|
Chăm chút cho từng quả mãng cầu |
Trang trại của anh Mỹ nằm bên con đường nhỏ gần chùa Huyền Không Sơn Thượng. Đang còn phân vân không biết đã đến đúng địa chỉ chưa, chúng tôi chợt nhìn thấy một tấm biển gỗ khá lạ và xinh xắn “Quang Mỹ Garden” đầu con đường đồi cong cong uốn lượn xanh mát dẫn vào trang trại.
Thu nhập cao
Ông chủ trang trại có khuôn mặt thật hiền dẫn chúng tôi đi thăm vườn mãng cầu 2 năm tuổi. Cả một khu vườn với 250 gốc mãng cầu quả lúc lỉu trên cây nhìn thật thích mắt. Anh Mỹ cho hay: “Mang ý nghĩa cầu chúc những điều tốt lành, bình yên, sức khỏe và thịnh vượng, mãng cầu là loại quả đầu tiên được nhiều người chọn để chưng vào mâm ngũ quả ngày tết, nên mình tập trung nhiều nhất cho loại quả này trong trang trại”.
“Mãng cầu Đài Loan và Thái quả đẹp và có vị ngọt thanh, mãng cầu ta thì ngọt nhiều mà không thanh. Nếu không có hai đợt mưa lớn vừa rồi thì mỗi cây phải đậu tới 40 quả, giờ thì mỗi cây chỉ còn 5-7 quả. Mãng cầu Thái khoảng 3 quả/ký, mãng cầu Đài Loan quả rất to chỉ 2 quả/ký và mãng cầu ta nhỏ hơn tầm 5-6 quả. Trung bình một cây mãng cầu cho thu hoạch 20 ký sau 3 - 4 năm trồng, 1 ký bán được 100.000 đồng, vị chi một cây cũng cho thu nhập 2 triệu rồi”, anh Mỹ nhẩm tính.
Nghe thì hấp dẫn vậy nhưng để trồng được mãng cầu trái vụ, theo anh Mỹ người trồng phải đầu tư nhiều và có kỹ thuật rất cao hay nói cách khác là bí quyết riêng. Chẳng hạn như dùng hoa của mãng cầu ta để thụ phấn cho mãng cầu Đài Loan để rút ngắn thời gian thu hoạch từ 6 tháng xuống 5 tháng. Thời tiết ở Huế lại thất thường, do vậy để làm trái cây nghịch vụ đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm thực tế trên vùng đất đồi nếu không rất dễ thất bại.
|
Cổng vào trang trại Quang Mỹ Garden |
Robinson… trên đồi
Là người Huế vào đất Sài Gòn lập nghiệp, anh Nguyễn Quang Mỹ đã có 10 năm làm trong ngành bảo vệ thực vật với vai trò hướng dẫn bà con nông dân ở khu vực miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên và cả ở miền Bắc về kỹ thuật xử lý cây ăn trái ra hoa nghịch vụ - loại trái cây luôn bán được giá rất cao và đem lại thu nhập đáng kể cho người nông dân. Vậy mà đùng một cái, năm 2019, anh Mỹ quyết định về Huế khởi nghiệp.
Anh mua 1,8ha đất đồi trồng cây keo tràm ở Hương Hồ (thị xã Hương Trà). Đất đồi Hương Hồ vốn kém màu mỡ, không thích hợp để trồng cây ăn quả, nhưng điều đó không hề làm khó ông chủ trang trại liều lĩnh này. Anh trấn an vợ: “5 năm đầu sẽ vất vả nhưng sang năm thứ sáu sẽ ổn định và có thu nhập cao”. Với vốn kinh nghiệm 10 năm tư vấn kỹ thuật trồng cây ăn quả trái vụ, anh Mỹ không hề sợ hãi khi quyết định lập trang trại trên vùng đồi và tin tưởng mình nhất định sẽ thành công.
Kế hoạch cải tạo đất được anh thực hiện ngay sau đó bằng cách bỏ phân bò và trồng cỏ đậu để tăng lượng đạm và cố định đạm trong đất. Anh còn trồng cỏ Vetiver cộng sinh với cây ăn trái trong trang trại. “Vetiver là loại cỏ vừa giúp che nắng, giữ ẩm vừa tạo độ xốp và lượng màu cho đất. Hằng năm mình thu hoạch 20-30 tấn cỏ đậu và Vetiver, đây là lượng hữu cơ khá tốt cho đất và giảm chi phí trong nông nghiệp thay vì phải bổ sung phân chuồng”, chỉ tay vào những thân cỏ Vetiver khô rải đầy dưới gốc cây mãng cầu, anh Mỹ nói trong sự ngạc nhiên của chúng tôi về tác dụng tuyệt vời của loại cỏ này.
Không chỉ có mãng cầu, hiện trang trại trên đồi của anh Mỹ đã trồng thành công bưởi da xanh, mít Thái, mít ruột đỏ, nhãn tím và một số loại quả khác. Chủ yếu trồng cây ăn trái ngoại nhập giống từ Đài Loan, Thái Lan, Úc, Nam Phi,… nhưng anh Mỹ vẫn giữ và trồng một số loại cây bản địa như cam Hoàng Diệu, thanh trà, chanh giấy Huế để vừa có thu nhập vừa giữ lại những giống cây bản địa của Huế. Anh cũng đang trồng thử nghiệm thanh trà trái vụ.
“Mình mong muốn thanh trà trồng được trên đất đồi và có hương vị riêng. Hiện thanh trà mình trồng đã sang năm thứ tư và sinh trưởng rất tốt, dự kiến sẽ có quả trong dịp rằm tháng Tư âm lịch năm tới. Đây là hướng đi mới của mình. Sau này khi thành công sẽ nhân rộng mô hình trồng thanh trà ra đất đồi ở Huế”, anh Mỹ hào hứng.
|
Những quả mãng cầu Đài Loan khi chín có thể nặng đến 0,5 ký |
Biến vùng đồi khô cằn thành trang trại trù phú
Mong muốn của anh Mỹ là đưa sản phẩm cây trái sạch và an toàn tới người tiêu dùng. Đã có những đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và đánh giá cao chất lượng trái cây của trang trại. Với thành công thu được sau 4 năm làm trang trại cây ăn quả trái vụ, anh Mỹ cho biết, thu nhập từ hoa trái trong trang trại sẽ nâng lên từ 400-450 triệu đồng/năm kể từ năm thứ sáu. Từ năm thứ tám trở đi sẽ là 500-600 triệu đồng/năm. Đây là một mức thu nhập đáng kể với bất cứ ông chủ trang trại nông nghiệp nào có ý định lập trang trại trên vùng đồi.
Đất đồi ở Huế - loại đất tưởng chừng chỉ phù hợp với các loại cây keo tràm - giờ đây đã biến thành trang trại trồng cây ăn quả nghịch vụ đem lại thu nhập cao từ quyết tâm của ông chủ trang trại Quang Mỹ. Thành công từ mô hình này hy vọng sẽ được nhân rộng và ngày càng có nhiều vùng đồi núi khô cằn ở Huế trở thành những vùng đất trù phú đem lại thu nhập cao cho người nông dân không chỉ trong dịp tết đến xuân về.