ClockThứ Năm, 21/12/2017 06:01

Sống giữa không gian văn hóa làng

TTH - Thời còn đương chức, tôi sống cùng gia đình tại một khu chung cư trong TP. Huế. Lúc gần về hưu, có ít tiền dành dụm, tôi tìm mua một miếng đất để làm ngôi nhà nhỏ ở khu tái định cư thôn 1, phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy. Làm nhà xong, bạn bè đến thăm, khen chỗ ở tốt, lý tưởng.

Nét làng Thanh Thủy Chánh. Ảnh: Thu Thủy

Ở Thủy Dương một thời gian, tôi có thêm một niềm vui khác nữa là được sống trong một không gian đậm chất văn hóa làng. Địa bàn phường Thủy Dương thuộc đất làng Thanh Thủy Thượng, một làng Việt có từ rất sớm ở vùng đất Thuận Hóa xưa. Đi một vòng, trừ khu tái định cư thôn 1 có dáng vẻ phố thị, còn lại thấy thuần một khung cảnh làng quê. Ở đây có danh thắng đình làng Thanh Thuỷ Thượng (gọi là đình nhưng thực ra là một quần thể kiến trúc gồm đình Tổ, chùa Phật và đền Thánh) được xếp loại di tích văn hóa quốc gia.

Điều gây ấn tượng đầu tiên là nơi đây tình làng nghĩa xóm rất sâu đậm. Như ngày xưa thì tôi đích thị là dân ngụ cư. Bây giờ thì không còn chuyện phân biệt ấy nữa. Về ở được dăm hôm thì bác Thế, ở cùng xóm, là một trong các bậc cao niên của làng chủ động đến thăm. Qua chuyện trò, tôi biết được tình hình bà con trong xóm, biết được phong tục tập quán của làng, biết cả đặc điểm lai lịch chỗ đất tôi đang ở mà có những ứng xử cần thiết về tâm linh để, theo như bác, sống được yên ổn. Lúc ra về, bác Thể nói: “Ngày mốt xóm tổ chức cúng ở miếu Ngài, thầy (từ gọi những người làm nghề giáo) sắm cái lễ, đơn giản thôi, theo tôi ra đó, trước là để cáo với Ngài, sau là giới thiệu cho nhiều người trong xóm được biết”. Tôi làm theo và qua đó được chính thức thừa nhận là con dân của làng. Tôi vui khi được sống giữa những người hàng xóm mới hiền lành, chất phác, biết chia ngọt, sẻ bùi, thơm thảo từ quả mướp, mớ rau đem biếu tặng nhau.

Về sống ở Thủy Dương, tôi bắt gặp những hình ảnh không dễ gì có được ở thành phố. Từ các cụ già đến các nháu nhỏ đang tuổi đi học, ra đường gặp nhau là mở miệng chào rất lễ phép và thân tình. Dân quê vốn tính tình phóng khoáng và có cảm thức cộng đồng nên thích sống trong một ngôi nhà thoáng đãng, tầm nhìn không bị che khuất. Do vậy, ở đây rất ít nhà kín cổng cao tường, cả những ngôi nhà mới xây theo kiểu cách hiện đại, có cửa, có cổng bề thế, nhưng ban ngày nếu có người ở nhà thì luôn luôn mở. Nhiều lần khi rỗi việc, tôi đi một vòng quanh xóm, ý định ban đầu là chỉ đi lướt qua. Không ngờ khi đi qua những nhà có cổng cửa đang mở như vậy, chủ nhân hoặc đang ngồi trước hiên nhà, hoặc đang làm gì đó ở sân, thấy tôi là cất tiếng chào đon đả, mời vào nhà chơi. Thế là bên ấm trà ngon, chuyện đời, chuyện làng xóm có khi kéo dài cả tiếng.

Tôi cũng có điều kiện tham gia các lễ hội truyền thống của làng Thanh Thủy Thượng. Hoạt động lễ hội của làng khá phong phú. Lễ hội lớn nhất của làng Thanh Thủy Thượng là Tế lễ mùa thu (Thu Tế). Lễ này tổ chức vào thượng tuần tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là lễ tế ngài Thành hoàng bổn thổ và 13 vị khai canh của làng. Quy mô tổ chức hoành tráng, theo bài bản xưa, tạo không khí vừa linh thiêng vừa tưng bừng, nhộn nhịp với nhiều âm thanh, sắc màu. Lễ Thu Tế là một hoạt động vừa mang mang ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh vừa là hình thức sinh hoạt cộng đồng thu hút đông đảo dân làng tham gia, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, làm đậm sâu tình làng nghĩa xóm và lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Độc đáo nhất là hội Lạp. Đây cũng là một lễ hội có từ lâu đời. Hội Lạp có nghĩa là ngày hội chạp mộ. Nhưng khác ngày chạp mộ của các chi, phái thuộc các họ trong làng, đây là lễ hội chạp mộ của làng, tổ chức sau Tết, vào các ngày mồng một, mồng hai tháng 2 âm lịch. Hoạt động lễ hội bao gồm các nội dung chạp mộ (thăm viếng, dãy cỏ, hun đất) và tổ chức cúng tế cho vong hồn những người vô tự (không có ai thờ phụng) là dân của làng hoặc người tha phương phiêu bạt được chôn cất trên địa phận của làng. Làng đã quy tập toàn bộ mộ những người vô tự vào một khu riêng trong nghĩa trang để tiện việc thăm viếng, chăm sóc; xây dựng hẳn một nhà thờ khang trang gọi là Đình Môn làm nơi thờ cúng và thành lập một Ban khánh tiết chuyên lo việc chạp mộ và cúng tế hàng năm.

Ngoài lễ vật làng cúng, trước đây là mỗi gia đình, bây giờ là mỗi tổ dân phố đều sắm sửa một cỗ bánh trái mang đến cúng. Lễ cúng cũng tổ chức rất long trọng và bài bản như các lễ lớn khác của làng. Lần đầu tham dự, tôi ngạc nhiên và rất ấn tượng là trong Lễ chánh tế tại Đình Môn, bài văn tế được đọc là bài Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) của đại thi hào Nguyễn Du. Văn chiêu hồn là tác phẩm văn học độc đáo có một không hai trong văn học trung đại Việt Nam, dài 184 câu, theo lối song thất lục bát, nội dung bày tỏ sự xót thương về nhiều cảnh ngộ lìa đời khác nhau thuộc nhiều hạng người trong xã hội ngày trước. Đến dự Hội Lạp ở Đình Môn, nghe Văn chiêu hồn của Nguyễn Du thấy càng xúc động và đồng cảm sâu sắc hơn.

Thủy Dương nay là một đơn vị hành chính cấp phường, trực thuộc thị xã Hương Thủy. Đời sống đang phát triển theo hướng đô thị hóa. Tuy nhiên những nét đẹp truyền thống của một làng quê vẫn còn hiện hữu rất rõ, tạo nên một vẻ đẹp khác của một địa phương từng hai lần được Nhà nước phong tặng là đơn vị anh hùng - anh hùng trong chiến đấu và anh hùng trong lao động sản xuất trước và sau 1975. Riêng tôi, bằng cảm nhận riêng, chỉ muốn nói rằng, Thủy Dương là một nơi đáng sống.

Lê Tài Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Nhìn vô trong Huế...”

Thuở ấu thơ, trẻ con làng tôi đứa mô cũng có một niềm ao ước đó là được đi Huế chơi ít nhất là một lần. Đình làng Đại Lộc quê tôi có một lùm mù u rậm rạp và là chốn để chúng tôi leo trèo và hát những câu nghêu ngao vào những buổi chiều hè: “Trèo lên cây mù u nhìn vô trong Huế...”. Rồi những đêm không trăng, trời đầy sao, lũ trẻ con làng chúng tôi nhìn về phía xa xôi, nơi có một quầng sáng phía chân trời và nói với nhau rằng, đó là Huế. Hồi đó, làng tôi có một chuyến đò đi Huế hàng ngày xuất phát ở bến đò Đồng Dạ, nơi con sông Ô Lâu bắt đầu chảy qua làng tôi. Nhưng phải có công chuyện chi quan trọng thì nông dân làng tôi mới đi Huế, còn trẻ con như chúng tôi thì rất khó để được đi.

“Nhìn vô trong Huế  ”
230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng

Trong 2 ngày (14-15/12), Trung tâm Văn hoá Thông tin & Thể thao thị xã Hương Thủy phối hợp với Cảng hàng không quốc tế Phú Bài tổ chức giải bóng bàn các câu lạc bộ (CLB) Hương Thủy mở rộng năm 2024. Giải thu hút 230 tay vợt của 32 CLB trên địa bàn thị xã, toàn tỉnh và các CLB đến từ Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hưng Yên, tham gia tranh tài.

230 tay vợt dự giải bóng bàn các câu lạc bộ thị xã Hương Thủy mở rộng
Return to top