Có người làm nghề giúp việc trên ba năm, không nhảy việc, không bỏ việc giữa chừng nên được gia chủ quý mến. Trong vòng 3 năm, có người giúp việc có sổ tiết kiện trên 200 triệu đồng”.
Cần được giáo dục định hướng
Giúp việc gia đình được pháp luật công nhận là nghề chuyên nghiệp và có chính sách bảo hộ, nên người lao động có quyền lợi và nghĩa vụ tương tự như các nghề khác. Công việc giúp việc gia đình không quá khó, nhưng đòi hỏi người lao động phải tổng hợp nhiều kỹ năng từ làm những công việc nhà, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người bệnh đến khả năng giao tiếp, ứng xử, kiến thức pháp luật... Nhiều gia chủ vẫn phàn nàn khi người giúp việc thiếu kỹ năng ứng xử, kỹ năng sử dụng thiết bị sinh hoạt (như máy giặt, lò vi sóng…). Người sử dụng lao động chủ yếu ở thành phố còn người lao động xuất phát từ nông thôn chiếm đa phần, nên rất khó tìm điểm chung. Sự khác biệt này dẫn đến nhiều chuyện "dở khóc, dở cười" khiến công việc đôi khi không ổn định.
Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho hay: “Để giúp việc gia đình là một nghề có thu nhập ổn định với mức lương hấp dẫn hơn, trung tâm sẽ có những lớp đào tạo kỹ năng, hướng dẫn người giúp việc sử dụng các máy móc trong gia đình để họ tự tin trong công việc".
Dù công việc này bình đẳng như các nghề khác, nhưng đến nay nhận thức của xã hội vẫn chưa đầy đủ. Người sử dụng lao động ít quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động, nên công việc này vẫn mang tính chất mùa vụ, thiếu chuyên nghiệp. Đa số lao động giúp việc gia đình chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội. Khi xảy ra tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, các cơ quan chức năng thiếu căn cứ để giải quyết.
Nếu đã xem giúp việc là một nghề chính thức thì cần có khung chương trình đào tạo thống nhất, để đưa vào giảng dạy tại các trường nghề hoặc các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm để lao động giúp việc được hưởng lợi mà quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này cũng dễ dàng hơn.
Bài, ảnh: Phước Ly