ClockChủ Nhật, 11/06/2023 07:45

Nức lòng vải trạng, ân điển vua ban

TTH - Vải tiến cung xưa ngày nay vẫn sinh trưởng tốt và đang mùa rộ quả, điểm tô cảnh sắc chốn Hoàng cung. Ngoài ra, giống vải trạng vua ban cho tân khoa, hoàng thất, quan lại truyền về phủ đệ bên ngoài cũng cho loại quả thơm ngon, ngọt lành không kém…
leftcenterrightdel
 Những gốc vải trăm năm tuổi điểm thêm cảnh sắc Hoàng cung trong ngày nắng

“Lấp lánh ngàn vân áo đỏ vàng”

Cây hắc lệ chi tại phủ Mỹ Hóa Công trên đường Phan Chu Trinh có tuổi đời gần 130 năm. Đây được xem là cây hắc lệ chi lâu đời ở Huế. Anh Định Phước, hậu duệ đời thứ 9 ở phủ này cho hay: “Tương truyền, ngài được vua ban quả quý và lấy hạt về trồng từ đó. Trước đây, phủ có 3 gốc vải, qua thời gian, 2 cây bị sâu bệnh và gãy do bão, nay chỉ còn 1 gốc nằm cạnh cửa phủ. Cây cho trái hàng năm. Hắc lệ chi là danh xưng mỹ miều, vì loại vải này cơm dày mọng nước, bên trong hạt đen tựa mắt người đang khóc”.

Giống vải ở phủ Mỹ Hóa Công ra quả thuôn dài, khi chín màu đỏ tía. Mùa hè tầm tháng 5 trở đi, nhìn từ phía sông An Cựu, cây đỏ rực đung đưa trong gió thu hút ánh nhìn người qua đường. Nhìn những quả vải, tôi lại liên tưởng đến câu thơ “Hồng hồng một hạt nhân tươi thắm/ Lấp lánh ngàn vân áo đỏ vàng” (Phạm Đức Quang) miêu tả từ trong ra ngoài quả vải. Chỉ nghe thôi mà thấy thị giác, vị giác như được đánh thức chực chờ.

leftcenterrightdel
 Thu hoạch quả từ gốc vải lâu năm

Năm nay, cây vải phủ Mỹ Hóa Công được gần 2 tạ quả, nhiều hơn so với năm trước. Thời điểm thu hái, rất nhiều người tìm đến chờ mua song quả không đủ để bán. Chủ nhân phủ chủ yếu phục vụ việc thờ cúng trong nhà và để dành cho bạn bè, người thân thưởng thức.

Nhiều người ở Huế từng truyền tai về gốc vải gần 200 năm tuổi tại phủ An Thường công chúa trên đường Nguyễn Công Trứ - bà chúa thứ tư của vua Minh Mạng. Quả vải ở đây thuôn tròn, tỏa sắc tía ngọt thơm lạ kỳ. Ngày kỵ của bà, hậu duệ thường hái vải dâng cúng bà chúa và cùng nhau thưởng lộc tổ tiên để lại cho cháu con.

Hầu hết các gốc vải ở Huế đều có tuổi đời lâu năm, phần lớn xuất phát từ giống vải trạng vua ban. Hiện ở một số nhà vườn khu vực Thành Nội, Kim Long, Vỹ Dạ… còn nhiều gốc vải trên dưới trăm tuổi. Do nằm trong hệ thống vườn tạp, vừa làm cảnh vừa tạo bóng mát nên hầu như chúng ít được chăm bón, tưới tắm. Vì vậy, cây cho quả không đều hoặc năm được mùa, năm mất mùa.

leftcenterrightdel
 Phân loại vải sau khi thu hái tại nhà vườn Huế

Ông Lê Thanh Dân, 63 tuổi người nhỏ con song lại lanh lẹ lạ thường. Ông theo nghề trèo cây cao hái quả cùng cha từ thuở nhỏ đến nay gần 50 năm. Mùa này, ông trèo hái những gốc vải cao niên cho nhiều nhà, tiền công kiếm được bạc triệu mỗi ngày. Không cần nhiều dụng cụ hỗ trợ, tay không ông thoăn thoắt di chuyển từ nhánh này sang nhánh khác vin cành, bẻ trái rồi thả vào chiếc giỏ dòng dây thả xuống bên dưới.

Những người phụ ông Dân tước lá gom quả tạo thành chùm bàn giao cho chủ nhà hoặc bán chia theo tỷ lệ thỏa thuận. Ông Dân cho rằng, vải và nhãn là hai loại trái ngon ở Huế trồng nhiều ở các nhà xưa. “Có lẽ giống cây tinh tuyển cùng thời tiết ở Huế cho ra hương vị quả ngon, thơm không kém chi “quê gốc” của chúng ngoài Bắc”, ông Dân nhận định. Tùy chất lượng quả, vải Huế ở nhà vườn được bán giá từ 30.000-50.000 đồng/kg, song sức mua khá mạnh vì là đặc sản nức tiếng chỉ người sành ăn mới biết. Nhiều khách mua biếu người thân hoặc gửi đi làm quà ở ngoại tỉnh khoe thứ quả ngon lành hiếm có chốn kinh kỳ.

Anh Dương Văn Lợi, một người chuyên hái vải, nhãn khác cũng khẳng định chất lượng quả vải xứ Huế. “Điểm đặc biệt là quả vải ở Huế không bị sâu đầu cuống như nơi khác. Phần lớn là cây lớn tuổi, vỏ mỏng, hạt nhỏ hoặc tiêu hạt. Vị quả ngọt thơm đậm đà. Có khi giá bán đắt hơn vải vùng khác đưa vào, song ai cũng muốn mua vải Huế vì cây ni ở xứ mình đậu quả tự nhiên, sạch đúng nghĩa”, anh Lợi chia sẻ.

Ăn quả ngọt, nhớ tiền nhân

Sử sách ghi lại, dưới triều Nguyễn, loại vải ngon nhất từ miền Bắc được cung tiến hàng năm. Nhà vua ban lộc cho các tân khoa với 3 quả vải xem như là biệt ân. Hạt vải được mang về gieo trồng rồi cho ra thứ quả thơm ngon gọi là vải trạng. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, vải tiến cung ngoài dành dâng cúng trong các miếu điện, tôn lăng, một số ít được ban cho con cháu, quan lại nên giống vải được truyền trồng ra ngoài.

leftcenterrightdel
 Phân loại vải ở một phủ đệ

Theo Phòng Cảnh quan môi trường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dựa trên bài “Lệ chi dĩ tử ký sự” thì loại cây này trồng ở di tích có tuổi đời khoảng 200 năm. Quả thường chín và cho thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch.

Dưới thời Minh Mạng, vải quý được trồng nhiều trong cung, trở thành nguồn giống cho nhiều vườn phủ bên ngoài. Sử chép năm 1840, vua ngự vườn Thiệu Phương: "…cho triệu hoàng tử và các quan vào chầu; sai hái vải và pha trà cho uống, rồi làm một bài thơ, sai sao ra cấp cho mọi người để ghi việc vua tôi tương đắc". Từ đó, những quả vải được chủ nhân mang về cho các vườn phủ ươm trồng, sinh sôi thêm.

Tại Đại Nội, giống vải tiến cung có khoảng 120 cây ở Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh... Vào mùa hè, hàng vải chín đỏ, góp phần tô điểm thêm cho hệ thống cung điện vàng son. Những người gắn bó lâu năm ở di tích cho hay, một vài gốc vải ở đây cho quả rất ngon, hạt chỉ bằng hạt đậu xanh, ăn vào ai nấy đều nức lòng.

Mùa quả chín, chim chóc kéo về ríu rít, du khách ngắm nhìn ai cũng trầm trồ. Có người may mắn được thưởng quả đều tấm tắc khen lấy, khen để. Họ ước giá như quả vải ở chốn cung cấm trở thành một thương hiệu như trà, như rượu để có thể thưởng thức chút hương vị tựa như “ân điển” vua ban thuở xưa. Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, mùa quả chín có thể làm những sét quà nhỏ gắn QR code thông tin về vải Đại Nội cho du khách mua có giới hạn để làm quà. Trái cây này cũng có thể là quà đối ngoại trong những dịp giao lưu văn hóa, khoe thứ quả quý còn được giữ gìn, phát triển ở chốn Hoàng cung. Đó cũng là cách quảng bá thêm cho những sản phẩm liên quan đến di sản Huế.

Vải nằm trong 9 loài trái quý được nhà vua cho khắc lên Cửu đỉnh với danh xưng lệ chi. Hình tượng cây vải nằm trên Huyền đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên phải tượng trưng cho sự huyền kỳ. Theo người xưa, quả lệ chi có vỏ như nhiễu đỏ, da mỏng như lụa tím, thịt trắng sáng như băng tuyết, nước ngọt hơi chua như cơm rượu. Nếu rời cành một ngày thì đổi sắc, hai ngày thì đổi hương, ba ngày thì đổi vị (có thể bị thối).

Mùa này nếu đặt chân đến Đại Nội, có thể ngắm những hàng lệ chi trĩu cành khoe sắc trong nắng hạ và chụp những bức ảnh đẹp. Đứng giữa đền đài cổ kính ngước nhìn nhành quả tỏa sắc tía trong tán lá xanh, có lẽ ai cũng ước được một lần thưởng thức giống vải trạng lừng danh xứ Huế chứ không chỉ ngắm rồi tấm tắc như thi nhân: “Ai nhân ra giống vải thiều/ Vòm xanh lấp ló bao nhiêu má hồng (Nguyễn Duy).

Bài: Tuệ Ninh - Ảnh: Bảo Minh - Tuệ Ninh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ai còn lồng nhãn nữa không?

Trả lời cho câu hỏi này của tôi, nhiều chủ vườn có nhãn ở Kim Long đều lắc đầu. Một nhà ba đời chuyên hái buôn trái cây vườn Huế cũng tiếc rẻ, bởi “cầu” không có nên “cung” ắt đứt đoạn. Ấy là bởi có nhiều nguyên nhân khiến trái nhãn lồng xứ Huế ngày càng hiếm dần…

Ai còn lồng nhãn nữa không
Return to top