Các em học sinh Trường tiểu học A Ngo (A Lưới) thích thú với múa lân
Trung thu ngày nay có nhiều thay đổi, nhưng rằm tháng Tám vẫn là dịp để mọi người ôn lại những hồi ức đẹp của tuổi thơ. Trung thu nay không còn nhiều những chiếc đèn giấy ông sao xanh đỏ giản dị hay cả nhà cùng ngồi bên nhau chờ trăng lên phá cỗ… Cách tận hưởng đêm Trung thu của mọi người trở nên mới mẻ, hợp thời hơn. Nhiều gia đình cho con xuống phố, đến các đường chính để xem biểu diễn lân. Có người đưa con đến các trung tâm bảo trợ trẻ em để các em cùng tận hưởng, sẻ chia một cái Tết Trung thu đúng nghĩa của riêng mình.
Chị Lê Thị Thái, có con học lớp 5 Trường tiểu học Vĩnh Ninh, TP. Huế, trải lòng: “Chúng tôi khuyến khích con đem đồ chơi cũ tặng các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cứ đi học về và tranh thủ ngày cuối tuần, các con làm thêm đồ chơi, bánh nướng để chia sẻ và cùng phá cỗ với các bạn”.
Không ít gia đình ở Huế vẫn lưu giữ Trung thu xưa cho cháu con khi các bà, các mẹ vào bếp để mang đến những món quà ý nghĩa cho cả gia đình. Họ bày biện mâm cỗ Trung thu vô cùng bắt mắt và ngộ nghĩnh. Chị Nguyễn Thị Tú ở phường Kim Long, TP. Huế, cho hay: Năm nay, gia đình tôi chọn làm loại bánh trung thu truyền thống, ít hoa quả trong vườn để bày biện mâm cổ. Cốt lõi là cả nhà được quây quần, sum vầy bên nhau. Chúng tôi kể cho các con nghe về ý nghĩa Tết Trung thu. Các cháu trong nhà sẽ thành lập một đội lân để có đêm trung thu trọn vẹn.
Những bà mẹ trẻ lại muốn tổ chức Trung thu cho con theo cách hiện đại. Họ tập hợp thành một nhóm và tổ chức các hoạt động ngoại khóa để các con hiểu hơn về ngày Tết Trung thu truyền thống. Bọn trẻ sẽ tự múa lân, rước đèn… và được làm bánh nếp, bánh dẻo. Sang hơn, nhiều nhóm thiết kế một chương trình Trung thu cho các em, tuy nhiên, không có kịch bản, họ để các con dẫn dắt câu chuyện theo cách của mình.
Trung thu rộn ràng dành cho tất cả học sinh khi nhiều trường học đều tổ chức Tết trung thu, xem đây là cách trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Mâm cỗ ở các trường được trang trí rất công phu và tỉ mỉ với nhiều loại quả khác nhau nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều trường tổ chức cho các em làm lồng đèn, thành lập đội lân hay phong trào tặng quà trung thu cho các bạn nghèo bằng chính những sản phẩm các em làm ra đã có sức lan tỏa…
Thầy giáo Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, cho biết: Học sinh rất háo hức khi được tham gia vui trung thu. Các lớp cho các em làm mâm cỗ trung thu, múa lân… thỏa thích. Chúng tôi xem đây là những chương trình cần thiết để các em vừa tiếp cận văn hóa truyền thống, vừa rèn luyện kỹ năng trong sinh hoạt tập thể.
Sở thích của trẻ em bây giờ thay đổi nhiều theo cuộc sống. Tuy nhiên, mong muốn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách cho trẻ em cũng là điều nên làm. Thế nên, việc nhiều phụ huynh vẫn sắm cho con những chiếc lồng đèn truyền thống, dạy con biết cách sẻ chia... cũng là một cách làm hay góp phần gìn giữ những tinh hoa của Tết Trung thu, để trăng trung thu tròn mãi trong ký ức tuổi thơ.
Trung thu hiện đại sẽ không vô vị nếu các em biết cách đón nhận ý nghĩa cho riêng mình.
An Nhiên