Ông Việt thường lái máy cày đi cày ruộng giúp những hộ khó khăn trong, ngoài thôn
Ngôi nhà vắng lặng khiến chúng tôi phải “đánh tiếng”. Người phụ nữ dân tộc Cơ Tu đang bận lúi húi với khoảnh vườn phía sau nở nụ cười chân chất, bảo chồng bà không mấy lúc ở nhà. Ông thường “vòng vòng” việc thôn, rồi lại giúp cho gia đình nào cần giúp…
“Muốn dân nghe phải làm tốt”
Hơn 20 năm trước, người dân thôn Mu Nú -Tà Rá (trước đây là thôn Mu Nú) ở làng cũ giáp tỉnh Quảng Nam. Đến mùa, họ phát rừng, chặt cây to để đốt, trỉa. Sau vụ lúa, người dân bỏ rẫy cũ, tìm nơi đất mới lặp lại việc chặt, đốt... Tập tục sản xuất này khiến rừng bị phá hủy nghiêm trọng. Là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh (CCB), được chính quyền xã, huyện cho đi tham quan, học tập những mô hình sản xuất hiệu quả, bảo vệ môi trường ở các địa phương khác, ông Việt bắt đầu suy nghĩ rất nhiều, ngấm cái “đau” khi rừng bị chặt phá và trở thành vùng đất “hoang phế” sau mỗi mùa lúa.
Năm 1996, nghe theo vận động của chính quyền, người dân thôn Mu Nú di dời ra vùng đất mới bây giờ. Nung nấu phải thuyết phục bà con không phá rừng nữa, bỏ tập tục du canh phát, đốt, cuốc, trỉa để định canh, định cư, an cư lạc nghiệp, ông Việt đi xem xét chọn chỗ nào có suối, có nước. Ông bắt đầu khai hoang, cuốc đất, bón lót, sạ lúa… Thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, 4 sào ruộng của gia đình ông thu hoạch được 2 tấn lúa. Năng suất gần gấp đôi so với trước đây lên rẫy trỉa lúa, bỏ mặc cho trời, không phân bón, không chăm sóc. Ấn tượng hơn, trên diện tích ruộng đó, ông Việt trồng được 2 vụ lúa, thay vì trỉa 1 vụ mỗi năm như trước đây. Kết quả này còn hơn trăm ngàn lời nói. Vậy nên sau cuộc họp thôn, 90% người dân vui vẻ học và làm theo. Không chỉ sản xuất lúa 2 vụ, dân thôn còn học cách trồng, chăm sóc bắp, đậu, hoa màu…, cuộc sống dần ổn định.
Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Mu Nú - Tà Rá trải lòng, muốn nói để bà con nghe, trước tiên phải làm được, làm tốt. Đặc biệt nếu làm bất kỳ điều gì cho bà con thì phải hết lòng. Năm 2003, khi Nhà nước có chính sách cho dân vay vốn để trồng rừng, ông Việt mạnh dạn bỏ trồng sắn, dứa lâu nay canh tác trên 10 ha đất khai hoang chuyển qua trồng cao su, keo. Vụ thu hoạch đầu tiên mang về cho gia đình ông Việt 200 triệu đồng tiền lãi. Vụ tiếp theo thu lãi 600 triệu đồng, ông Việt bắt đầu sắm một loạt 4 chiếc máy cày, 1 máy xát lúa cùng một số máy móc phục vụ sản xuất. Gia đình nào có điều kiện thì đến thuê máy móc của nhà ông để cày ruộng, phun thuốc… Những gia đình khó khăn hoặc neo người, lớn tuổi, ốm đau bệnh tật, không kể trong thôn hay thôn khác, ông Việt sẵn lòng đưa máy đến, tận tình cày ruộng giúp.
Tin, mến
Xúc động của ông Lê Văn Bóc, người đàn ông góa vợ, đau ốm triền miên, ngày một đầy hơn trong lòng mỗi khi nhận sự sẻ chia của già làng Nguyễn Văn Việt, từ việc lớn như giúp cày ruộng đến các chi tiết nhỏ nhặt trong mỗi ngày thường. Ông Bóc bày tỏ tình cảm “nặng lòng” với những giúp đỡ đó, nhưng già làng Nguyễn Văn Việt lại nói “nhẹ tênh”: “Khả năng mình giúp được cho ai điều gì thì mình giúp. Ông ấy neo đơn, lại hay đau ốm, khi thiếu gạo thì mình “sẻ” gạo, thiếu tiền mình “sẻ” tiền. Mình ăn gì “sẻ” cho ông ấy thứ ấy thôi mà”.
Không chỉ hết lòng với những hoàn cảnh trong thôn, ông Việt còn lái máy cày đến những thôn khác để cày giúp những hộ khó khăn. Ông A Suốt (thôn Nghĩa), ông Nguyễn Văn Nga (thôn Giông), ông Trần Văn Ki (thôn A Rí)…, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chung nỗi xúc động, tin mến dành cho vị già làng thôn Mu Nú - Tà Rá hết lòng vì người khác.
Ông Nguyễn Văn Việt được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; được Hội CCB Việt Nam tặng 8 chữ vàng danh dự “Trọn nghĩa nước non, thắm tình đồng đội” và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
|
Vinh dự nhiều lần cùng đoàn cán bộ, Nhân dân huyện A Lưới đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tham dự các hoạt động tái hiện những nét văn hóa truyền thống, ông Việt trăn trở “câu chuyện” làm nhà văn hóa truyền thống của các dân tộc, để gìn giữ, tôn vinh và cũng là điểm tựa tinh thần của bản làng. Thôn Mu Nú - Tà Rà cần dựng nhà Gươl, bảo tồn nhà văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, để con cháu sau này không quên. Sau cuộc họp và có sự thống nhất giữa già làng, người cao tuổi, các đoàn thể trong thôn, thôn Mu Nú - Tà Rá tổ chức họp dân và nhận được sự đồng lòng, nhất trí của tất cả 108 hộ.
Ông Nguyễn Văn Xi Poóp, một người dân trong thôn kể: “Thôn thống nhất mỗi hộ chỉ đóng góp 10 nghìn đồng. Là người đầu tiên đóng góp, ông Việt góp 5 triệu đồng để đổ đất làm nền nhà. 18 người trong Hội CCB, mỗi người góp 100 nghìn đồng. Thấy thế nên nhiều gia đình khác tự nguyện đóng góp theo khả năng, hơn mức đã thống nhất. Góp sức thì ai nấy đều hết lòng như nhau. Đàn ông, trai tráng hay người có kinh nghiệm chia nhau vào rừng tìm cây mây về chẻ làm dây buộc, tìm lá tro lợp mái. Gỗ là cây keo đủ tuổi mua từ vườn của dân. Ông Việt nói, tuyệt đối không vào rừng chặt cây. Khởi công ngày 29/5, dự tính đến 15/7 này sẽ hoàn thành. Dân thôn Mu Nú - Tà Rá ai cũng mong đến ngày xây dựng xong, nhà Gươl “nên hồn, nên vía””.
“Là người có uy tín, ông Việt góp công rất nhiều trong vận động các gia đình, ngăn ngừa tình trạng tảo hôn hoặc hòa giải những gia đình có tranh chấp về đất đai. Nhiều chủ trương, chính sách UBND xã triển khai, nhờ có ông Việt nói, dân nghe và thực hiện nghiêm túc…”, ông Trịnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Nguyên cho hay.
Bài, ảnh: Quỳnh Anh