Chùa Phổ Quang, nơi lưu dấu nhiều danh nhân
Chùa Phổ Quang nằm cách đường Phan Bội Châu (kiệt 85) khoảng 50m, song song với đường sắt, lặng lẽ giữa đám cổ thụ già. Từ cửa tam quan rêu phong qua khuôn viên sân để vào chánh điện đều rợp bóng cây, không gian tĩch mịch ở đây khiến cuộc sống xô bồ như bị lùi xa.
Theo văn bia cạnh tam quan và khẩu truyền, chùa Phổ Quang tồn tại được ít nhất 400 năm, hữu duyên với một số nhân vật như cung tần Tống Thị Thuận, công chúa Nghĩa Hoà, hoàng hậu Lệ Thiên Anh, đề đốc Tôn Thất Đính… Đặc biệt, chí sĩ Phan Bội Châu, nữ sử Đạm Phương, học giả Trần Văn Giáp, nhà báo Phạm Quỳnh, nhà văn Khái Hưng và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... cũng nhiều lần đến và quy y tại đây.
Những tư liệu trên văn bia là một phần khá xác thực về lịch sử của Phổ Quang tự, nhưng bên cạnh nhưng tư liệu nhuốm màu truyền thuyết là những tư liệu rất mới về chí sĩ Phan Bội Châu, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự tích “ông già Bến Ngự” từng trú tại đây được ghi rất rõ ràng, sau khi bị thực dân Pháp bắt tại Trung Quốc, đưa về Hà Nội xử chung thân khổ sai, đoạn tha bổng nhưng buộc “an trí” tại Huế. Nghe lời bàn của Võ Liêm Sơn (1888 – 1949, là quan triều Nguyễn, nhà giáo, nhà văn, nhà cách mạng), Trần Đình Nam (1896 – 1974, là bác sĩ y khoa, chính khách Việt Nam)..., trụ trì chùa Phổ Quang thời ấy là thầy Thích Tịnh Minh đã đồng ý để chí sĩ họ Phan tạm trú trong chùa (từ tháng 6 năm 1926 đến tháng 1 năm 1927).
Trong nửa năm này, biệt danh“ông già Bến Ngự” đã xuất hiện và thu hút đông người thường xuyên lui tới – từ các thành viên trong chính quyền “bảo hộ” của Pháp, đến đông đảo đồng bào Việt Nam yêu nước. Cũng tại nhà khách nơi đây, ngay từ tháng 6/1926, dưới sự cố vấn của Phan Bội Châu, một đoàn thể mang tên Nữ Công Học Hội xuất hiện do Đạm Phương nữ sử (tức Công Nữ Đồng Canh, vợ của ông Nguyễn Khoa Tùng, mẹ nhà báo Hải Triều) làm hội trưởng…
Trang trọng trên bàn thờ linh tại hậu tổ của chùa hiện nay là di ảnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng song thân của ông được đặt ở vị trí trung tâm. Được biết sinh thời, gia đình họ Trịnh đều quy y tại chùa Phổ Quang và được thờ phụng sau khi mất. Cố nhạc sĩ sinh thời từng nhắc đến việc “Gia đình mình theo đạo Phật, bản thân mình là phật tử, quy y ở chùa Phổ Quang với pháp danh Nguyên Thọ”, pháp danh của nhạc sĩ họ Trịnh cùng chín người còn lại trong gia đình đều do chính Hoà thượng Thích Chánh Pháp chùa Phổ Quang đặt.
Sau khi Hoà thượng Thích Huệ Ấn trụ trì chùa viên tịch (năm 2019), Phổ Quang tự càng vắng lặng hơn. Thầy Tín Thọ trị sự chùa hiện nay cho biết, những du khách tới viếng chùa ngoài lễ Phật thường rất hứng thú với tư liệu về các danh nhân từng lui tới chùa khi sinh thời.
Quả thật, được vãn cảnh, lắng nghe câu chuyện tiền nhân và thắp một nén nhang cho người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh, nghe âm hưởng của thời gian qua từng nét rêu mờ dưới gốc cổ thụ, bạn sẽ thấy thời gian như chậm lại. Cuộc sống sẽ không dồn dập hối thúc mà trôi qua êm đềm hơn với những bất ngờ thú vị quanh ta.
Bài, ảnh: Phạm Phước Châu