Nhờ nghề gia công áo quần, anh Lộc có thu nhập ổn định
Trở lại "quê mới"của bà con Cù Dù ở khu định cư làng Cảnh Dương (Lộc Vĩnh) mà bồi hồi cảm xúc. Những con đường nhựa dọc, ngang nối vào những ngôi nhà xây, mái bằng nằm san sát hiện hữu như phố thị. Ông Nguyễn Ngộ, 89 tuổi, nguyên là dân Cù Dù kể, khi quyết định di dời về "quê mới" ai cũng lưu luyến nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Gia đình ông Ngộ có 8 khẩu được bố trí tái định cư với số tiền đền bù hơn 400 triệu đồng và được cấp 200m2 đất ở tại đây. Nói thỏa đáng cũng được mà chưa thì cũng có lý, bởi bao năm quen với "quê cũ" có đất rộng, ruộng vườn xanh tươi khi về "quê mới" đất thiếu, ruộng ít, con cái rơi vào cảnh thất nghiệp. "Ngày đó ở đây sáng tối đi ra đi vô không biết làm chi, tôi thấy bức bối vô cùng. Tôi thuyết phục con cái phải đổi nghề để sống", ông Ngộ nói. Từ những trăn trở ban đầu, gia đình ông Ngộ quyết tâm bám trụ "quê mới". Đứa nhỏ ông cho học nghề may, nghề điện; đứa lớn học thợ xây dựng, rồi ươm cây, trồng rừng...
Thời điểm này, 8 người con của ông đều có cuộc sống ổn định, không còn lo cảnh thất nghiệp. Người con út của ông Ngộ là anh Nguyễn Văn Lộc (35 tuổi) mở cơ sở gia công áo quần cho các chủ tại TP. Hồ Chí Minh. Anh Lộc nói, mỗi ngày hai vợ chồng anh gia công từ 12-15 chiếc áo. Ngoài ra còn đi giao hàng cho bà con trong khu vực gia công thêm. Mỗi tháng, anh chuyển vào TP. Hồ Chí Minh hơn 5.000 chiếc, kiếm được 15-17 triệu đồng. "Tuổi trẻ chúng tôi ở đây không còn lo thất nghiệp và chuyện cơm áo như ngày trước nữa". Anh Lộc nói.
Chúng tôi gặp lại ông Trần Tàu, nguyên Trưởng thôn Cù Dù, hiện đã 60 tuổi nhưng vóc dáng trông trẻ, da dẻ hồng ra so với nhiều năm trước. Ông Tàu chia sẻ, hồi đó đến đây hầu hết bà con đều lo vì không được theo nghề nông và không duy trì được nghề biển. Một số người đã bán nhà vào Nam, lên Tây Nguyên làm thuê cuốc mướn; số thanh niên trẻ học xong cũng biệt xứ... Sau một thời gian, họ lại quay về. Hiện ở đây có hơn 10 gia đình chuyên làm nghề như anh Lộc, công việc ổn định, có thu nhập khá. Ngoài nghề gia công áo quần như anh Nguyễn Văn Lộc, một số đúng tuổi lao động có điều kiện vào làm công nhân ở các nhà máy sản xuất chế biến ở địa phương, như làm bánh gạo, dăm gỗ và khu du lịch Laguna -Lăng cô. Lương mỗi tháng 5-10 triệu đồng/người (tùy theo công việc)... Gia đình ông Tàu có 5 người con, hiện đều có việc làm ổn định tại các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương và ở TP. Hồ Chí Minh.
Đưa chúng tôi gặp một số người người ở "quê mới" này, ông Tàu chỉ tay vào những căn nhà to, nhà lớn đều khang trang, bề thế đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Nhiều hộ ở đây kinh doanh nhà hàng, nhà nghỉ; số khác mở dịch vụ ô tô đưa đón khách du lịch. Đáng mừng, số hộ trước đây làm nghề biển tưởng chừng đã treo thuyền vì thiếu vốn, xa ngư trường. Chừng 5 năm gần đây, được con cái hỗ trợ, họ đầu tư ngư lưới cụ, thuyền, gọ... theo lại nghề biển. Hiện khoảng 20 hộ có thuyền gọ, chuyên khai thác thủy hải sản gần bờ. Bình quân mỗi thuyền, gọ ra khơi chỉ 1-2 ngày, trừ chi phí thu được thu được 1-2 triệu đồng. Không chỉ giải quyết lao động trong gia đình, số hộ theo nghề biển còn giải quyết thêm một số "đi bạn" trong khu vực, có thu nhập 300.000-400.000đồng/ngày. Ông Trần Đức Huế, một gia đình làm nghề biển ở đây khẳng định: "Đời sống chúng tôi không còn bấp bênh nữa. Không giàu nhưng chuyện lo cơm hàng ngày không còn như trước".
Ông Phan Văn Dỉnh, Trưởng thôn Cảnh Dương cho biết, hiện "quê mới" thuộc thôn Cảnh Dương không chỉ có người dân Cù Dù mà nhận thêm nhiều hộ dân nằm trong các dự án di dời ở thôn Bình An, Phú Hải, Cảnh Dương... Dẫu người dân ở nhiều nơi, nhiều làng có tập tục văn hóa khác nhau nhưng khi về "quê mới" họ đùm bọc, sống đoàn kết, sẻ chia, bắt nhịp tiến trình đô thị hóa ở khu vực Chân Mây-Lăng Cô. Số con em bỏ trường, bỏ lớp hiện không còn, số hoàn thành THPT lên hàng chục; trong đó đã có hơn 10 em vào đại học; số hộ nghèo chỉ còn dưới 4% (tập trung diện già cả và neo đơn). Theo ông Dỉnh, điều bà con trăn trở nhất hiện nay là đất ở cho các gia đình có nhiều thành viên khi tách hộ. Rất nhiều hộ gia đình có 5-6 gia đình nhỏ nhưng chỉ sống chung trong ngôi nhà với diện tích đất 200m2 (được cấp từ ban đầu). Nhiều lần họp dân và lãnh đạo cấp trên, bà con kiến nghị thiết tha được tạo quỹ đất để tách hộ cho con cái nhưng chưa được giải quyết.
Ông Lê Công Minh, Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh chia sẻ: "Chúng tôi đã nắm bắt nguyện vọng của bà con "quê mới". Phía địa phương rất trăn trở việc này và nhiều lần xin chủ trương cấp trên để giải quyết, bởi hiện các quỹ đất ở Lộc Vĩnh đều nằm trong vùng quy hoạch của các dự án.
Bài, ảnh: Minh Văn