Giọng cô giáo chủ nhiệm của con nhẹ nhàng trong điện thoại:
- Chị ơi, chị có tặng cu Tí quà Noel gì không ạ?
- Không có em! Mấy hôm nay chị có nghe con hỏi chuyện ông già Noel và làm thế nào để được ông ấy tặng quà nên chị đã giải thích, con cũng đã hiểu”.
Giọng cô giáo vẫn ấm: “Dạ, em hiểu. Nhưng hôm qua, trong lớp có một số bạn được ông già Noel đến tận lớp tặng quà. Các bạn ấy thì rất vui trong khi những bạn còn lại thì ngơ ngác thấy thương lắm. Lúc đó, em liền chữa cháy bằng cách giải thích nếu các con chăm ngoan và viết thư cho ông già Noel thì các con cũng được nhận quà…”.
Kết quả, cô giáo nhận được rất nhiều thư, trong đó có cả cu Tí. Cậu ta nắn nót: “Kính gửi ông già Noel! Cháu rất ngoan, nghe lời cô giáo ở trường và ba mẹ ở nhà. Cháu đã biết giúp mẹ chơi với em khi mẹ nấu cơm. Cháu rất muốn có một chiếc xe điều khiển từ xa, nhưng mẹ cháu nói cháu phải đợi đến cuối năm học mới nhận được. Nếu ông tặng bạn cháu rồi, thì ông có thể tặng cháu với được không? Cháu hứa, khi nhận quà rồi, cháu vẫn nghe lời cô giáo, nghe lời ba mẹ và không giành đồ chơi, đồ ăn với em nữa…”. Và kể từ lúc bức thư ấy nằm gọn trên bàn cô giáo, cậu bé ấy và nhiều bạn nữa chắc chắn rằng ông già Noel cũng thấy được nên ngồi học mà cứ thấp thỏm không yên, mắt nhìn nhiều ra cửa sổ. Thương những dòng chữ của trò, cô giáo đành gọi mẹ.
Gần đây, nhiều phụ huynh ở khu vực tôi sinh sống đã tân thời tiếp cận với dịch vụ tặng quà cho con tại trường nhân dịp Noel. Thực tế, nếu quà đúng ý thích và ba mẹ đảm bảo được yếu tố bất ngờ thì việc tặng ở trường hay ở nhà đều giống nhau. Chỉ khác là đối với nhiều bé nhạy cảm, thấy bạn được quà còn mình lại không thì nảy sinh tâm tư, phát sinh những cảm xúc đối lập. Như cậu bé của tôi, sau một ngày gửi thư đi mà vẫn không thấy bóng dáng của ông già Noel đâu, lại bày tỏ với cô giáo: “Chắc là ông già Noel thiên vị. Trong số các bạn được nhận quà hôm qua, vẫn có bạn chưa ngoan, chưa làm hết bài tập ở nhà. Còn cháu thì vẫn rất ngoan”.
Không muốn con thất vọng nên cuối cùng, giữa rất nhiều loại ô tô, tàu lửa, máy bay đồ chơi đã có, con trai lại có thêm một chiếc điều khiển từ xa rất oách như đã miêu tả với ông già Noel. Cậu ân cần thủ thỉ với em trai: “Em chơi thôi, đừng phá mà hư hí. Ông già Noel phải mất công tìm kiệt nhà mình lâu lắm mới tặng anh em mình được đó”.
Bài viết nhỏ này trước mùa Noel, hy vọng các mẹ phần nào cảm nhận được nỗi niềm của những đứa trẻ không được nhận quà. Chỉ nên tặng quà cho con yêu ở nhà, đừng bày vẽ chi ở trường, vừa tốn tiền dịch vụ vừa ảnh hưởng đến các bé khác.
ĐỒNG VĂN