ClockChủ Nhật, 12/09/2021 05:33

“Quân” ở trong dân

TTH - Là những thanh niên trẻ, có sức khỏe, nhiệt huyết, những chiến sĩ dân quân trên các địa phương toàn tỉnh đã không ngần ngại xung phong, nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch. Với họ, nhiệm vụ này có thể sẽ rất khó khăn, nhiều bỡ ngỡ nhưng tất cả đều có chung mong muốn góp sức trẻ của mình đẩy lùi dịch bệnh, trả lại sự bình yên cho quê hương.

Dân quân xã Điền Hải (huyện Phong Điền) tham gia chống dịch cùng các lực lượng tuyến đầu

Lượng người từ vùng dịch về tăng nhanh, hàng loạt khu cách ly được kích hoạt, đồng nghĩa với việc sẽ cần rất nhiều nhân lực phục vụ ở các khung cách ly tập trung. Chính vì vậy, ngoài lực lượng thường trực, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã huy động gần 600 chiến sĩ dân quân ở trên toàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ ở các khu cách ly, nơi tuyến đầu chống dịch và hàng ngàn lượt dân quân bám chốt, bảo vệ vòng ngoài và chuẩn bị cơ sở vật chất cho các khu cách ly.

Gác việc riêng

Bố mất sớm, gia đình đông anh em, dân quân Võ Đại Hiệp (sinh năm 1997, xã Thủy Bằng, TP. Huế) cũng là lao động chính trong nhà, giúp mẹ nuôi em. Nhưng khi có lệnh, anh đã sẵn sàng gác công việc riêng để lên đường nhận nhiệm vụ mới.

Tại Khung cách ly T1.2 (Trường nghề số 10), Hiệp được giao nhiệm vụ vòng trong, trực tiếp đưa cơm, nước cho các công dân cách ly.

“Khung của em không đông lắm, cao điểm chỉ phục vụ 250 công dân nên công việc cũng không quá vất vả. Nhưng đây là lần đầu tiên em nhận nhiệm vụ ở tuyến đầu, lại trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp, mỗi ngày có nhiều ca F0 từ các khu cách ly nên cũng có chút lo lắng. Nhưng khi đã nhận nhiệm vụ, em luôn tự bảo bản thân phải cố gắng hết sức, trách nhiệm với công việc. Nhất là phải đảm bảo đúng các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và các đồng đội của mình”, Hiệp chia sẻ.

Cũng như Hiệp, dân quân Nguyễn Văn Rít, (phường Hương An, TP. Huế) cũng là lao động chính trong nhà, bố mẹ lại thường xuyên ốm đau nhưng khi có thông báo điều động dân quân tham gia nhiệm vụ ở các khu cách ly, anh đã không ngần ngại xung phong tham gia. “Qua nhiều đợt dịch, em thấy lực lượng phục vụ các khu cách ly rất vất vả, là một chiến sĩ, em luôn muốn chia sẻ sự vất vả đó cùng mọi người. Khi quê hương cần thì chẳng có lý do gì mà mình không tự nguyện tham gia cả”, Nguyễn Văn Rít bộc bạch.

Làm nhiệm vụ ở Khung cách ly T7 từ những ngày đầu thành lập cho đến nay dân quân Nguyễn Văn Rít luôn tuân thủ tốt các quy định của khung, nỗ lực hết mình với công việc được giao.

Còn chiến sĩ Trần Văn Toàn (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc) trước khi nhận nhiệm vụ ở khung cách ly của huyện (Điểm Trường THPT Vinh Lộc) anh đã tìm hiểu kỹ về cách phục vụ, nếp sinh hoạt, ăn, ở, các quy định trong khu vực cách ly tập trung. Nhất là nắm chắc các nguyên tắc phòng ngừa dịch bệnh. “Trên địa bàn xã cũng đã có nhiều dân quân tham gia phục vụ ở các khu cách ly những đợt dịch trước nên em đã hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu trước những quy định, nên khi nhận nhiệm vụ ở khung cách ly của huyện em không bỡ ngỡ. Em nghĩ mình là thanh niên, công việc có vất vả một tí cũng chẳng sao. Cứ cố gắng là được, nhất là trong tình hình dịch bệnh trên địa bàn rất phức tạp, nên mình đóng góp được gì cho quê hương lúc này là rất cần thiết”, Toàn chia sẻ.

Vì quê hương cần

Cùng với lực lượng thường trực, thời gian qua, lực lượng dân quân ở khắp các địa phương cũng ngày đêm căng mình trên tuyến đầu chống dịch. Từ các chốt phòng dịch ở các vùng phong tỏa, tuần tra vòng ngoài, đảm bảo an toàn cho các khu cách ly hay miệt mài phục vụ ở các khu cách ly để chung tay cùng các lực lượng kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

Nơi tuyến đầu chống dịch, trách nhiệm của những người chiến sĩ “sao vuông” sẽ nặng nề hơn. Bởi lẽ, đây là thời điểm dịch bệnh phức tạp, số lượng F0 không ngừng tăng, ngày cao điểm các khu cách ly tiếp nhận hàng trăm, ngàn công dân. Mỗi ngày, họ phải phục vụ hàng ngàn suất ăn cùng vô vàn những công việc khác, cùng với đó là những nguy cơ, rủi ro luôn hiện hữu. Nhưng phía bên trong những bộ đồ bảo hộ là những bước chân không mỏi, dù đưa cơm xuyên trưa hay trắng đêm tiếp nhận công dân về từ vùng dịch.

Hơn tháng nay, dân quân Trần Hoàng Tâm (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) đã quen với công việc trực 24/24h tại khu cách ly tập trung xã Điền Hải. Bên cạnh việc đảm bảo an toàn, kiểm soát người, phương tiện ra vào khung cách ly, anh và các đồng đội thường xuyên tuyên truyền để người dân yên tâm cách ly, nâng cao hơn ý thức phòng dịch.

Tham gia chốt vòng ngoài, bên cạnh đảm bảo an ninh cho khu vực cách ly, anh Hoàng Nhất Linh, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Điền Hải còn tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích cho bà con hiểu về tình hình dịch bệnh, cùng đồng lòng chia sẻ với các lực lượng. Bởi nhiều người dân sống gần khu cách ly bất an khi khu cách ly được thành lập ở gần khu dân cư.

Đại úy Nguyễn Văn Minh, Chính trị viên Khung cách ly tập trung tại xã Điền Hải cho biết: Lực lượng dân quân tham gia chống dịch ở khung luôn trách nhiệm với công việc, nhất là các anh em dân quân đều là người địa phương nên việc đảm bảo an toàn cho khu cách ly rất đảm bảo. Nhiều khung cách ly được thành lập, lực lượng thường trực của huyện phải phân tán, do đó, sự có mặt kịp thời của lực lượng dân quân đã góp phần đảm bảo công tác phục vụ đời sống cho bà con cách ly, cũng như đảm bảo an toàn cho các khu cách ly tập trung.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Không chỉ đóng vai trò xung kích ở địa phương, vận động, tuyên truyền người dân tham gia chống dịch, mà khi có lệnh những chiến sĩ dân quân đã gác việc riêng, nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu. Họ không quản ngại gian khó, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, sát cánh cùng lực lượng bộ đội thường trực xông pha trên tuyến đầu chống dịch. Với vai trò, trách nhiệm của mình, những chiến sĩ “sao vuông” đã và đang là những lá chắn vững chắc bảo vệ quê hương và góp phần đẩy lùi dịch bệnh.

Bài, ảnh: THANH THẢO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”

Sáng 21/12, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ ra quân chương trình “Tình nguyện mùa Đông” năm 2024, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự có ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.

Phát huy sức trẻ thực hiện tốt chương trình “Tình nguyện mùa Đông”
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Return to top