Nhớ lần đón Tết trên đảo Phan Vinh
Thiếu tá Lê Quang Thanh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Phan Vinh vừa được chuyển về công tác tại cơ quan quân sự TP Huế. Trong lần gặp cuối tháng 11/2011, anh bồi hồi nhớ lại… “Em nhập ngũ năm 1991. Tháng 2-2002, nhận nhiệm vụ ra đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa. Hai lần ra đảo, đón 4 cái Tết ở đảo, Tết nào cũng thật đáng nhớ. Ấn tượng nhất vẫn là cái Tết đầu tiên, năm 2003. Tết ở Trường Sa, đến sớm lắm, vì trước Tết các tổ chức trong đất liền đã hướng ra đảo. Những chuyến hàng Tết, các đoàn ra thăm Tết vào thời điểm này nhộn nhịp hẳn lên, nhất là cánh các cơ quan báo chí, truyền hình ra làm chương trình để phát kịp vào những ngày Tết, vì thế rất vui. Tết được nhân lên gấp đôi. Lần ấy, trên đảo Phan Vinh đón nhận được cành mai vàng từ đất liền gửi ra, còn cành đào chúng em tự làm lấy từ các giấy màu trong các gói quà. Đón Tết ngoài đảo đầy đủ các thứ từ đất liền gửi ra. Vui nhất là chuẩn bị Tết, ai cũng náo nức, xắn tay cùng nhau, nào là trang trí bàn thờ Tết, vệ sinh làm đẹp doanh trại, gói bánh, kẻ vẽ… Chiều 30 Tết, một tin “dữ” làm anh em buồn đến nẫu ruột: Máy phát điện và ti vi bị hỏng! Không khí đang náo nức chờ đón giao thừa mà nghe tin vậy cả đảo như chùng xuống. Ban chỉ huy đảo bèn có cuộc họp khẩn và giao nhiệm vụ cho trợ lý thông tin phải bằng mọi cách sửa chữa cho được máy phát điện và ti vi. Nói là giao nhiệm vụ thực chất là động viên để chiến sỹ thông tin này cố gắng tập trung sửa chữa cho bằng được. Mọi người trên đảo, ai cũng hồi hộp chờ đợi. Khoảng 5 giờ chiều, khi ánh hoàng hôn đang chìm dần về phía đất liền, cũng là lúc trên đảo Phan Vinh bỗng vang lên tiếng máy nổ giòn. Cả đảo không ai bảo ai, từ cán bộ đến chiến sỹ đều chạy bổ về phía tiếng máy nổ vừa chạy vừa hò reo vang cả đảo… có Tết rồi… có Tết rồi.
Đón Tết ở đảo chìm Tóc Tang
Đại úy Hà Văn Vinh, Trợ lý tác huấn Ban CHQS huyện Hương Trà cũng có 4 năm công tác ở đảo Tóc Tang - một đảo chìm trong quần đảo Trường Sa. Quê Hương Văn, Hương Trà, Vinh nhập ngũ năm 1997. Năm 2002, tốt nghiệp Trường Lục quân 2, được biên chế vào Vùng 3, rồi Vùng 4 Hải quân và được điều động ra Trường Sa công tác. Được đón hai cái Tết ở đảo, Vinh bồi hồi nhớ lại: Đảo Tóc Tang là một đảo chìm anh ạ. Trước đây là nhà dàn KD đó anh. Khi ra đảo Tóc Tang năm 2005, đảo đã được xây dựng kiên cố và hiện đại rồi…”
Thiếu tá Lê Quang Thanh tại cơ quan quân sự thành phố Huế. Ảnh: T.H
Ra đảo với chức danh là Phó Chỉ huy và sau đó là Chỉ huy trưởng đảo Tóc Tang B, Hà Văn Vinh trở thành vị chỉ huy trẻ nhất đảo ở tuổi 28. Lần đầu ra đảo, đứng giữa mênh mông biển cả trong lòng xao xuyến kỳ lạ. Những lần tiễn đồng đội trở về đất liền tiếp tục nhiệm vụ trong lòng da diết nhớ… Nhờ không khí anh em ở lại gắn bó làm cho Vinh sớm bình tâm trở lại. Lần đầu đón Tết xa nhà trên đảo nhưng rất vui và ấm cúng. Những năm đó, Tết đã đầy đủ lắm rồi, chỉ thiếu là đảo chưa phủ sóng điện thoại di động nên chưa liên lạc được với gia đình và người thân. Hai thứ quý nhất trong đời sống ở đảo là nước ngọt và rau xanh thì cũng bớt khan hiếm vì có đủ “cơ số” dự trữ. Rau xanh thì tự trồng lấy bằng phương pháp trồng theo kiểu “vườn treo”, hạt giống được cung cấp từ đất liền dự trữ sẵn. Nước ngọt, mùa mưa thì thoải mái hơn, mùa hè theo tiêu chuẩn mỗi người 15-20 lít/ ngày. Nước thải sinh hoạt được tận dụng triệt để qua hệ thống lọc dùng cho việc tưới rau. Trước Tết, nhộn nhịp nhất là đón các chuyến tàu từ đất liền ra, cung cấp đủ cả. Tiếng gà vịt, tiếng lợn eng éc chuyển từ ngoài tàu vào trở thành âm thanh quê nhà, cùng với màu xanh hoa quả… đến giờ vẫn cứ nao nao cùng sóng biển. Bao quanh đảo là mênh mông sóng nước. Thú vị nhất là những lúc phát hiện tiếng cá đớp mồi câu. Anh em hè nhau kéo lên những chú cá ngừ to đùng, có con nặng đến vài chục ký. Câu cá ở đảo chìm này dễ lắm, dây câu là cước to bằng ngón tay út, lưỡi câu được gắn mồi ném xa ra biển, đầu kia buộc chặt vào trụ nhà, có gắn phao là những chậu thau nhôm cài lũng lẵng mấy vật cứng. Khi tiếng kêu long cong là biết ngay cá cắn câu, anh em hè nhau kéo cá lên bờ, tiếng hò reo vang cùng sóng biển… Do không có đất nên anh em tập thể dục trên gác thượng và bằng các máy thể dục “thẩm mỹ viện” do TP Hồ Chí Minh gửi tặng. Anh em đùa nhau, ra đảo hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ thành “hoa hậu nam” hết cả cho coi. Cá tươi và ngon ở đảo không thiếu. Anh em còn làm lồng nuôi cá biển nữa, nên có khách là có “đặc sản” chiêu đãi ngay.
Đón quà Tết từ đất liền gửi đảo
Ngày Tết nhớ đất liền, nhớ quê nhà lắm. Giao thừa anh em quây quần bên ti vi cùng cả nước đón giao thừa, phá cỗ và cùng nhau hát karaoke cho đến sáng. Bây giờ, toàn đảo đã phủ sóng nên việc liên lạc bằng điện thoại đã trở nên thuận tiện. Khoảng cách đảo với đất liền không còn xa cách như xưa. Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho những người lính đảo những gì ưu ái nhất. Được sống và bảo vệ biển đảo Tổ quốc là một vinh dự lớn. Đây là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, thế hệ trẻ chúng em được giao phó nhiệm vụ thiêng liêng này thì còn gì tự hào hơn phải không anh. Nói rồi Vinh bấm máy điện thoại gọi cho Tú hiện là cụm phó của đảo. Đầu dây vang vọng tiếng của người chiến sỹ ngoài đảo xa cùng rì rào tiếng sóng biển. Vinh vui sướng nhảy cẫng lên “ Vinh Huế đây… Vinh Huế đây… Tú hả…”. Tưởng chừng như họ đang bất chợt gặp nhau vừa ôm chầm lấy nhau cười vang vang giữa biển trời bao la sóng nước.
Tâm Hành