ClockThứ Sáu, 09/06/2023 06:19

Sáng tạo từ thực tiễn

TTH - Từ các phong trào thi đua (PTTĐ) trong lao động sản xuất, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, giúp tiết kiệm chi phí, cải thiện môi trường lao động.

Đưa Quảng Điền trở thành “vùng đất sáng tạo”Tiếp cận sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạoSáng tạo trong lao động sản xuất

leftcenterrightdel
Ứng dụng công nghệ đèn led mang lại hiệu quả trong sản xuất lan đại hồ điệp 

Những sáng kiến giá trị

Khi Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. Huế phát động chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, anh Trần Ngọc Vỹ, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí – Xây lắp, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế liền tham gia.

Đề tài anh Vỹ đăng ký là “Nghiên cứu tiết kiệm chi phí sản xuất trong công tác sửa chữa và bảo dưỡng các phương tiện - thiết bị xe ô tô cơ giới chuyên dùng và máy móc phục vụ cho công tác vận chuyển của đơn vị”.

Là người đứng đầu xí nghiệp, anh trăn trở làm thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà công ty tin tưởng giao phó. “Nghiên cứu, cải tiến các phương tiện, thiết bị chuyên dùng để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động luôn được tôi tập trung thực hiện”, anh Vỹ chia sẻ.

Với sáng kiến này, anh Vỹ đã gia công lắp đặt mới bộ tời cẩu xuồng đựng rác dung tích 10m3 cho xe cuốn ép 3 chức năng trong 1. Chi phí cải tiến lắp đặt thấp, nhưng hiệu quả mang lại khá lớn. Anh Vỹ cho biết, sau khi cải tiến, thay vì xe cuốn ép chở mỗi lần một xuồng rác thì nay cuốn ép được 5 xuồng một lần chở, vừa tiết kiệm được công vận chuyển vừa tiết kiệm được nhiên liệu tiêu hao; giúp công ty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm. Với sáng kiến này, năm 2022, anh Trần Ngọc Vỹ được nhận Bằng khen Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Sáng kiến “Ứng dụng công nghệ đèn led nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí trong sản xuất giống lan đại hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô” của kỹ sư Lê Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng Kế hoạch và bảo vệ rừng, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong cũng góp phần làm lợi trong sản xuất, kinh doanh. Theo bà Nga, tính mới và tính sáng tạo trong nghiên cứu này chính là lần đầu tiên trên toàn quốc, đèn led được sử dụng kết hợp với ánh sáng tự nhiên trong sản xuất nuôi cấy mô lan đại hồ điệp. Đưa ra được phương pháp bố trí, sắp xếp, kết hợp với xây dựng hệ thống phòng nuôi có kết cấu phù hợp đảm bảo kết hợp ánh sáng tự nhiên và ánh sáng nhân tạo trong sản xuất mẫu lan đại hồ điệp.

Sáng kiến được áp dụng từ cuối năm 2020 đến nay, được doanh nghiệp đánh giá cao không chỉ về hiệu quả kinh tế và kỹ thuật mà còn đem lại hiệu quả về mặt xã hội và môi trường, tạo ra bước ngoặt mới trong việc ứng dụng công nghệ sản xuất cây giống chất lượng cao của tỉnh nhà.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phương, Phụ trách Trung tâm Sản xuất nông lâm nghiệp, Công ty TNHH nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong cho biết: “Việc áp dụng sáng kiến của kỹ sư Lê Thị Thúy Nga giúp trung tâm đạt được 2 mục tiêu về lợi nhuận. Đó là tăng chất lượng cây mầm và giảm chi phí sản xuất, giúp việc tiêu thụ cây giống ra thị trường dễ dàng và thuận lợi hơn, giúp công ty tiết kiệm hơn 1,5 tỷ đồng/năm”.

Bắt đầu từ thực tiễn

Trước đây, mỗi cán bộ công nhân viên của Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) được phát một quyển sổ tay nhân viên. Trong đó, có những thông tin nội quy làm việc, các chính sách, quy trình làm việc, chế độ phúc lợi cho từng vị trí việc làm… Sổ này được cập nhật và thay mới theo định kỳ. Song, thực tế nhân viên thường ít sử dụng đến, nhiều người còn làm mất. Chưa kể, mỗi lần có nhân viên mới, hoặc tập đoàn có những điều chỉnh cần bổ sung, công ty lại phải in lại sổ, khá tốn kém.

Giúp công ty tiết kiệm chi phí, bà Trịnh Ngọc Thùy Nhi, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Laguna nghiên cứu sáng kiến “Sổ tay nhân viên bằng APP”. Thay vì in sổ bằng giấy, bà Nhi đề xuất cài APP điện tử có tên “Sổ tay nhân viên”. Với APP này, cán bộ công nhân viên chỉ cần có tài khoản và mật khẩu là có thể truy cập. “Thông qua APP, nhân viên chủ động truy cập tìm hiểu tất cả những thông tin cần thiết. Công ty cũng chủ động cập nhật những thông tin mới lên APP khi cần thiết. Sổ tay nhân viên bằng APP còn là một kênh để giao tiếp, trao đổi thông tin hai chiều một cách nhanh chóng và thuận tiện”, bà Nhi cho biết.

Với sáng kiến “Trục bánh quay xả dây”, bà Đặng Thị Thanh An, Quản đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Hanex - Huế giúp nhà máy rút ngắn được dây chuyền sản xuất. Bà Thanh An cho biết, ưu điểm của sáng kiến “Trục bánh quay xả dây” là di chuyển theo 1 chiều cố định, giúp dây không bị rối, nhờ có trục quay, tốc độ cấp phát dây nhanh gấp 3 lần so với bình thường. Trục bánh quay có thể áp dụng được ở nhiều công đoạn khác nhau như xả dây kéo, dây đai, dây viền, dây gân... trong quá trình may balo, túi xách.

Hiện sáng kiến của bà Thanh An đang được áp dụng tại 2 xưởng may của Công ty TNHH MTV Hanex - Huế. Từ khi áp dụng sáng kiến này, Công ty TNHH MTV Hanex - Huế phần nào khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Ông Trần Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: PTTĐ “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào trọng tâm, xuyên suốt trong hoạt động của tổ chức công đoàn. Từng năm, từng giai đoạn lại có những phong trào cụ thể để khơi dậy các ý tưởng sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp người lao động phát huy tiềm năng sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển. Chẳng hạn, thời điểm hiện nay, các đơn vị đang thi đua thực hiện phong trào “Một triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”. Từ đó, có nhiều sáng kiến và đề tài nghiên cứu được các cấp có thẩm quyền công nhận, đã được áp dụng vào sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả cao, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí đầu tư, chi phí sản xuất cho các cơ quan, đơn vị, làm lợi hàng tỷ đồng.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp

Không ngừng học hỏi và đổi mới cách làm, Ngô Thị Tuyết, cô gái 9X ở xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) đã biến những phụ phẩm nông nghiệp của quê hương thành sản phẩm dầu gội chất lượng.

“Lên đời” cho phụ phẩm nông nghiệp
Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

Với điều kiện thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và khí hậu đặc trưng của vùng núi A Lưới, xã Quảng Nhâm đã được chọn là một trong những địa bàn trọng tâm để phát triển vùng trồng dược liệu. Trong tổng diện tích 210ha của dự án tại huyện, xã Quảng Nhâm chiếm 60ha, trong đó cây gấc đóng vai trò chủ lực.

Mô hình mới trên đất Quảng Nhâm

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top